itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Bão số 5 - Đỉnh lũ cao nhất trong vòng 30 năm nay

Bão số 5 - Đỉnh lũ cao nhất trong vòng 30 năm nay

Tại Nghệ An, từ đêm 4 rạng 5/10, lũ trên sông Hiếu (Nghệ An) đã dâng cao bất ngờ, tạo thành đỉnh lũ cao nhất trong vòng 30 năm nay đến nay và đã có ít nhất sáu người chết ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Quế Phong và 15 người bị thương ở huyện Kỳ Anh. Thiệt hại của huyện tâm bão này ước tính khoảng 395 tỉ đồng.

Theo đúng như dự báo, hồi 9h30 ngày 30/9, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão số 5 (Lekima) và cũng là cơn bão thứ 14 hoạt động trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm 2007.

Đến 10h cùng ngày, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 15,2 độ vĩ bắc; 115,5 độ kinh đông, trên khu vực giữa biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 400 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão cấp 8 (từ 62 – 74 km/giờ), giật trên cấp 8 và tình hình diễn biến rất phức tạp. Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn TƯ, vùng tâm bão số 1 là ở Nghệ An - Hà Tĩnh, số 2 là Thanh Hóa. Tuy nhiên, vùng gió cấp 6 sẽ từ vĩ độ 16 (Đà Nẵng) đến Quảng Ninh. Trong cuộc họp chiều 2/10, Ban chỉ đạo PCLB TƯ đã đưa ra phương án chung là sơ tán gần 300.000 dân tại những khu vực trọng yếu thuộc các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh trước khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền vào ngày 3/10 theo dự kiến.

Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu kế hoạch, số lượng người sơ tán phải tính đến cụ thể từng xã, huyện và chính quyền các cấp phải trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác sơ tán. Đồng thời Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các lực lượng giữ liên lạc và tìm cách cứu hộ các ngư dân và tàu thuyền ở các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thanh Hóa càng sớm càng tốt để tránh gặp nguy hiểm trước khi bão vào. Các lực lượng cứu hộ cũng phải triển khai thông báo, tìm kiếm các tàu còn mất liên lạc của Hà Tĩnh và Trà Vinh. Ở các địa phương thì tùy tình hình của bão để có phương án cho học sinh nghỉ học tránh bão.

Tại quốc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị bố trí thêm lực lượng cứu hộ trên biển tại Nghệ An, Hà Tĩnh và đôn đốc các địa phương triển khai sát sao phương án đối phó với bão. Ngay sau đó, Bộ trưởng đã lên đường vào các tỉnh miền Trung chỉ đạo triển khai công tác phòng chống bão.

Ngập ở đoạn đường xã Nghĩa Quang. Nguồn: Tuổi Trẻ

14h ngày 2/10, tại Nghệ An và Hà Tĩnh, lãnh đạo hai tỉnh đã tổ chức cuộc họp khẩn với đầy đủ đại diện các sở, ban, ngành và đoàn thể trong toàn tỉnh và triển khai các phương án phòng chống bão lũ tận các xã. Theo đúng chỉ đạo của Ban PCLB TƯ, gần 73.000 hộ dân thuộc bốn huyện là Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Nghệ An bắt đầu được di dời. Các biện pháp cưỡng chế di dời bằng được để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân nếu họ không nhanh chóng di dời cũng được quán triệt, với lực lượng chính là quân đội, công an, biên phòng và dân quân tự vệ…

Tuy nhiên, dù công tác phòng chống bão lụt được chuẩn bị rất cụ thể và kỹ lưỡng nhưng vì tình hình bão diễn biến phức tạp nên đã gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề. Tại Nghệ An, từ đêm 4 rạng 5-10, lũ trên sông Hiếu (Nghệ An) đã dâng cao bất ngờ, tạo thành đỉnh lũ cao nhất trong vòng 30 năm nay đến nay và đã có ít nhất sáu người chết ở các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Quế Phong và 15 người bị thương ở huyện Kỳ Anh. Thiệt hại của huyện tâm bão này ước tính khoảng 395 tỉ đồng.

Tại Thanh Hóa, đến 7h sáng 5/10, mực nước sông Chu tại Bái Thượng là 20,4m, trên mức báo động III 2,27m và đang có nguy cơ vượt mức lũ lịch sử. Tại Hồ chứa nước Cửa Đạt, đập chính bị xói lở dài hơn 50m và có nguy cơ bị phá rộng hơn. Con đường duy nhất vào công trình hồ chứa nước Cửa Đạt bị nước lũ cô lập hoàn toàn. Lũ đầu nguồn sông Chu đổ về đã làm đứt cáp quang liên lạc với khu vực thi công hồ chứa nước Cửa Đạt. Tại các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, mưa lũ đã làm ngập cầu Phà Lò (tại km 34, Quốc lộ 217) trên địa phận thị trấn Quan Sơn, nên tất cả các phương tiện giao thông không thể qua cầu này được. Trên các tuyến đường vào xã Tam Thanh, Tam Lư, Sơn Thủy... mưa lũ cũng đã làm sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Tại Mường Lát, trên tuyến tỉnh lộ 520 từ xã Trung Lý đến xã Tén Tằn đã xuất hiện hàng chục điểm sạt lở, gây ách tắc giao thông, thiệt hại hàng chục hecta hoa màu của người dân. Chủ tịch UBND tỉnh đã triệu tập tất cả lãnh đạo chủ chốt để phân công về các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân, Thạch Thành, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Hà Trung... rà soát, kiểm tra lại các phương án phòng chống lụt bão và tổ chức lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện sẵn sàng hộ đê; di dân ở những điểm trũng thấp có nguy cơ ngập nặng và các điểm xung yếu đã xảy ra vỡ đê trước đây đến nơi an toàn. Hơn 1.200 cán bộ, chiến sĩ bộ đội địa phương và công an đã có mặt tại các địa bàn xung yếu hỗ trợ nhân dân phòng chống lũ lụt.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, lũ trên hệ thống sông Mã và sông Cả cũng như lũ sông Hoàng Long, sông Thao và hạ du sông Hồng, sông Thái Bình tiếp tục lên nhanh. Vì thế, cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ vùng núi, ngập lụt sâu ở vùng trũng và đồng bằng ven sông các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và sạt lở đất trên các sông suối miền núi các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu.

(Tổng hợp)