itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / 3 tháng cuối năm, TP.HCM cần 100.000 chỗ làm việc

3 tháng cuối năm, TP.HCM cần 100.000 chỗ làm việc

Báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM cho biết, dự báo trong quý IV/2015, thị trường lao động toàn TP.HCM có nhu cầu khoảng 70.000 chỗ làm việc ổn định và 30.000 nhu cầu lao động thời vụ. Trong đó, riêng tháng 10/2015 cần 17.000 chỗ làm việc, tháng 11 cần 20.000 chỗ làm việc và tháng 12 cần 33.000 chỗ làm việc.

Về trình độ chuyên môn: Cao đẳng - Đại học – Trên đại học chiếm 30%; Trung cấp 20%; Công nhân kỹ thuật và sơ cấp nghề chiếm 15%; Lao động phổ thông khoảng 35%.

Nhu cầu tuyển dụng tiếp tục xu hướng vào nguồn lao động có trình độ, tay nghề. Tuy nhiên, những tháng cuối năm nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng cao về nhu cầu lao động phổ thông để phục vụ nhu cầu sản xuất và các hoạt động dịch vụ cuối năm.

Xét về lĩnh vực ngành nghề, nhu cầu tuyển dụng tiếp tục tập trung nhiều vào những ngành nghề như: Kinh doanh, dịch vụ, công nghệ thông tin, dệt may – giày da, du lịch, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, xây dựng...

Trong khi đó, nhu cầu lao động thời vụ tập trung ở các nhóm ngành như: Kinh doanh, bán hàng, dệt may, dịch vụ du lịch, nhà hàng khách sạn, bảo vệ, giúp việc gia đình, …

Trong quý III vừa qua, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP.HCM đã thực hiện khảo sát 4.173 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thường xuyên với 36.317 chỗ làm việc ổn định, 9.764 nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ và 13.764 người có nhu cầu tìm việc.

Kết quả cho thấy, nhu cầu nhân lực tiếp tục xu hướng tuyển dụng lao động có trình độ, nghề chuyên môn, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông giảm nhiều.

Các nhóm ngành nghề có xu hướng tuyển dụng tăng trong quý III/2015 gồm: Kinh doanh bán hàng, vận tải kho bãi xuất nhập xuất khẩu, cơ khí tự động hóa, công nghệ thông tin, kiến trúc, kỹ thuật công trình xây dựng…

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực, kinh tế TP.HCM trong năm 2015 tiếp tục đà phát triển tốt. Các ngành công nghiệp trọng yếu ngày càng chiếm tỷ trọng cao và có tốc độ tăng bình quân cao hơn tốc độ tăng chung cũng cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế tốt hơn, theo hướng chuyển dần sang các ngành có hàm lượng công nghệ và chất xám cao.

Do vậy, thị trường lao động thành phố tiếp tục phát triển theo hướng tăng yêu cầu chất lượng, trình độ và hạn chế về số lượng.

Theo V.M

BizLIVE