itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Công chúng quyết định vị trí báo chí

Công chúng quyết định vị trí báo chí

Ảnh: Ka Ka

“Phần lớn các nhà báo không chọn báo chí như là một nghề chỉ để kiếm sống. Tôi tin, báo chí đang và sẽ được nhìn nhận đúng như vai trò mà xã hội luôn chờ đợi ở mình: hành xử có trách nhiệm hơn với đất nước, với dân tộc”.

Đó là nhận định của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong bài viết nhân kỷ niệm 82 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Chưa bao giờ báo chí Việt Nam phát triển như ngày nay, con số hơn 600 đầu báo, với đủ loại hình, đang hoạt động là một ví dụ. Điều tôi muốn nói ở đây là sự ảnh hưởng mà báo chí tạo được trên nhiều mặt đời sống của đất nước. Những ảnh hưởng xã hội đó, đã đưa báo chí lên một vị thế mới, đồng thời, cũng đòi hỏi những người làm báo cùng các cơ quan quản lý báo chí, phải hành xử chức phận của mình một cách có trách nhiệm với xã hội hơn.

Không thể có một xã hội phát triển lành mạnh theo đúng các chuẩn mực văn minh nếu trong xã hội đó thiếu sự công khai, minh bạch. Tôi lấy ví dụ từ một vụ việc vừa được báo chí đề cập: Hàm lượng chất 3-MCPD trong một số loại nước tương vượt quá giới hạn cho phép đã được phát hiện từ trước. Thế nhưng, từ các cơ quan chức năng cho đến nhà sản xuất vẫn để các loại nước tương có thể gây hại cho sức khỏe đó lưu hành cho đến khi kết quả kiểm nghiệm được thông tin trên báo chí. Sức mạnh của sự công khai, có thể nói, đã giúp người tiêu dùng có thái độ đúng, buộc các cơ quan Nhà nước phải thực thi trách nhiệm và thức tỉnh các nhà doanh nghiệp ý thức đầy đủ hơn đạo đức và văn hóa kinh doanh.

“Vụ nước tương” cho thấy, báo chí không chỉ công khai những gì mình muốn mà còn có nghĩa vụ công khai tất cả những điều xã hội cần. Cũng không thể nhận thức một cách thô thiển, báo chí chỉ là công cụ trực tiếp của một cơ quan, tổ chức nào đó. Báo chí chỉ thực sự hữu ích khi đồng thời trở thành công cụ của xã hội, của đại chúng.

Kinh tế thị trường, mà chúng ta áp dụng, trên thực tế đã không thương mại hóa báo chí theo hướng mà không ít người lo ngại. Chính thị trường đang làm cho báo chí gần gũi với người đọc hơn bởi sự tồn tại và phát triển của báo chí là do chính người đọc quyết định. Sự phát triển theo hướng đó đã tạo ra những tiêu chí đánh giá mới.

Tầm quan trọng của báo chí hiện nay không còn lệ thuộc hoàn toàn vào các thang bậc của thời bao cấp: báo chí cấp I, báo chí cấp II, cấp III. Sự tín nhiệm của công chúng, của bạn đọc quyết định vị trí của các sản phẩm báo chí. Càng đi theo những tiêu chí đó, càng nói tiếng nói của nhân dân, trở thành công cụ của nhân dân, báo chí Việt Nam càng trở về, một cách gần gũi hơn, với bản chất của nền báo chí cách mạng: yêu nước, tiến bộ.

Sự phát triển đó của báo chí cũng đang làm xuất hiện không ít điểm bất cập trong mối quan hệ giữa báo chí và các cơ quan chủ quản. Rất nhiều cơ quan chủ quản vốn dĩ là một tổ chức hành chính Nhà nước. Nhiều cơ quan chủ quản khác là đoàn thể chính trị nhưng lại đang có khuynh hướng hành chính hóa những hoạt động của mình.

Trong khi báo chí càng ngày càng năng nổ, bám sát đời sống để cố gắng nói lên tiếng nói của quần chúng nhân dân, thì có không ít cơ quan chủ quản, bởi khuynh hướng hành chính hóa đó, đang xa cách dần với quần chúng và trở thành “chiếc áo chật chội” cho những “cơ thể” đã trưởng thành. Trong tình huống đó, các cơ quan chủ quản, có khuynh hướng, hoặc là mặc kệ; hoặc sử dụng quyền lực một cách áp đặt, thay vì định hướng và thuyết phục để lãnh đạo báo chí sáng suốt và có hiệu quả.

Sự phát triển của báo chí trong những năm qua cũng đã từng bước thu hút được những người thực sự có năng lực đứng vào đội ngũ các nhà báo. Môi trường hoạt động báo chí với mức độ tiếp cận tri thức mới và cọ xát thực tiễn cao cũng đã giúp cho các nhà báo trưởng thành nhanh hơn. Lãnh đạo một đội ngũ những người làm báo như thế, rõ ràng, không chỉ đòi hỏi sự vững vàng về quan điểm mà còn cần phải có sự vươn lên về trí tuệ.

Chúng ta có hàng chục ngàn nhà báo đang có mặt ở khắp mọi miền đất nước, am hiểu thực tế và có thể nắm bắt kịp thời mọi diễn biến xã hội. Nếu chỉ sử dụng báo chí nói một chiều theo ý mình, sẽ không phát huy được tính năng động, sáng tạo của đội ngũ nhà báo đông đảo đó. Báo chí “một chiều” chỉ có thể trở thành những công cụ dễ dàng làm vừa lòng mình nhưng không thực sự giúp được gì cho mình. Trong điều kiện một Đảng lãnh đạo, báo chí càng cần phải trở thành một kênh thông tin từ nhân dân, một công cụ giám sát quyền lực Nhà nước của nhân dân; vừa phát hiện và vừa đóng vai trò phản biện.

Nếu báo chí thụ động, các nhà báo cứ quen chờ đợi sự chỉ đạo, chúng ta sẽ thường xuyên bị động trên mặt trận thông tin. Về kinh tế, Việt Nam đã từng bước hội nhập. Về phương diện thông tin, Việt Nam càng không thể biệt lập với bên ngoài. Trong thời đại ngày nay, nếu báo chí trong nước tạo ra bất cứ khoảng trống nào về thông tin, báo chí bên ngoài sẽ ngay lập tức chiếm chỗ.

Báo chí cũng đang đứng trước không ít cám dỗ. Nếu coi báo chí như là một thứ quyền lực đứng trên pháp luật thì nhà báo cũng rất dễ bị tha hóa. Các nhà báo và các hoạt động báo chí cũng phải được đặt dưới sự chế tài của luật pháp. Ngược lại, xử lý những sai sót của báo chí và của các nhà báo cũng phải căn cứ vào pháp luật.

Tôi tin rằng các nhà báo chân chính, dám nói tiếng nói của đông đảo quần chúng nhân dân, không cầu an khi dấn thân vào nghề này. Nhưng, thật không công bằng khi những nhà báo dũng cảm, dám đương đầu với tham nhũng, tiêu cực, chống lại cái xấu và cổ động cho cái mới, tốt đẹp lại phải chịu nhiều bầm dập.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt