itaexpress / Tin ITA / Khoa học / Thế giới / Bí mật về chó du hành vũ trụ

Bí mật về chó du hành vũ trụ

Cách đây 50 năm, nhân loại bắt đầu thực hiện ước mơ tưởng như bất khả thi của mình: chinh phục vũ trụ. Sau đó, để tiến tới đưa con người vào vũ trụ, người ta đã đưa những chú chó đi “mở đường”.

Ý tưởng ban đầu

Trước khi con người bay lên vũ trụ thì cần phải có những thí nghiệm, khảo sát để đảm bảo thành công. Vai trò tối quan trọng này được giao cho những chú chó. Có thể nói rằng, nếu không có những con vật bốn chân này thì không thể có chuyện con người bay vào vũ trụ. Cho đến nay ít ai biết rằng, ngoài Laika nổi tiếng thì còn nhiều con chó khác mà số phận của chúng kém may mắn hơn: Có con trở về được trái đất, nhưng cũng có con hiến dâng đời mình cho khoa học. Tạp chí Itogi vừa tổng hợp những thông tin ít được biết đến về các chuyến thám hiểm không gian của loài vật trung thành này.

Sự tham gia của động vật trong quá trình chinh phục vũ trụ được nhà bác học Nga Konstantin

Tsiolkovsky khởi xướng từ đầu thế kỷ 20. Lúc đó ông cũng khẳng định: việc đưa người lên vũ trụ không thể không có thiệt hại về nhân mạng, nên ông đề nghị lấy động vật thử nghiệm để thu nhận các thông tin quý giá như các ảnh hưởng tới nội tạng do thay đổi về môi trường, tình trạng không trọng lượng, thiếu dưỡng khí... trong quá trình bay. Lúc đó, Tsiolkovsky đã nghiên cứu một số tác động kiểu này đối với gà và gián.

Tuy nhiên, phải đến nửa thế kỷ sau đó thì con người mới bắt đầu tiến hành thực nghiệm ý tưởng trên. Vào những năm 1947 – 1949, Mỹ đã tiến hành thí nghiệm phóng tên lửa với chuột bạch và khỉ, còn Liên Xô với những chú chó. Tại Liên Xô, người ta tuyển chọn và thành lập nguyên một đạo quân “phi công thử nghiệm” bốn chân. Chúng được đặt tên là Di-gan, Dezik, Belka, Strenka, Pchelka, Mushka, Alfa, Zulka, Chernushka, Zvezdochka... Khó có thể nhớ hết tên những “chiến sĩ mở đường” bốn chân này.

Bước chuẩn bị

Ngày 22.7.1957, một vệ tinh với những chú chó được Liên Xô phóng lên cách bề mặt trái đất 87 km. Những chú chó trở về trái đất an toàn, nhưng do vệ tinh chưa bay đủ một vòng trái đất nên không được tính là chuyến bay vũ trụ.

Vài chú chó từng bay lên trời vài chuyến và thậm chí còn được đổi tên. Ví dụ: chú chó Zulka trước đó trong lần bay đầu tiên được gọi là Zemchuzyna, còn lần khác nó mang tên Snhezynka. Còn chú chó Markyza trước khi bay được đổi thành Belyi. Có những chuyến bay “một đi không trở lại” như trong chuyến bay vào năm 1951 có 4 chú chó bị chết. Liên Xô đã giữ kín vụ thử nghiệm thất bại này.

Ngoài các chuyên gia, cũng ít ai biết được rằng, vào năm 1957 Liên Xô cùng lúc chuẩn bị 3 vệ tinh cho lần phóng đầu tiên. Một trong số đó trở thành vệ tinh nhân tạo thứ ba của trái đất và là vệ tinh đầu tiên hoạt động theo chế độ tự động ngoài vũ trụ. Nó được phóng lên vào tháng 5.1958.

Song song đó, Liên Xô còn làm một vệ tinh đơn giản nhất: Chỉ có một chức năng phát sóng liên lạc từ vũ trụ với trái đất. Ngoài ra, quốc gia này còn chuẩn bị vệ tinh sinh học để đưa loài chó vào vũ trụ. Cả hai vệ tinh trên đều được sản xuất tại một cơ sở để trong trường hợp cần thiết chúng có thể hoán đổi vị trí. Bên cạnh đó, Liên Xô rất lo bị Mỹ qua mặt nên cuối cùng hai vệ tinh đều được giữ nguyên công năng và kết quả là vệ tinh sinh học đã chở chú chó Laika với tiếng sủa “gâu, gâu, gâu” lần đầu tiên bay vào vũ trụ khiến cả thế giới kinh ngạc.

Lên đường

Việc chuẩn bị cho Laika phải mất nhiều tháng. Người ta phải dạy nó cách sống trong một khoang lái chật hẹp, trong khi phải mang trên mình những thiết bị điều khiển lỉnh kỉnh để theo dõi các chỉ số sinh học như hơi thở, nhịp tim, huyết áp...

Tham gia công tác chuẩn bị có Viện sĩ Viện Hàn lâm Liên Xô - bác sĩ Oleg Gazenko, từng 20 năm lãnh đạo Viện Các vấn đề sinh - y học. Ông mô tả sự kiện này: “Laika không phải là ứng viên tốt nhất bởi theo tính toán lúc đó vệ tinh đã không thể hạ cánh xuống trái đất như dự định. Sau khi hoàn thành chương trình 7 ngày, vệ tinh cần phải ở lại khoảng không gần trái đất một thời gian và sau đó trong quá trình hãm tự nhiên khi hạ cánh nó sẽ bốc cháy trong khí quyển. Cũng chính vì thế chúng tôi không chọn ứng viên tốt nhất để nhận lấy cái chết. Thật thú vị Laika (trong tiếng Nga có nghĩa là tiếng sủa) lại là con chó lầm lỳ nhất. Laika đã ở trong khoang tàu tại sân bay vũ trụ suốt một ngày. Điều này cho thấy việc chuẩn bị tên lửa phóng là một quy trình kéo dài, phức tạp. Laika nằm trong khoang hình trụ trong tư thế bình thường. Chúng tôi còn kịp cho nó uống nước trước khi cất cánh, nhưng tổng công trình sư S.Koralev không thích thú lắm với việc này”.

Sau khi xuất phát thành công, tên lửa đẩy tách ra, vệ tinh đi vào quỹ đạo trên vũ trụ. Trong 9 vòng đầu quanh trái đất, các thông tin cần thiết về chuyến bay, về tình trạng sức khỏe của Laika được truyền đều đặn về trung tâm chỉ huy. Rất tiếc vì quỹ đạo hình ê-líp của vệ tinh phần lớn thời gian ở phía mặt trời nên máy móc và cả khoang lái bắt đầu nóng lên. Sau 20 giờ nhiệt độ trong khoang tàu lên đến 41 độ C, đe dọa mạng sống của Laika. Con chó đã chết trước khi vệ tinh bốc cháy. Chương trình bay của vệ tinh không thực hiện được trọn vẹn. Tuy nhiên, chuyến bay đầu tiên này cho thấy trong điều kiện nguy hiểm thì sinh vật có thể tồn tại trong vũ trụ, cho phép con người tiếp tục hoàn thiện các điều kiện theo hướng đi ban đầu này.

Bác sĩ Oleg Gazenko cho biết: “Vào năm 1957, Liên Xô chưa tính được khi nào sẽ đưa người lên vũ trụ nhưng vào lúc đó đã đề ra các tiêu chí chọn lựa các ứng viên con người cũng như đề ra kế hoạch thiết kế hệ thống đảm bảo và kiểm tra điều kiện sống của con người cũng như hệ thống phòng chống hỏa hoạn”.

Kết thúc một kỷ nguyên

Trước khi đưa người vào vũ trụ, Liên Xô liên tục phóng vệ tinh mang chó vào vũ trụ. Vào tháng 8.1960, hai chú chó Belka cùng Strenka bay lên quỹ đạo và trở về an toàn. Tuy nhiên, trong chuyến bay sau đó do tên lửa đẩy bị nổ ngay sau khi cất cánh mà hai chú chó Pchelka, Mushka đã hy sinh. Vào tháng 12 năm ấy, khi hai chú Alfa, Zulka bay lên nhưng do tầng thứ ba của tên lửa không hoạt động nên vệ tinh cùng 2 chú chó rơi xuống vùng Tungusky. Sau 2 ngày tìm kiếm, người ta đã thấy Alfa, Zulka vẫn khỏe mạnh. Điều này cho thấy hệ thống cứu hộ đã làm việc tốt.

Vào đầu năm 1961, Liên Xô bắt đầu đưa hình nộm con người (các chuyên gia trang trọng đặt tên cho nó là Ivan Ivanych) với các thiết bị cảm ứng được gắn đầy người. Con chó cuối cùng bay lên vũ trụ trước nhà du hành I.Gagarin là Zvezdochka. I.Gagarin và các nhà du hành tương lai đã đến sân bay vũ trụ chứng kiến cảnh Zvezdochka xuất phát và trở về an toàn. Kỷ nguyên của các nhà du hành vũ trụ bốn chân kết thúc, nhưng những đóng góp của loài chó trong công cuộc chinh phục vũ trụ là vô giá. Nhờ chúng mà con người bắt đầu bay vào khoảng không bao la.

Theo TNO