itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / “Ông Nga hội đồng” của Đà Nẵng

“Ông Nga hội đồng” của Đà Nẵng

Đanh thép, sắc sảo, không ít lần ông khiến các vị đứng đầu nhiều sở, ban, ngành vã mồ hôi trên diễn đàn của các kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng.

Ông là Nguyễn Quang Nga, nguyên là chủ tịch Hội Nông dân Đà Nẵng, đại biểu HĐND TP suốt ba nhiệm kỳ từ khi Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc trung ương đến nay. Người dân vẫn thích gọi ông là “ông Nga nông dân”, “ông Nga hội đồng”.

HĐND TP Đà Nẵng khóa VII (2004- 2011) kết thúc, ông về làm chủ tịch Hội Sinh vật cảnh. Ở vị đại biểu già này vẫn tràn đầy tâm huyết...

Sợ mất lòng dân hơn sợ mất lòng nhau…

. Thưa ông, kết thúc ba nhiệm kỳ rồi, ông đã thấy “nhẹ gánh” chưa?

+ Ông Nguyễn Quang Nga (cười): Ba nhiệm kỳ rồi, ba nhiệm kỳ làm đầy đủ trách nhiệm rồi!

. Tại các kỳ họp HĐND TP, cử tri Đà Nẵng thấy ông chất vấn rất nhiều. Ông có thể làm một cái “tổng kết” nho nhỏ?

+ Tôi không nhớ hết nhưng riêng nhiệm kỳ VII vừa rồi tôi dự 12-13 kỳ họp, gửi 70 chất vấn, trong đó có những phiếu chất vấn 2-3 nội dung trên nhiều lĩnh vực, kể cả chống tham nhũng, chống lãng phí, vấn đề quy hoạch, giải tỏa đền bù, tái định cư, ô nhiễm môi trường, cải cách hành chính, tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ công quyền đối với nhân dân…

. Vậy có đụng chạm nhiều không, thưa ông?

+ Hầu hết vấn đề gây ra bức xúc cho dân là do cán bộ cơ quan công quyền làm sai hoặc do chủ trương, quy định, biện pháp không phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và nguyện vọng của nhân dân. Khi mình phản ánh, đấu tranh cho những bức xúc đó thì va chạm là điều tất nhiên.

. Nghe nói ông đã từng bị người ta gọi điện thoại đe dọa?

+ Đúng là có chuyện đó nhưng mình làm vì dân chứ không phải vì tư lợi nên nếu có vấn đề gì đáng tiếc xảy ra thì sẵn sàng chấp nhận để bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân mà mình đã hứa trước cử tri, không thể nói suông với dân được.

. Các cơ quan công quyền xử lý những kiến nghị, đề xuất của ông như thế nào?

+ Nếu mình đề xuất đúng thì họ phải nghiên cứu, phải làm chứ không thể nào phủ nhận sự thật. Tuy nhiên, với cá nhân tôi thì cũng có người không vui vẻ vì họ làm trong điều kiện bắt buộc. Thậm chí có trường hợp động chạm tới quyền lợi của họ thì họ “mặt nặng, mày nhẹ” có khi cả năm trời. Nhưng nếu sợ mất lòng nhau hơn sợ mất lòng dân thì không làm được trách nhiệm của mình!

Nghe và nói

. Qua ba nhiệm kỳ, ông rút ra điều gì đối với một đại biểu HĐND?

+ Người đại biểu HĐND có hai việc phải làm tốt. Đó là nghe và nói. Nghe thì phải đến nơi đến chốn, nghe nhiều chiều. Nói là phải dám nói và biết nói, để làm sao phản ánh đúng thực chất tình hình và có những kiến nghị xác đáng, giúp cho HĐND, các ban của HĐND nghiên cứu, kiểm tra, giám sát để cùng các cơ quan liên quan giải quyết. Tất nhiên, có những việc không đơn giản, đòi hỏi người đại biểu phải kiên trì, kiến nghị nhiều cơ quan mới giải quyết được. Có những vụ việc kéo dài 5-10 năm, thậm chí 20 năm chưa giải quyết được nhưng thông qua đại biểu HĐND thì có thể giải quyết được trong thời gian ngắn.

. Nhưng cử tri phát hiện có không ít đại biểu hầu như cả nhiệm kỳ chỉ giơ tay biểu quyết thông qua chứ không hề chất vấn?

+ Tình trạng đó là có thật. Tôi nghĩ, muốn làm tốt nhiệm vụ đại biểu HĐND thì trước hết phải nắm vững chủ trương, chính sách pháp luật, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thứ hai, là phải có tinh thần trách nhiệm, phải tâm huyết với nhiệm vụ của mình và nhiệm vụ của HĐND. Thứ ba, là phải thực sự bức xúc với những bức xúc của dân. Thiếu một trong ba yếu tố đó thì không thể thực hiện được đầy đủ trách nhiệm của mình.

Tôi không dám nói họ thiếu trách nhiệm hay năng lực hạn chế. Cũng có những người có trách nhiệm, có năng lực nhưng… không dám nói, nên chỉ biểu quyết và vỗ tay thôi. Chất vấn là nói lên những việc làm sai trái hoặc chưa đúng, hoặc không đầy đủ với dân… Đã chất vấn là đụng chạm. Ngại đụng chạm thì không thể chất vấn được hoặc chỉ chất vấn cho có mà thôi!

Biết mà không nói, dân chẳng được nhờ!

. Để được dân tin, đòi hỏi người đại biểu HĐND phải thế nào, thưa ông?

+ Tôi nghĩ muốn thực hiện được nhiệm vụ trước cử tri, trước hết người đại biểu HĐND phải chịu khó nghiên cứu các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước và nghị quyết của HĐND địa phương. Từ đó, làm cơ sở để thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, giải đáp cho dân, đồng thời giám sát việc thực hiện của các cơ quan công quyền.

Thứ hai, là phải thể hiện đầy đủ trách nhiệm với cử tri, gần gũi cử tri, sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của dân. Qua đó, chọn lọc vấn đề, có những việc phải xác minh cụ thể, chắc chắn để kiến nghị kịp thời với các cơ quan chức năng chứ không nhất thiết phải chờ đến kỳ họp HĐND. Đồng thời phản ánh, kiến nghị thông qua các kỳ họp để HĐND nắm được tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị chính đáng của cử tri.

. Ông mong muốn gì về chất lượng của đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ sắp tới?

+ Tôi mong muốn làm sao đề cử vào HĐND những đại biểu có chất lượng, có trách nhiệm, tâm huyết với dân, có khả năng thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát các cơ quan công quyền trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách. Đồng thời, phải dũng cảm, biết nói và dám nói. Không dám nói thì cái biết đó cũng “sống để bụng, chết mang theo” thôi chứ dân chẳng nhờ được gì!

Cái phân vân của người tự ứng cử

. Theo ông, tại sao tỉ lệ tự ứng cử hiện nay rất thấp?

+ Hiến pháp và luật cho phép nhưng qua các kỳ bầu cử, số người tự ứng cử rất ít. Có thể do sự quan tâm đối với vấn đề này của các cấp chưa nhiều. Do vậy người tự ứng cử ngại.

. Làm đại biểu HĐND TP Đà Nẵng suốt ba nhiệm kỳ, ông kiên cường là thế. Sao bây giờ nói tự ứng cử, ông lại ngại?

+ Tự ứng cử nghĩa là mình tự nguyện tham gia vào tổ chức để thực hiện nhiệm vụ đối với cử tri, chứ không phải vào đó để có bổng lộc gì. Nhưng nếu trong quá trình thực thi nhiệm vụ có điều gì sơ suất thì rất áy náy. Tự ứng cử, lỡ vào làm không tốt thì lại dở. Đó cũng là cái phân vân của người tự ứng cử.

. Vậy ông có cân nhắc khả năng tự ứng cử nhiệm kỳ tới không?

+ (Cười to) Không! Cân nhắc rồi đó. Ba nhiệm kỳ rồi, ba nhiệm kỳ làm đầy đủ trách nhiệm rồi!

. Xin cám ơn ông.

 

“Đà Nẵng đang xây dựng “TP môi trường” và thực hiện chương trình phát triển bền vững. Muốn vậy phải bảo vệ môi trường, chứ chỉ có tiền thì không thể gọi là phát triển bền vững được. Do vậy, tôi kiến nghị lãnh đạo TP nên cho di dời ngay Nhà máy Xi măng Hải Vân để đảm bảo cuộc sống cho người dân, chứ không thể cứ nấn ná, hứa hẹn mãi!”

Ông NGUYỄN QUANG NGA kiến nghị tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP Đà Nẵng khóa VII

HẢI CHÂU/ PL.TP.HCM