itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Tháng công nhân: Nụ cười và giọt nước mắt

Tháng công nhân: Nụ cười và giọt nước mắt

Bảo hộ lao động sơ sài là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động. Ảnh: T.X

Họ cũng từng có lúc, hằng ngày ra vào nhà máy trong bộ đồ công nhân (CN) mạnh mẽ, thoăn thoắt đôi tay giữa rộn ràng tiếng máy reo vui. Bỗng một ngày nọ, tiếng máy không còn rộn ràng, mà gầm rú cùng với tiếng la thét của người CN, khi tai nạn lao động (TNLĐ) xảy ra.

Bao ước mơ làm việc, cống hiến, hạnh phúc tương lai... bỗng chốc tắt lịm, cuộc đời còn lại của họ là những chuỗi ngày cơ cực. Chợt một hôm, họ được mời đến dự họp mặt, tặng quà nhân Tháng công nhân. Nhiều người trong họ đã không cầm được nước mắt khi nhắc về quãng đời CN thật đẹp đã vĩnh viễn rời xa họ!

Họ từng là công nhân

Ngày 26.5, được sự giúp đỡ về kinh phí của UBND tỉnh Bến Tre, LĐLĐ tỉnh Bến Tre đã tổ chức cuộc họp mặt mà những người được mời đến dự rất dễ rơi nước mắt khi có ai đó hỏi về chuyện đời của họ. Nhân Tháng công nhân năm 2011, 125 người lao động (NLĐ) bị TNLĐ nặng trong toàn tỉnh qua các năm đã được mời về dự họp mặt để UBND tỉnh tặng quà, để được nghe những lời chia sẻ, động viên và để được thấm thía lời dạy của Bác Hồ: “Chúng ta phải quý trọng con người, nhất là CN vì CN là vốn quý nhất của xã hội, chúng ta cần phải hết sức bảo vệ, không để xảy ra TNLĐ”. Hơn ai hết, những người mang thương tật trên người đến dự buổi họp mặt rất thấm thía lời dạy của Bác Hồ. Bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ, TNLĐ đã biến một CN với bao ước mơ cống hiến, bao hoài bão về tương lai trở thành người tàn phế sống cuộc đời cơ cực còn lại.

Ông Trần Trung Hào - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bến Tre - tin rằng, mỗi CN bị TNLĐ nặng suốt đời không thể quên những việc đã xảy ra với bản thân mình. Nhưng, họ nhớ về vụ TNLĐ như một ký ức buồn, vì họ không còn cơ hội khắc phục, sửa chữa. Chính những người may mắn hơn họ đang còn được làm việc, những nhà quản lý mới rút ra những bài học xương máu cụ thể từ các vụ TNLĐ đã xảy ra để cho công việc sau này an toàn hơn.

Với ý nghĩa đó, dù những người bị TNLĐ là do những hạn chế về điều kiện kỹ thuật hay do sự bất cẩn nào đó, thì sự mất mát của họ cũng không phải là vô nghĩa, họ cần được đối xử như những người CN. Tháng công nhân ưu tiên chăm lo cho những CN bị TNLĐ nặng vì vậy không chỉ là nghĩa cử từ thiện, chính sách.

Ước mơ vụt tắt…

Võ Thị Kim Tuyến đã từng trẻ trung, mạnh mẽ trong bộ đồ CN ở độ tuổi ngoài 20 thuộc Xí nghiệp sản xuất chỉ xơ dừa 26/8 (TP.Bến Tre). Cô CN sản xuất giỏi chưa dám gật đầu nhận lời tỏ tình của người CN nam đồng nghiệp vì: “Đợi em thi nâng bậc nghề”. Trước mặt cô là lần thi thợ giỏi toàn tỉnh, là thi nâng tay nghề lên bậc III, là tình yêu, hạnh phúc... Năm 1985, vì CN nam bận lo tiếp nhận máy móc mới đưa về để xây dựng xưởng sản xuất mới, chị Tuyến phải thay họ làm công việc ở trên cao.

TNLĐ xảy ra, chị bị gãy cột sống, phải nằm liệt một chỗ hàng năm trời, trước khi nghỉ làm việc, trở về gia đình sống nhờ vào chế độ dành cho người bị TNLĐ. Mười năm sau chị lập gia đình, sinh được 1 cháu gái, nhưng hậu quả của TNLĐ ngày nào đã là nguyên nhân làm cho hạnh phúc gia đình của chị sớm tan vỡ. Chị Tuyến cùng con sống tạm bợ ở nhà lồng chợ Mỹ Lòng (huyện Giồng Trôm), hằng ngày chị bán thuốc lá bên vệ đường để kiếm tiền nuôi con nhỏ. Nay nhà lồng chợ bị lấy lại để xây dựng chợ mới, mẹ con chị phải thuê phòng trọ để ở. Đứa con gái của chị chuẩn bị thi vào lớp 10, chưa biết rồi sẽ lấy đâu ra chi phí học tập tiếp khi người mẹ tật nguyền chỉ được nhận tiền chính sách hơn 900 ngàn đồng/tháng.

Một cảnh đời khác gần giống với chị Kim Tuyến, đó là chị Nguyễn Thị Thành - từng là CN Cty chỉ xơ dừa 25/8 (gần bên Xí nghiệp 26/8 của chị Kim Tuyến). Để có thêm thu nhập lo chuyện học hành đứa con gái nhỏ (chồng chị bị tai nạn mất sớm lúc chị mới sinh con), chị Thành phải thường xuyên làm tăng ca. Trong một lần làm tăng ca giờ nghỉ trưa vào năm 1998, chị Thành đã sơ ý để chỉ xơ dừa quấn vào tay áo, nên khi chị bỏ vỏ trái dừa vô máy cán, cánh tay của chị đã bị cuộn luôn vào máy.

Người nữ CN hơn 40 tuổi đời, gần 20 tuổi nghề đã đủ bình tĩnh tác động vào hệ thống dừng máy tự động, nếu không cả người chị đã bị nghiền nát như chỉ xơ dừa. Tai nạn làm chị mất một cánh tay. Cô con gái đang học lớp 7 của chị phải bỏ học giữa chừng để đi phụ bán hủ tiếu kiếm tiền lo cho mẹ. Bây giờ cô gái ít học ấy đang đi làm “ôsin” ở TPHCM cũng với mục đích kiếm tiền nuôi mẹ già tật nguyền. Hầu hết những CN nữ bị TNLĐ nặng mà tôi hỏi chuyện trong cuộc họp mặt ở Bến Tre đều có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Các chị không vượt qua được biến cố quá lớn trong đời, điều mà nhiều trường hợp CN nam đã làm được nhờ bản lĩnh của “phái mạnh”.

Vượt lên số phận

Họ từng là 2 CN máy tàu tay nghề cao làm việc chung trong một công ty - Cty hải sản Bến Tre. Như là định mệnh, họ người trước kẻ sau đều bị TNLĐ với cái cách giống hệt nhau và để lại hậu quả cũng không khác gì nhau - mất một chân. Năm 1978, anh Nguyễn Xuân Sáng (SN 1957) điều khiển chiếc tàu đi huyện Ba Tri mua tôm về cho công ty. Chiếc tàu quá cũ tận dụng lại của những người vượt biên trái phép bị bắt đã là nguyên nhân làm cho anh Sáng té ngã đúng vào trục truyền động của máy tàu.

Bị cưa chân gần ngang đầu gối, nhưng anh Sáng vẫn tiếp tục bám nhà máy bằng chiếc chân gỗ. Một cô CN làm chung công ty vì cảm phục nghị lực mà kết nghĩa tơ tóc với anh. Người CN tật nguyền có hơn 30 năm tuổi nghề ấy giờ đang “sở hữu” một gia đình hạnh phúc với một đứa con đang học đại học, đứa còn lại học giỏi bậc THCS. Người đồng nghiệp Huỳnh Thanh Hoàng của anh Sáng cũng bị TNLĐ tương tự vào năm 1981, nhưng anh Hoàng không được tiếp tục gắn bó với nhà máy vì thương tật quá nặng. Với một chân bị cụt sát háng, anh Hoàng đã theo học lớp dạy sửa xe dành cho người tàn tật. Trở về quê (xã An Thuỷ, huyện Ba Tri), anh mở tiệm sửa xe gắn máy. Sự cần cù, tay nghề điện máy có sẵn của thời làm CN đã giúp anh sớm trở thành thợ sửa xe giỏi nhất vùng. Anh lập gia đình năm 1984, sinh 4 đứa con, tất cả đều được học hành đàng hoàng, có việc làm ổn định.

Vào năm 1984, tại Xí nghiệp ôtô Bến Tre xảy ra một vụ TNLĐ mà ai cũng nghĩ rằng nạn nhân chắc chết. Trong lúc sửa “nhíp” chiếc ôtô khách 54 chỗ ngồi, do “con đội” bị sụp, anh CN Phan Văn Hoàng bị cả thân xe đè ngang người. Sau khi được lôi ra khỏi gầm xe, phần trên và phần dưới thân người nạn nhân chỉ còn nối với nhau bởi mớ thịt “bầy nhầy” chỗ thắt lưng. Sức trẻ, nghị lực và quyết tâm được sống đã giúp anh thoát khỏi bàn tay tử thần, nhưng một nửa thân người của anh trở thành bất động, teo tóp.

Thương tật, lở loét hành hạ anh suốt 15 năm, rồi người vợ trẻ đẹp cũng bỏ anh ra đi, để lại cho anh một đứa con... Chịu đựng chừng ấy bất hạnh mà anh vẫn cứ sống, rồi ngồi trên xe lăn bán thuốc lá ở bến xe... Anh đã nuôi đứa con trai khôn lớn, rồi con anh tiếp tục trở thành CN sửa chữa xe, lấy vợ và sinh cho anh 2 đứa cháu nội kháu khỉnh.

Những nguyện vọng nhỏ

Chị Tuyến, chị Thành đã không cầm được nước mắt khi đến dự họp mặt NLĐ tàn tật nhân Tháng công nhân. Các chị khóc vì hạnh phúc và vì tủi phận mình. “Nếu TNLĐ không xảy ra, đời các chị và con đã khác đi nhiều so với hiện nay. Các chị mong muốn điều gì?” - tôi hỏi. Thật bất ngờ khi các chị không mong đợi nhà cửa hay tài sản gì lớn lao, điều mong ước của các chị thật đơn giản. Chị Thành nói: “Các cơ quan có trách nhiệm cố gắng đừng để có thêm nhiều cảnh đời khốn khổ như chúng tôi. Một khi tai nạn xảy ra, không phải một người chịu khổ, mà cả gia đình, con cháu về sau cũng khổ theo”.

Còn chị Tuyến nói: “Tôi không hiểu vì sao từ năm nay chính sách trợ cấp tết cho NLĐ tàn tật bị cắt. Tết vừa rồi tưởng còn trợ cấp nên tôi đến xã nhận về mua đồ tết, đến khi biết không có tôi phải đi vay nóng để trả lại cho xã, đã khổ càng thêm khổ”. Còn anh Sáng, anh Hoàng chỉ mong muốn: Thủ tục làm chân giả cho NLĐ tàn tật hiện nay quá nhiêu khê, cần đơn giản hoá giống như đối với thương binh. Vì chuyện thủ tục nhiêu khê mà anh Hoàng ngại không đi làm chân giả, phải đi lại bằng 2 cây nạng. Anh CN sửa xe Phan Văn Hoàng thì chỉ mong “tờ giấy đỏ”. Anh cho biết, sau khi bị tai nạn, anh được cơ quan cấp cho căn hộ tập thể “mây tre lá” (3,5x10m), gần 30 năm qua anh đã xây thành nhà gạch, nhưng anh và con cháu vẫn “sống tạm” vì chưa được cấp chủ quyền căn nhà.

Kỳ Quan/ Lao Động