itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Trung thu - Có còn cổ tích?

Trung thu - Có còn cổ tích?

Lại một mùa trung thu nữa về. Sài Gòn giăng đầy màu đỏ của những tiệm bánh, những ki-ốt mọc lên bất chợt ngay những ngã ba, ngã tư đông người qua lại, chỉ để bán hàng trung thu. Vèo cái, những sắc màu kia lại trở về lóa mắt con trẻ. Thời gian… Chỉ cần dăm lần nghoảnh lại như thế, thì cũng đã đủ cho một đứa trẻ biến thành một người lớn rồi…

Mùa trung thu bây giờ đến sớm hơn ngày xưa. Dễ nhận ra bởi các cửa hàng bánh kẹo và đồ chơi trung thu cho bày ra ngay từ đầu tháng 7 âm lịch… Trẻ con bây giờ làm cho người lớn hay hoài niệm phải ghen tỵ âm thầm vì chúng có quá nhiều lựa chọn. Rất nhiều loại bánh của các thương hiệu, tên tuổi bánh kẹo lớn với đủ các loại bánh nướng bánh dẻo từ các nguyên liệu cao cấp như nhân vi cá, nhân gà, một trứng hai trứng đến những nguyên liệu đơn giản truyền thống như đậu xanh, mứt, thập cẩm với đủ loại hình dạng từ con cá, con heo, hình đồng tiền đến mặt trăng mặt trời…

Thỉnh thoảng lại lướt qua trí nhớ những ký ức về những đêm trung thu ngày xưa đi xếp hàng theo trẻ con trong khu, đợi được người lớn chia cho mỗi đứa vài chiếc kẹo gói bằng giấy thường có bông hoa hồng ở ngoài, dăm chiếc bánh quy, một vài múi bưởi và một quả chuối. Oai nhất là được chia một chiếc bánh qui có hình con cá, chấm vào cái mắt màu đỏ bằng phẩm màu. Rồi khoe nhau con của mày bé, con của tao to nhặng xị. Ở nhà thì có thêm nguyên cả quả bưởi, hai ba con tò he nặn bằng bột nếp xanh xanh đỏ đỏ mẹ mua ngoài chợ, chiếc bánh nướng nhỏ nhỏ, nhân có thịt mỡ béo ngậy và ít lá chanh thơm thơm bùi bùi. Bánh dẻo thì hình như chỉ có nhân bằng mứt, ngọt khé. Thế là đã đủ một mâm cỗ trông trăng thịnh soạn cho mấy anh em. Gõ cái trống ếch bóc bóc rộn sân, đợi ông Giăng / chị Hằng bắt đầu ló lên từ tán cây mít. Thỉnh thoảng lại chạy ra ngoài cửa ngóng bọn trẻ con í ới gọi nhau đi chơi trăng. Rồi vui chân chạy theo ra ngoài đường một lúc. Rồi lại về nhà ngắm mâm cỗ đã thấy no mắt. Có khi đợi phá cỗ, ngủ quên luôn trên cái chiếu trải trước nhà, lúc khuya người lớn lại phải ra đánh thức vào nhà… ngủ. Không có rước đèn, cũng chẳng có múa lân hay những trò gì khác… Trung thu của những đứa trẻ thời thiếu thốn, như thế cũng đã rất “hoành tráng” rồi. Ít thấy có quà cáp ai mang cho biếu tặng … Mà hình như, những đứa khác trong xóm còn không có được cả một mâm cỗ trung thu như thế…

Trung thu trước chỉ thực sự rậm rịch sau ngày mồng mười âm lịch. Hồi ấy tôi thường rủ những thằng bạn hàng xóm lấy mực phết lên giấy, lấy giấy bóng màu từ các vỏ bánh kẹo làm đèn ông sao, rồi làm pháo hoa bằng bột than, nặn vào đất, đợi khô, đốt rồi tung lên trời. Có năm thì xin hạt bưởi về phơi khô, xâu vào đốt nổ lép bép. Có khi công việc còn chưa hoàn thành thì đã đánh nhau vì những lý do rất trẻ con, thằng bạn nào đó dỗi và bỏ cuộc. Khi trẻ con ta thường hiếu thắng, lúc nào cũng cho là mình giỏi giang hơn người, và rất máu làm thủ lĩnh trong bất kỳ một trò gì. Làm xong, những cái đèn tự làm ấy cũng chỉ để treo lên dây lủng lẳng cho cả nhà… ngắm chứ chẳng mang đi đâu. Về sau, mẹ có mua thêm cho một cái đầu lân bé tý, làm bằng bồi giấy… Mỗi năm được mang ra để cùng với cỗ trung thu, rồi cất trên gác, sang năm sau lại mang ra lau bụi, dùng tiếp. Chiếc đầu lân bé bé ấy đã bị vứt đi đâu đó hồi 12-13 tuổi, khi không còn mặn mà lắm với những trò con nít nữa. Từ đó thì trung thu cũng nhạt dần theo tháng ngày mỗi lớn lên… Học lớp 7 lớp 8 bắt đầu lơ đãng trung thu, không thèm nhắc nhở hay đoái hoài, ko thèm đi nhận kẹo bánh, kiểu như ko thèm nhận tiền mừng tuổi vào Tết. Muốn để chứng tỏ mình đã lớn, không còn là trẻ con nữa. Hình như trong thiếu thời, ai cũng trải qua cái giai đoạn nghĩ lại rất buồn cười ấy. Mười bốn tuổi bắt đầu vỡ giọng, đã tỏ ra lớn rồi. Lớn và đi khai trường mùa thu, và Trung thu dần đi ra khỏi tuổi thơ và cuộc đời…

Lung linh sắc màu báo trung thu.

Những tưởng trung thu là của trẻ con, hoặc có với người lớn cũng là chỉ với các ông bố bà mẹ. Nhưng hình như cái ý niệm về trung thu bây giờ đã khác nhiều. Bên cạnh những lo toan cho con em nhà mình có được một cái Tết trung thu vui vẻ, người lớn giờ còn phải lo mang quà bánh đi “biếu bố mẹ trẻ con”, biếu các cụ, biếu sếp, biếu đối tác làm ăn…. Truyền thống lễ Tết đã biến tướng thành những trò lố bịch và phiền tạp, ra khỏi cả lối suy nghĩ "phú quý sinh lễ nghĩa". Trong các ngày được lên lịch sẵn trong năm để quà cáp biếu xén, ngày trung thu cũng được coi là một ngày quan trọng. Công ty trước đây còn làm việc là một công ty làm dịch vụ, thương mại, có quan hệ với nhiều đối tác trong nước. Làm dịch vụ thì thường phải nhanh nhạy, quan hệ tốt với các khách hàng. Thế nên bên cạnh Tết Tây Tết ta và bất cứ “Tết” nào có thể có trong năm, cứ đến trung thu là phải đặt hàng cho xe tải loại nhỏ chở bánh trung thu đi khắp thành phố, biếu khách hàng… Không cần biết là gia đình họ có trẻ con hay không và có bao nhiêu đứa? Hành động tương tự xaỷ ra ở rất nhiều cơ quan, tổ chức, công ty…. ở khắp nơi… Người ta chuẩn bị quà trung thu từ cuối tháng 7, lo biếu sếp trưởng sếp phó, sếp to sếp nhỏ, rồi những người có quan hệ từ thân mật tình cảm đến các quan hệ làm ăn, tương tác… Trong trăm thứ lo bộn bề của đám nhân viên, còn thêm nỗi lo tính toán cho trung thu. Trung thu xanh đỏ tím vàng của trẻ con chỉ như một mặt nổi dễ thấy. Mà ẩn dưới nó, còn là một trung thu âm thầm chuyển động của những người lớn. Và hình như bây giờ, trung thu đã thực sự trở thành một cái Tết của người lớn núp dưới cái danh nghĩa trẻ con mất rồi…

Bởi người lớn bây giờ cũng đi chơi trung thu, dễ thấy nhất là thanh niên. Hồi sinh viên đã thấy “mốt” này manh nha. Bây giờ thì nở rộ. Từng nhóm bạn bè, từng đôi trai gái đi với nhau rất nhộn nhịp. Có khi, trẻ con ít ỏi bé bỏng lại bị lẫn vào trong những rừng người lớn. Xét từ những cơ hội bày tỏ với nhau tình cảm, sự thân mật. thì xu hướng này dù sao cũng có vẻ tích cực… Ở Hà Nội cách đây vài năm thấy các học sinh trung học, sinh viên, đi chơi trung thu còn mua mang theo súng phun nước, “bắn” nhau ướt như chuột. Trung thu thanh niên ôm nhau trên xe máy đổ ra đầy đường. Năm trước về HN vào đúng dịp, thấy buổi tối trên những con đường Liễu Giai, Nguyễn CHí Thanh – Láng Hòa Lạc, Hoàng Quốc Việt..., sinh viên tổ chức trung thu đầy đường, vỗ tay hát hò rất vui vẻ, để sáng hôm sau những con đường lại đầy… rác. Ừ thì cứ vui đi, cứ coi như là một kiểu “hoài niệm thức thời” về tuổi thơ đã đánh mất. Để sau này nhớ lại, lại bồi hồi về một thuở hồn nhiên ngoài tuổi thơ…

Buổi sáng làm một tua đi vòng các con phố ở SG, thấy bánh kẹo và đồ chơi trung thu la liệt. Hàng hóa nhiều, trung thu lại gần đến nơi, nghĩa là cũng gần qua, thế nên các cửa hàng đã cho thấy dấu hiệu giảm giá, mua một tặng một. Ngày trước trẻ con đi qua mấy cái đèn lồng, đèn kéo quân sáng loáng bằng giấy bóng màu, đã thấy thèm thuồng, như một món xa xỉ không có tiền mua. Còn bây giờ đồ chơi Trung Quốc áp đảo, đủ màu sắc, chủng loại… Siêu nhân, thủy thủ mặt trăng, bong bóng, những chiếc đèn bằng nhựa màu chạy pin vừa sáng lấp lánh, lại biết kêu tin tin, những con cá, con thú nhấp nháy xanh đỏ, những chiếc súng nước đủ loại, kích cỡ, từ màu mè đến những loại nhìn… hệt như súng thật… Lại có cả trống nhựa chạy pin có băng ghi sẵn bật lên kêu rất nhiều loại âm thanh. Cả đèn lồng, đèn kéo quân cũng được nhập lậu vô số về từ Trung Quốc. Tìm căng mắt mới thấy vài ba chiếc đèn được làm thủ công lẫn vào trong góc. Mà hình như trẻ em bây giờ cũng không thích những loại đèn này nữa. Trông nó thật quê mùa bên cạnh những sản phẩm đồ chơi công nghiệp được sản xuất hàng loạt… Ừ thì tuổi thơ mỗi thời mỗi khác. Nhắc lại cái ngày xưa dớ dẩn làm gì… Mai này, trong ký ức của các em, những đồ chơi kia chắc cũng vẫn đẹp, vẫn lung linh thôi…

Sáng nay, nhân lúc nói chuyện với cậu bạn làm ở báo TNTP về bài vở cho trẻ con. Mình chợt hỏi: cậu làm báo cho trẻ con, có biết trẻ con bây giờ có suy nghĩ giống trẻ con của 15 năm trước, hoặc xa hơn thế không?. Cậu bạn không nói gì… Có lẽ, đây cũng là một câu hỏi không dễ trả lời… Mà có ai hiểu được hết trẻ con, khi chúng ta đã không còn là trẻ con nữa, từ lâu lắm… Tuổi thơ kia cũng đã thật xa rồi…

Trong rạng rỡ tuổi thơ.

Tuổi thơ cũng chỉ là một trong nhiều thứ “một đi không trở lại” của đời người, và trung thu của tuổi thơ cũng chỉ là những lát cắt trong những ngày tháng ấy. Hôm nay nhân lúc đi qua chụp ảnh mấy con phố, bỗng nảy ra ý định tán dóc một chút về Trung thu. Cũng chỉ là một vài phút hoài niệm, như cổ tích… Mà cổ tích tuổi thơ dẫu đẹp, cũng không phải là thứ có thể bóc ra ăn… Nó chỉ là viên bi trong veo, mà ta đã đánh rơi đâu đó ở vô cùng, không bao giờ tìm thấy…

Có chăng chỉ thoáng gặp lại nó, trong một phần của con người mình. Cái phần không bao giờ trưởng thành… Và vẫn tạm tin câu nói của ai đó rằng, trong mỗi người lớn dù hạnh phúc hay bất hạnh, luôn có một đứa trẻ hồn nhiên đi cùng, có thể làm ta cười khi muốn khóc, có thể làm ta nhẹ nhàng hơn dù đời sống đang còn trĩu nặng…

SG mùa trung thu...
Phạm Trung Kiên

Ý kiến

Log in or create a user account to comment.