itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Về giữa lằn ranh sống – chết

Về giữa lằn ranh sống – chết

Ngày 24.5, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên bị cáo Lê Bá Mai vô tội, trả tự do ngay tại toà. Kết luận của hội đồng xét xử đã khép lại vụ “kỳ án vườn mít” với tội danh hiếp dâm trẻ em và giết người kéo dài gần bảy năm.

Trở lại cái cuốc, mảnh vườn

Giờ thì Lê Bá Mai không còn là một bị cáo với năm lần ra toà, hai lần bị tuyên án tử hình nữa. Ngay khi nhận được quyết định trả tự do, người thân đưa Mai đi mua quần áo mới, thay cho bộ áo cũ kỹ của quá khứ biệt giam. Tần ngần hồi lâu ở cửa hàng, Mai chọn cho mình quần tây xanh, áo sơ mi trắng – trang phục đã không còn hợp thời với một người đàn ông bước sang tuổi 30.

Dư âm của những lần xử trước vẫn còn hằn rõ trên gương mặt ông Lê Bá Triệu, cha Lê Bá Mai. Mỗi khi toà có lịch xử, dù ở Bình Phước (cấp sơ thẩm) hay tại TP.HCM (phúc thẩm), gia đình Lê Bá Mai lại chắt chiu “cơm đùm xôi nắm” lặn lội xe đò từ Thanh Hoá đến phiên xử để thấy mặt con. Và, để tin rằng, con mình vô can trong vụ án giết người, hiếp dâm trẻ em tàn độc. Có nhiều đêm không ngủ ông Triệu chỉ biết nguyện cầu. Dù rằng đã có lúc, mọi việc tưởng như buông xuôi, nếu bản án tử hình được thi hành, có lẽ giờ đây gia đình ấy đã làm giỗ cho đứa con trai duy nhất đến lần thứ tư.

Mai nói mình bình thường sau thời gian ở tù oan và biết ơn những người đã giúp mình lấy lại sự trong sạch trong suốt bảy năm qua. Tuy vậy, chính anh không thể hiểu vì sao thường cười ở mỗi phiên xử. Trong tù, Mai thuộc lòng các bản khai, rồi lại phản bác nó khi ra toà. Có lúc Mai khai với hội đồng xét xử, rằng mình không nhớ. Đó là logic thông thường của một người: không làm thì không thể biết rõ bản chất vụ việc với những tình tiết khác nằm ngoài bản khai, mà theo Mai “cán bộ điều tra bắt học thuộc”.

Từ một thanh niên học đến lớp 5, quãng thời gian ở tù, ra toà, Mai đã có thể rành rọt nói về quy trình tố tụng với những từ điều tra, truy tố, xét xử… như một người rành rẽ pháp luật. Ông Tuân, chủ trang trại Mai làm thuê, người đã thăm nuôi, trợ cấp tiền cho gia đình Mai suốt bảy năm nói điều giản dị: Mai sẽ tiếp tục làm công ở trang trại của ông. Ngoài ra, cha mẹ Mai cũng được ông nhận vào làm ở ngay trong trang trại, để cuộc sống bình thường sẽ lại đến với gia đình này.

Món nợ của cơ quan tố tụng

Vụ án vườn mít với những khuất tất, mâu thuẫn từ lời khai các bên đến các vật chứng đã không được cơ quan điều tra làm rõ, đẩy vụ án hình sự này trở thành kỳ án trong nhiều năm. Ở bất kỳ một nền tố tụng văn minh nào, khi không kết được tội thì phải trả tự do. Nguyên tắc thà bỏ sót tội phạm còn hơn kết án oan cuối cùng đã được TAND tỉnh Bình Phước tiến hành, dù muộn.

Từ khi cái chết đau lòng của nạn nhân Thị Út, 11 tuổi, người dân tộc S’Tiêng xảy ra, vụ án vườn mít len lỏi trong đời sống tố tụng như một bài học đắt giá. Kinh nghiệm điều tra, kết tội, những góc nhìn nhân bản liên tục xuất hiện trong giảng đường đại học, báo chí và ở cả Quốc hội. Tất nhiên, không phải những cá nhân, tổ chức này không chỉ muốn cứu đứa con trai vô tội duy nhất của gia đình ông Lê Bá Triệu ở Thanh Hoá. Hơn hết, sự thật cần được phơi bày để tính nghiêm minh của pháp luật được bảo toàn.

Song, kết luận của toà khó có thể thuyết phục Viện kiểm sát nhân tỉnh Bình Phước, bởi lẽ, suốt bảy năm qua, cơ quan này vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố Mai với những tội danh kể trên. Tuy vậy, nếu viện không có kháng nghị lên toà án nhân dân tối cao, hoặc kháng nghị không được chấp nhận, công dân Lê Bá Mai sẽ được bồi thường oan trong xét xử hình sự theo luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội rất mừng rỡ khi biết Mai được tuyên vô tội. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, bà chia sẻ: “Là người theo vụ án ngay từ đầu, tôi tin Mai vô tội vì những chứng cứ không đủ sức thuyết phục để tước đi mạng sống một người. Mấy ngày trước khi toà xử, tôi thầm cầu nguyện toà án sẽ trả lại sự trong sạch cho Lê Bá Mai. Tôi biết ơn nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương đã đọc thư tay của tôi trước giờ lên máy bay đi công tác và chỉ đạo tiến hành điều tra lại vụ án để có ngày hôm nay”.

Bên cạnh niềm vui, bà Hoài Thu trở lại những băn khoăn, nhiều vụ án kéo dài, chôn tuổi thanh xuân, gây thiệt hại đến người dân nhưng cuối cùng lại oan. Dù có bồi thường bao nhiêu tiền cũng không thể nào bù đắp nổi cho những người như Mai. Cũng như cái chết oan uổng của nạn nhân Út chưa tìm ra thủ phạm. Về lâu dài, Quốc hội sẽ phải sửa đổi để quy trình tố tụng diễn ra nhanh, chính xác hơn.

Phía sau phiên toà, một điều, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Phước không thể quên: vẫn còn đó một món nợ với nạn nhân. Cái chết của cô gái nhỏ Thị Út vẫn chưa tìm ra được hung thủ đích thực, để kẻ thủ ác phải chịu tội. Như vậy tính nghiêm minh của pháp luật mới được bảo toàn trọn vẹn và nạn nhân cũng được trả lại sự công bằng.

Thanh Nhã/ SGTT