itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Cắt giảm chi tiêu công, đảm bảo an sinh xã hội

Cắt giảm chi tiêu công, đảm bảo an sinh xã hội

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi

với các đại biểu bên lề cuộc họp.

Ngày 2.4, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố phía bắc về các giải pháp kiềm chế lạm phát và tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2008.

Các Phó Thủ tướng: Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải, lãnh đạo các bộ, ban, ngành T.Ư và lãnh đạo 32 tỉnh, thành phía bắc từ Thừa Thiên-Huế trở ra đã tham dự hội nghị.
Tiết kiệm triệt để tiền bạc, thời gian
Mở đầu cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Phí Thái Bình cho rằng trước tình trạng giá cả leo thang như hiện nay, Chính phủ phải giao cho các cơ quan chuyên môn cương quyết xử lý các doanh nghiệp, cá nhân đầu cơ, tăng giá, ép giá làm căng thẳng thêm tình hình lạm phát. Đi cùng với việc giảm chi tiêu công thì phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã đầu tư và giảm ngay tình trạng hội họp tràn lan, rất mất thời gian và không hiệu quả.
"Để tiết kiệm cả tiền bạc và thời gian thì Chính phủ nên cho phép cắt giảm một số thủ tục hành chính rườm rà về đấu thầu, mời thầu vì những thủ tục này làm cho việc thực hiện các dự án bị chậm lại rất nhiều" - đó là ý kiến của ông Hoàng Thương Lượng - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.
Ông Lượng phân tích rằng, một trong những vấn đề rất quan trọng để đảm bảo an sinh xã hội là việc chăm lo cho đời sống người dân phải gánh chịu thiên tai, dịch bệnh. Với đợt rét vừa qua, hàng vạn hộ dân đã bị thiệt hại lớn do trâu, bò chết rét dẫn đến không còn sức kéo. Chính phủ đã hỗ trợ cho mỗi con trâu, bò chết rét 1 triệu đồng, nhưng số tiền như vậy chỉ đủ mua 1/6 con trâu, bò, vì vậy vẫn không giải quyết được triệt để tình trạng khó khăn của người nông dân.
Vì lẽ đó, ông Lượng đề nghị Chính phủ nên nâng mức hỗ trợ lên ít nhất khoảng 30%-50% cho người nông dân. Ý kiến của ông Lượng cũng là ý kiến chung của hầu hết các địa phương có trâu, bò chết rét trong đợt thiên tai vừa qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đợt rét hại vừa qua đã làm đảo lộn toàn bộ cơ cấu cây nông nghiệp của Đồng bằng sông Hồng, vì vậy, Bộ NNPTNT cần phải điều ngay giống lúa từ miền Trung ra cho vụ tới, vì đây là giống cho thu hoạch sớm hơn các giống lúa Đồng bằng sông Hồng 20 ngày, nếu không sẽ xảy ra tình trạng mất mùa và hệ lụy của nó vô cùng tai hại.
Về các giải pháp cho công nghiệp, ông Cường đề nghị không nên cắt điện sản xuất, mà chỉ nên cắt điện cho tiêu dùng. Cùng chung ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Quang và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nhữ Thị Hồng Loan đều phát biểu rằng chỉ tiêu cắt giảm 10% chi thường xuyên của Chính phủ gây thắc mắc nhiều nhất cho các địa phương, vì vậy, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn làm rõ cắt giảm cái gì, lĩnh vực nào vì khoán chi hành chính nên ngân sách đã được phân bổ cho các đơn vị từ đầu năm. "Nếu giờ, Chính phủ bảo tiết kiệm 10% thì lại thu lại à?" - bà Loan thắc mắc.
Về nhiệm vụ đẩy mạnh các dự án xây dựng hạ tầng, chủ tịch các tỉnh Nam Định, Thanh Hoá, Lào Cai... đều kiến nghị Chính phủ phải sửa lại Nghị định 84 vì nghị định này gây rất khó khăn cho việc đền bù giải phóng mặt bằng phát triển hạ tầng cho các công trình xây dựng, công nghiệp.

Sẽ không cắt điện sản xuất
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ sự nhất trí cao và tiếp thu những ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị về các vấn đề giải phóng mặt bằng, đấu thầu, hướng dẫn việc thực hiện các chính sách cho người bị thiên tai...
Thủ tướng nhấn mạnh: Đánh giá tình hình kinh tế trong 3 tháng đầu năm thì vẫn đạt mức tăng trưởng khá nhưng đã bắt đầu có những dấu hiệu bất ổn do lạm phát tăng cao, đời sống của những người nghèo, cận nghèo và làm công ăn lương bị ảnh hưởng lớn.
Chính vì vậy ngay từ cuối tháng 2 đầu tháng 3, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan ban ngành phải nỗ lực kiềm chế lạm phát. Chính phủ cũng đã nhấn mạnh các ưu tiên phát triển kinh tế đất nước, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là kiềm chế lạm phát mà mục tiêu là kiềm chế rồi giảm dần chứ không được tăng cao.
Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương phải chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy mạnh sản xuất nhất là sản xuất nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội.
Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành điện phải cung cấp đủ điện cho sản xuất, chỉ cắt giảm điện ở khu vực tiêu dùng. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương phải cắt giảm chi tiêu đầu tư công để dồn vốn cho các dự án cấp thiết; triệt để tiết kiệm, giảm bớt hội họp, điện thoại, tiếp khách, tiệc tùng, ôtô đi lại, đồng thời thực hiện nghiêm 8 giải pháp Chính phủ đề ra để kiềm chế lạm phát.

Ngô Chí Tùng (Lao Động)