itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / 73 người chết và mất tích vì mưa lũ

73 người chết và mất tích vì mưa lũ

Một đoạn quốc lộ 6 (Sơn La)

Trong khi ở một số nơi lũ có dấu hiệu rút thì ở Nghệ An lũ lại đang lên gây ngập lụt nhiều xã thuộc các huyện Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên... Còn ở Thanh Hóa thì đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Theo thống kê từ ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh đến 8-10, bão lụt đã làm 60 người chết, 13 người mất tích. Có 5.971 nhà bị sập đổ, 51.794 nhà bị ngập, hư hỏng.

Nghệ An là tỉnh bị thiệt hại nhiều nhất với 22 người chết, 3 người mất tích. Tỉnh Thanh Hóa có 15 người chết, 2 người mất tích. Hòa Bình 9 người chết, 3 người mất tích. Sơn La có 7 người chết, 3 người mất tích. Ninh Bình có 4 người chết. Yên Bái có 1 người chết, 1 người mất tích. Thừa Thiên - Huế có một chiến sĩ biên phòng mất tích do bị lũ cuốn trôi. Hà Tĩnh có 1 người chết. Quảng Bình 1 người chết.

Nghệ An: nước sông Cả đang lên nhanh

Tối 8-10, nước lũ trên sông Cả tại huyện Nam Đàn đã lên tới 8,06m, vượt mức báo động 3 là 0,15m. Các tuyến đê xã Thanh An, Thanh Yên, Cát Văn, Thanh Giang, thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An) bị nước lũ dâng tràn cao tới 50cm và nhiều đoạn bị vỡ, nhấn chìm hàng trăm nhà dân không kịp di dời.

UBND huyện Nam Đàn đã huy động bộ đội, thanh niên, dân quân tự vệ túc trực ứng cứu phòng vỡ đê Năm Nam (chạy qua năm xã Nam Trung, Nam Cường, Nam Phúc, Khánh Sơn, Nam Kim) dọc sông Cả. Nhiều hộ dân ở bên bờ sông Cả thuộc các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn và Hưng Nguyên bị ngập sâu tới mái nhà. Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã khẩn trương cấp 300 phao, 200 chiếc áo phao, hai chiếc xuồng và 4.000 bao bì, 11.600m2 bạt vải cho các xã vùng ven sông Cả, sông Lam.

Trước đó, ngay khi từ vùng lũ trở về, chiều 8-10 lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã có cuộc họp bàn việc cứu trợ khẩn trương cho dân vùng ngập lũ. Theo đó, tỉnh chỉ đạo chuyển ngay 600 triệu đồng của UBND TP.HCM; 200 triệu đồng của bốn tổng công ty thuộc Bộ NN&PTNT; 4 tấn gạo, 2.000 gói mì tôm của Công ty xây dựng Tecco lên hỗ trợ người dân các vùng bị lũ tàn phá, đặc biệt là bản Pục, bản Méo (xã Nậm Giải, huyện Quế Phong).

Sáng 8-10, huyện Quế Phong đã huy động lực lượng quân đội, thanh niên tình nguyện và thuê 50 xe Minsk chở thuốc men, gạo, nước, chăn màn, quần áo và dầu hỏa vào cho đồng bào bản Pục, bản Méo. Mỗi gia đình sẽ được cấp ngay 15kg gạo, nửa lít dầu hỏa. Mỗi em học sinh được cấp 300.000 đồng để mua sách vở.

Các gia đình nạn nhân được hỗ trợ 5 triệu đồng/người chết, mất tích; 3 triệu đồng/người bị thương.

Thanh Hóa: nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Suốt mấy ngày qua, 122 cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thành dốc lòng phục vụ 158 bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện và Trường THCS Dân tộc nội trú của huyện. Tính đến ngày 8-10, bệnh viện này tiếp nhận thêm 50 bệnh nhân trong các xã vùng tâm lũ, trong đó có 12 ca sản phụ sinh "mẹ tròn con vuông".

Hiện còn hơn 28.000 dân trong các vùng lũ Thạch Thành đang trong tình trạng đói khát, mệt mỏi, vì nhiều ngày ngâm mình trong nước lũ. Sáng 8-10, bộ đội công binh đã dùng thuyền cứu nạn đưa nhiều người dân ở xã Thành Kim, Thạch Định, Thạch Lâm… bị sốt suốt hai ngày qua đến bệnh viện để điều trị. Bệnh viện đang quá tải, nhiều bệnh nhân phải nằm chung giường, gặp rất nhiều khó khăn trong công tác điều trị vì thiếu thuốc men và thiết bị y tế.

Mực nước ở huyện Thạch Thành tuy có giảm, nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường đang rất nghiêm trọng do hàng ngàn gia súc, gia cầm chết. Bác sĩ Phạm Thị Khanh - giám đốc Bệnh viện đa khoa Thạch Thành - nói: "Đến nay, rất nhiều người dân trong vùng lũ đã mắc bệnh tiêu chảy, đau mắt đỏ, lở ngứa ngoài da. Bệnh viện đã nhận được một số cơ số thuốc chữa bệnh nhưng rất thiếu cán bộ chuyên môn, thiếu lực lượng chuyển thuốc đến nhiều thôn bản".

Tại vùng lũ thuộc Vĩnh Lộc, ông Phạm Văn Tiến - giám đốc Trung tâm y tế dự phòng huyện - cho biết: "Hiện nay, rất nhiều người dân đang mắc bệnh lở ngứa, tiêu chảy, đau mắt đỏ”. Cũng theo ông Tiến, trung tâm vừa tiếp nhận được 14 cơ số thuốc (gồm kháng sinh chống bệnh đường ruột, điều trị viêm phổi, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da) và đã cử 28 y bác sĩ đến các xã bị ngập để cấp phát thuốc miễn phí cho bà con. Trung tâm còn khử trùng 2.600 giếng nước bị nhiễm khuẩn, kịp thời đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân.

Sơn La: quốc lộ 6 ách tắc

Đến thời điểm này, tỉnh Sơn La đang dốc sức huy động mọi lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục lũ lụt do ảnh hưởng của bão số 5 gây ra. Những con số thiệt hại liên tục được bổ sung. Nhiều địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa còn chưa kịp báo cáo hết những thiệt hại... Trận lũ đạt đỉnh điểm bắt đầu từ đêm 4-10 đến trưa 5-10, được coi là khốc liệt nhất trong vòng gần 20 năm qua trên địa bàn tỉnh Sơn La, gây nhiều thiệt hại về người, tài sản ở các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Phù Yên...

Tính đến 11g ngày 8-10, lũ lụt đã làm chết 7 người, 3 người mất tích, huyện Mộc Châu thiệt hại lớn nhất.

Đặc biệt, trên quốc lộ 6 từ Sơn La đi Hòa Bình, nước đã gây ngập và có trên 100 điểm trượt, sụt nền đường. Từ huyện Mộc Châu ngược lên thị xã Sơn La hiện đã khắc phục tạm thời, từ Mộc Châu về Hòa Bình - Hà Nội vẫn đang bị ách tắc, đến trưa 8-10 vẫn chưa có xe nào (kể cả xe máy) đi được. Hiện có hơn 100 ôtô, rất nhiều xe máy và hàng trăm người vẫn đang mắc kẹt trên tuyến quốc lộ 6 đoạn giữa Hòa Bình và Sơn La.

Đến nay, bước đầu đã khắc phục tình trạng cô lập giữa huyện Mộc Châu với thị xã Sơn La. Riêng huyện Mộc Châu, nhiều xã bị lũ hiện vẫn chưa có điện, thiếu nước sinh hoạt như Tân Lập, Lóng Luông, Vân Hồ, Mường Men...

Ông Lường Văn Huân, chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết trong khi khắc phục lũ, người dân phát hiện hai quả bom, quả lớn nhất nặng 450kg. Hiện nay, lực lượng công binh đã vận chuyển để xử lý hai quả bom này.

ĐẮC LAM - TUẤN PHÙNG - HÀ ĐỒNG - VŨ TOÀN - ANH ĐỨC