itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các trường đại học tại TP.HCM

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các trường đại học tại TP.HCM

  • Lập ban chỉ đạo quy hoạch xây dựng các trường đại học
  • Năm 2013 sẽ dời các trường ĐH ra ngoại thành

Ngày 9-10, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã có buổi làm việc với 50 trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp (ĐH-CĐ-TCCN) trên địa bàn TP để bàn về việc quy hoạch cơ sở vật chất các trường. Theo ý kiến phản ánh của các trường, hiện nay, hầu hết các cơ sở đào tạo đều nhỏ hẹp, quá tải, không đảm bảo cho việc thực hiện chiến lược giáo dục cũng như đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cao.
Theo đại diện các trường ĐH-CĐ-TCCN, hàng năm các trường đều phải thuê mướn mặt bằng ở nhiều nơi mới có chỗ cho sinh viên (SV) học. Ý thức được việc cần thiết phải mở rộng đầu tư trường lớp, cơ sở vật chất ra vùng ven, ngoại thành thông qua nguồn quỹ từ học phí (còn gọi là quỹ phát triển sự nghiệp), từ ngân sách và vốn vay ngân hàng…, nhưng thủ tục và việc giải phóng mặt bằng quá khó khăn, nhiều nơi lại chưa có quy hoạch cụ thể.
Tại buổi làm việc, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM cho biết, hiện trường có 50.000 SV, nhưng chỉ có diện tích 1,6 ha. Từ nhiều năm trước trường đã tìm 70ha đất ở Long Phước, quận 9 để chuyển trường. Tuy nhiên từ đó đến nay, mặc dù có đến 20 công văn đề xuất cơ quan thẩm quyền nhưng vẫn chưa biết kết cục ra sao. Trong khi đó, “để càng ngày thì tiền đền bù càng nhiều, càng khó thực hiện”.
Tương tự, ĐH Luật TPHCM hiện có khoảng 13.000 SV và diện tích thuộc loại nhỏ nhất nước. Trước đây trường cũng đã tìm 40 ha ở Long Phước để di dời, nhưng đến nay cũng dậm chân tại chỗ. Còn ĐH Ngân hàng TPHCM, hiện có khoảng 20.000 SV, cơ sở vật chất có rộng hơn một số trường (có 10 ha ở Thủ Đức và 2 cơ sở khác), tuy nhiên vẫn trong tình trạng quá tải. Hiện trường phải thuê thêm phòng học, trong khi phòng không đúng chuẩn…
Trong khi đó, theo các trường, nếu những năm trước đây TP chấp thuận chủ trương cho các trường thì đến nay dự án có thể đã được triển khai do giá đền bù thấp hơn hiện nay rất nhiều.

Trước những bức xúc của các trường, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết, UBND TP sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn trong xây dựng cơ sở trường lớp cho các trường, trước mắt sẽ thành lập ban chỉ đạo hoàn chỉnh quy hoạch các trường ĐH-CĐ-TCCN.
Ban chỉ đạo này gồm một phó chủ tịch UBND TP, đại diện Bộ GD-ĐT và các sở ban ngành liên quan như quy hoạch - kiến trúc, xây dựng, tài nguyên - môi trường... Từ nay đến tháng 12-2007, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng phải báo cáo với UBND TP định hướng phát triển quy hoạch mạng lưới giáo dục - đào tạo. Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM có trách nhiệm thống kê số lượng trường cũng như số SV để TP có cơ sở tính toán, phân bổ quy hoạch hợp lý.
Đặc biệt, TP sẽ không giao đất cho từng trường mà việc quy hoạch, xây dựng của các trường phải được thực hiện đồng bộ trên quy hoạch tổng thể.
Chủ tịch Lê Hoàng Quân cũng cho biết, để các trường thuận tiện trong việc lập thủ tục, hồ sơ xây dựng, UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng thành lập một tổ chuyên biệt chịu trách nhiệm hướng dẫn về thủ tục cho các trường. Theo Chủ tịch Lê Hoàng Quân, sau khi vướng mắc được tháo gỡ, từ nay đến năm 2013 các trường phải khẩn trương xây dựng và di dời ra ngoại thành. Đến năm 2025, tất cả các trường phải đảm bảo ổn định về mọi mặt.
Ông cũng khẳng định, nhà nước sẽ không thu hồi cơ sở của các trường trong nội thành mà sẽ để các trường làm nơi nghiên cứu và đào tạo sau đại học.

Theo Sở GTCC 

Hiện thành phố có trên 8 triệu dân, trong đó số HS-SV chiếm đến 2 triệu, hàng năm số lượng SV nhập học rất lớn (khoảng 150.000) và số SV tốt nghiệp hầu hết tập trung làm việc tại TPHCM. Bình quân mỗi ngày có đến 5 triệu lượt HS-SV đi về, khiến cho mật độ giao thông của TP ngày càng tăng lên. Chính vì vậy, cần phải có quy hoạch chuyển dần cơ sở học của các trường ĐH, CĐ ra vùng ngoại ô.

Phương Đông