itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Quốc hội thảo luận dự thảo luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước: Của công dễ biến thành của tư

Quốc hội thảo luận dự thảo luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước: Của công dễ biến thành của tư

ĐB Phạm Phương Thảo lo lắng “bệnh”

nể nang làm cho tài sản công bị lãng phí.

Ảnh: TTXVN

Chiều 13-11, không khí thảo luận ở hội trường kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XII sôi động lên khi các đại biểu (ĐB) thảo luận dự thảo Luật Quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước. Vấn đề được các ĐB tranh luận khá nhiều xung quanh việc cho thuê tài sản công đang diễn ra tràn lan tại các công sở trong cả nước

Trước bức xúc của cử tri TPHCM về tình trạng tài sản công bị sử dụng không đúng mục đích, lãng phí, ĐB Phạm Phương Thảo (TPHCM) cho rằng luật phải quy định rõ: Cơ quan Nhà nước không đem tài sản công được giao quản lý, sử dụng để đục tường, trổ cửa... cho thuê vì vừa gây mất thẩm mỹ vừa dễ xảy ra tiêu cực, của công dễ biến thành tư.

Trái ngược với ý kiến trên, ĐB Trần Thị Lộc (Bắc Kạn) cho rằng tài sản Nhà nước không được đem cho thuê là chưa hoàn toàn hợp lý. Bởi thực tế hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị Nhà nước đã được trang bị “tận răng”, từ phòng họp đến hội trường khá hoành tráng, hiện đại... Trong khi thực tế sử dụng lại lèo tèo. “Nếu không cho thuê thì vô hình trung chúng ta đã lãng phí tài sản công” - ĐB Lộc bày tỏ quan điểm. Sau một hồi tranh luận tại nghị trường, ĐB Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn) nói thẳng băn khoăn của mình: “Đọc qua dự thảo luật, tôi chưa thấy tính khả thi, từ đó lo lắng sẽ không có hiệu quả cao khi luật đi vào cuộc sống”.

Dù dự thảo Luật Quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước quy định về các biện pháp chế tài, như xử lý kỷ luật, hành chính và hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường... nhưng nhiều ĐBQH tỏ ra băn khoăn khi dự thảo luật được thông qua. ĐB Phạm Phương Thảo cho rằng quy định rất “dữ”, nhưng thực tế các cơ quan, đơn vị Nhà nước vẫn còn “bệnh” nể nang, xử nhẹ cho qua, dẫn đến tài sản công bị sử dụng lãng phí kéo dài, gây bức xúc trong dân.

Buổi sáng cùng ngày, trong phần thảo luận dự thảo Luật Thể thức trưng mua, trưng dụng tài sản cá nhân, tổ chức, nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ các đối tượng tài sản thuộc diện trưng mua, trưng dụng; phân biệt rõ lý do thật cần thiết vì quốc phòng, an ninh hay bão lũ, dịch bệnh và có đền bù thỏa đáng cho người bị trưng mua, trưng dụng tài sản. Đáng chú ý, một số ĐB không đồng tình khi dự thảo luật quy định người có thẩm quyền ra quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản bằng lời nói.

Hôm nay (14-11), QH tiếp tục thảo luận về dự án Luật Quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước; Luật Năng lượng nguyên tử và thông qua Nghị quyết phân bổ ngân sách Trung ương năm 2008.

(Theo NLĐO)