itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Vĩnh Hưng, cơ hội phát triển cùng ITA-Rice

Vĩnh Hưng, cơ hội phát triển cùng ITA-Rice

Ảnh: Thu Giang

Itaexpress - Cuối cùng thì tôi cũng đã đến nơi. Sau gần 3 tiếng bị quăng quật trong xe, khi người tôi nhũn ra như cọng bún thì thị trấn Vĩnh Hưng lần lượt hiện ra.

Tôi chỉ nhận diện được đây là thị trấn bởi tấm biển trên cái cổng sắt cao tít: Thị trấn Vĩnh Hưng kính chào quý khách! Còn hai bên đường vẫn thế, mải miết những cánh đồng, tỉnh lộ 831 chạy dọc theo kênh 28 và, thoảng gặp vài căn nhà. Tôi nghĩ thế. Những căn nhà xiêu vẹo làm và lợp từ lá, lá gì nhỉ? Có phải là lá dừa không nhỉ? Có lẽ thế. Xe chạy nhanh và vật tung người vì đường xấu thảm hại, trời thì mưa từ lúc tôi dậy chuẩn bị đi (5h sáng) cho tới khi tôi về (5h chiều). Thế nên tôi không chụp được tấm ảnh nào phong cảnh Long An heo hút và buồn bã này. Ấy là nói cho oai thôi chứ người tôi bị ném lên ném xuống, say cứ gọi là đứ đừ đư, chỉ nhòm he hé ra xung quanh một cách đờ đẫn. Vì tôi vốn quen thế mất rồi. Tranh thủ đi, tranh thủ nhìn, tranh thủ ghi chép, tranh thủ chụp, tranh thủ phỏng vấn, bất cứ đâu....

Trời mưa trụt mưa trùi nên tôi chả ló mặt đi đâu chụp ảnh được. Hôm nay khai trương Công ty nghiên cứu và xuất khẩu gạo chất lượng cao lớn nhất Việt Nam, ITA-Rice, một công ty con của Tập đoàn Tân Tạo. Mọi người ai cũng hỉ hả, khai trương mà có mưa thế, sau này hẳn nhiều lộc lắm. Cực nhất là tôi và Sơn khốn khổ với các loại máy quay với chụp giữa trời mưa. Không có ai che ô giúp, vừa quay, vừa chụp trong nỗi phấp phỏng sợ mưa ướt hỏng máy.

Long An một ngày nắng. Ảnh: Thu Giang

Long An là mênh mông của những cánh đồng. Vừa đi đường, tôi nghe các đồng nghiệp nói, đây này, bắt đầu từ đây này... , tức là dự án ITA-Rice bắt đầu từ đâu đến đâu, và họ chỉ ra tít tịt ngoài mưa. Tôi không hình dung ra nổi hơn 10 ngàn hecta lớn thế nào. Quê tôi vùng chiêm trũng, đất đai chật hẹp, cũng là mọt đặc trưng chung của đồng bằng sông Hồng, những người dân quê tôi vốn chỉ quen với những khái niệm miếng đất, nhỏ hơn là than, nói đến sào thì đã là rộng lắm chứ đừng nói gì đến mẫu. (Mười than bằng 1 miếng, mười miếng bằng một sào, mười sào bằng một mẫu. Mà đơn vị mẫu Bắc bộ là 360m2, nhỏ hơn một mẫu Nam bộ là 420m2). Nếu không phải về đây và đi với những đồng nghiệp là chính người Long An kể chuyện thì tôi khó mà tin được có những câu chuyên thế này: một người nọ sau khi được hỏi về ruộng nhà mình bao nhiêu, người đó than: nhà tôi chả được bao nhiêu, có mỗi gần 90 mẫu hà! Qua ô cửa kính nhạt nhòa mưa, mênh mông là lúa. Trong tâm trí tôi lại hiện rõ mồm một những lời nói của ông Chủ tịch tỉnh Tân Hưng: “Dự án ITA-Rice thành công sẽ làm đổi đời người nông dân!”. Hay khao khát, tâm huyết của biết bao người từ nhà khoa học cho tới Lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Tập đoàn khi thực hiện dự án ITA-Rice: “Sẽ biến người nông dân thành những người công nhân - nông nghiệp trên chính những mảnh ruộng của họ”, gạo của Việt Nam sẽ không còn trong tình trạng kém Thái Lan về chất lượng và giá thành như bây giờ (chúng ta kém Thái Lan 20$/tấn, thử hỏi, mỗi một năm chúng ta thua thiệt mất mấy trăm triệu đô?). Rồi nghe phong phanh về chuyện biết đâu, ITA Group có thể sẽ tính đến chuyện mua chuyên cơ để đi từ TP HCM xuống Vĩnh Hưng và để đi thị sát hết từng hơn chục ngàn ha lúa....

Lúc gần về, ngớt mưa tôi mới lững thững mặt ra ngoài, chợt phát hiện ra một cây cầu gỗ rất đẹp, không có tên, chỉ có con số 28, là tên con kênh mà nó bắc qua, tôi xăm xăm đi tới. Mọi người dân xung quanh ngoái lại nhìn, những ánh mắt tò mò trên những gương mặt đen đúa và hiền lành. Có lẽ trông tôi có vẻ lạc lõng giữa khung cảnh mênh mông và bình dị này.

Chụp được đúng 3 tấm, tôi chưa kịp chụp nguyên cây cầu thì trời ào mưa. Vội vã nép chiếc máy ảnh vào trong áo, tôi hối hả chạy về, thì cũng là lúc mọi người chuẩn bị ra về. Mấy em bé Vĩnh Hưng háo hức đòi xem ảnh và trầm trồ: "Sao cô ăn ảnh thế!". Tôi ngước nhìn các em, bé gái hồn nhiên ăn dứa và cười khúc khích, mắt các em nhìn tôi sáng rực. Không phải chỉ là cái rực sáng của tuổi thơ, mà tôi nhìn thấy ánh thèm muốn và khao khát của những em bé miền Tây. Như ngày xưa, tôi cũng có những ánh nhìn ấy...

… Những vị khách còn ở lại trụ sở ITA-Rice vẫn say sưa ca vọng cổ, Vĩnh Hưng nhạt nhòa mưa trên những cánh đồng ngút mắt. Sẽ không lâu nữa, khi tôi trở lại, dọc tỉnh lộ 831, dọc kênh 28 này, sẽ không còn những ngôi nhà xộc xệch và xiêu vẹo dưới những tán chàm trổ hoa trắng, buồn bã trong mưa như thế này nữa, khi mà, dự án ITA Rice thành công... Có thể khi ấy, chiếc cầu gỗ tôi vừa đứng chụp được những tấm ảnh rất đẹp kia sẽ không còn nữa mà thay vào đó là một chiếc cầu lớn, hiện đại, Vĩnh Hưng có thể sẽ vẫn mưa thư thế này, nhưng không còn vẻ buồn thảm trên những mái nhà bằng lá mà thay vào đó là những ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ, và có thể, sẽ không còn là thị trấn Vĩnh Hưng mà thay vào đó là thị xã hay biết đâu đấy, là thành phố Vĩnh Hưng cũng không biết chừng. Và cũng rất có thể, sẽ không còn ánh nhìn tò mò và thèm muốn trên những gương mặt đen đúa và hiền lành nữa, chỉ còn những ánh mắt tự hào. Cứ nhìn vào sự phát triển của dân cư ở những nơi Tân Tạo đến đầu tư như Bình Chánh, Đức Hòa, thì cũng đủ biết, thời gian ấy của Vĩnh Hưng là không xa….

Vĩnh Hưng ngày 09/08/2007
Lại Thu Giang