itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Nước mắt làng tôm hùm

Nước mắt làng tôm hùm

Sau lũ dữ, hơn 200 ngàn con tôm hùm trị giá gần 40 tỷ đồng đã chết kín mặt đầm Cù Mông.

Ba ngày sau lũ, đoạn bờ biển ven đầm Cù Mông tại xã Xuân Thịnh (Phú Yên) đã có hàng ngàn lồng lưới nuôi tôm hùm bị chết. Xác tôm hùm chất đống, thối um dọc biển nhưng người nuôi vẫn phải nuốt nước mắt tiếp tục vớt hàng ngàn lồng lưới tôm hùm còn sót lại đưa vào bờ để thu hoạch... xác tôm.

3 kg tôm bằng... 1 kg tép

Anh Nguyễn Văn Quê ở thôn Phú Dương nhớ lại, trưa 5-11, sau khi lũ xối xả tràn vào đầm Cù Mông, nước biển trong vùng nuôi tôm bị nước ngọt ép xuống sâu tới năm, sáu sải. Thảm họa đã ập lên đầu những người dân làng Hiệp Hòa, Phú Dương, Vịnh Hòa. Hàng vạn con tôm hùm (giá gần nửa chỉ vàng mỗi con) vốn sống trong nước biển không chịu nổi nước ngọt đã ngộp nước, ngả trắng bụng. Dân làng cuống quýt lặn xuống vớt tôm nhưng không xuể. Giá tôm hùm từ 700 ngàn đồng/kg bị bán tháo chỉ 150 ngàn đồng, rồi 15.000 đồng... - chỉ bằng 1/3 ký tép bạc.

Ngay tại đầu làng Phú Dương, chị Lê Thị Hồng - một thương lái cho biết hôm qua đến giờ chị đã mua hơn hai tạ tôm với giá chỉ 15.000 đồng/kg. Chị Hồng nói như phân bua: “Đâu ai muốn ép giá bà con nhưng thiệt tình thứ tôm đã chết này chỉ có cách tranh thủ ướp nước đá đem về Tuy Hòa lóc thịt bán tại chỗ chứ đâu xuất đi đâu được”. Giá tôm rất bèo nhưng số chủ lồng “may mắn” bán được tôm chỉ lác đác. Bởi đa số tôm được vớt lên đã bị chết ươn, thối bụng từ dưới lồng.

“Nước xuống nhanh quá tay, người còn đỡ không kịp nói chi tôm...” - ông Lê Văn Cư ở thôn Vịnh Hòa nói với đôi mắt đỏ hoe vì xót của. Khi phát hiện 5.000 con tôm hùm xanh và gần 2.000 tôm hùm sao của mình bị ngộp nước, ông Cư tức tốc bơi thúng vô bờ hô hoán. Cả làng cùng đổ túa ra đầm nhưng không có cách gì cứu nổi. Mấy ngàn con tôm trị vừa đầu tư trên một tỷ bạc của ông Cư đành phải bán trụm, gỡ được có tám triệu đồng.

Đau nhất là bè của ông Nguyễn Văn Xuân. Hơn 3.000 con tôm hùm sao đã đến tuổi xuất lồng và ông đang nấn ná chờ xuất sang Thái Lan trong dịp SEA Games. Vậy mà chỉ trong một buổi chiều, lượng tôm trị giá trên hai tỷ đồng đành phải bán tháo với giá chưa tới 10 triệu đồng.

Tỷ phú thành con nợ

Ông Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thịnh, cho biết bị thiệt hại nặng như ông Xuân, ông Cư không phải cá biệt vì cả xã có tới 1.000 hộ nuôi tôm hùm. Cho đến hôm qua, ước tính cả xã đã có trên 70% lượng tôm hùm chết (hơn 200 ngàn con), giá gần 40 tỷ đồng.

Ông Cư cho biết thêm, trong hơn 200 bè nuôi trên mặt đầm Cù Mông đã có gần 50 chục bè đầu tư lớn cả tỷ bạc. Nay ai có bè càng lớn thì mất mát càng nhiều. Hộ thiệt hại ít nhất cũng vài trăm triệu đồng, hộ nhiều thì tới vài tỷ đồng. Bởi nuôi tôm hùm vốn rất nặng, một con tôm giống bằng đầu cây tăm đã có giá 200 ngàn đồng. Vốn đầu tư nặng nên gần 1.000 hộ nuôi tôm trên đầm Cù Mông đều phải vay ngân hàng. Ông Huỳnh Ngọc Thử, Trưởng thôn Vịnh Hòa, cho biết mấy năm qua tôm hùm trúng mùa, người dân tích cóp cả vốn lẫn lãi và vay thêm ngân hàng để tái đầu tư. “Bởi vậy sau trận lụt này, coi như đi cả chì lẫn chài!” - ông than thở. Ông Nguyễn Văn Thành, chủ bè tôm hơn 20 lồng ở thôn Phú Dương, cho biết hơn nửa giá trị tài sản lồng bè của ông là tiền ngân hàng (gần 300 triệu đồng). Sau lũ, vốn tái đầu tư đã không còn một đồng. “Giờ chỉ mong ngân hàng vừa cho gia hạn giãn nợ vừa rót thêm vốn cho tụi tôi, may ra mới qua được cái đận này” - ông Thành sốt ruột.

Không có bè, chỉ nuôi lồng lẻ nhưng bà Lê Thị Xê ở Vịnh Hòa cũng đang điên đầu vì món nợ vay 30 triệu đồng để thả hai lồng tôm hùm xanh. Bà là một trong 20 hộ vừa được Ngân hàng Nông nghiệp huyện cho vay vốn để thoát nghèo. Nay thì cả vốn vay lẫn những đồng lẻ cắc củm dành dụm nuôi tôm hùm với giấc mơ đổi vận của những hộ dân nghèo này cũng bị cuốn theo lũ. Ông Lê Minh Hoa, Phó Chủ tịch xã, không giấu vẻ lo lắng: “Bây giờ nhiều nhà cũng không còn gạo để ăn. Chuyện thả lại tôm hùm tụi tôi chưa dám bàn tới. Chuyện trước mắt là rà soát lại, coi nhà nào đang thiếu gạo thì lo cứu đói cái đã”.

Số tiền thiệt hại của những người nuôi tôm hùm chắc chắn sẽ còn tăng lên vì ngoài kia, rất nhiều bè trên mặt đầm vẫn chưa thể thu gom tôm chết đưa vào bờ.

Ông Võ Châu, Giám đốc Sở Thủy sản Phú Yên 

Vừa rồi, khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát làm việc tại Phú Yên, chúng tôi đã đề xuất việc hỗ trợ vốn và kỹ thuật để giúp ngư dân tiếp tục nuôi tôm. Trước mắt, Sở sẽ làm việc với Ngân hàng nhà nước và Ngân hàng Nông nghiệp huyện Sông Cầu để có biện pháp giãn nợ và tái cho vay. Việc hồi phục lại làng bè là chuyện phải làm vì làng bè ở đầm Cù Mông chiếm tới 1/3 lượng tôm hùm cả tỉnh Phú Yên

Nguyễn Viễn Sự (Theo Pháp Luật)