itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Gương mặt / Thành ông trùm buôn cổ phiếu chỉ với vài đôla

Thành ông trùm buôn cổ phiếu chỉ với vài đôla

Phố Wall - lò đào tạo các ông trùm

chứng khoán. Ảnh: saga.

"Nóng vội thường dẫn đến bốc đồng, mà những ai có tính bốc đồng thường ít khi thành công trên thương trường" - Jesse Livermore - nhà buôn tiền vĩ đại những năm 1980 đã đúc rút kinh nghiệm của mình sau nhiều năm tung hoành ở phố Wall.

Jesse Livermore sinh xuất thân trong một gia đình nghèo nên ngay từ nhỏ, ông đã có ý thức làm giàu. Chỉ với vài đôla mẹ cho, Jesse Livermore bỏ nhà lên Boston (Mỹ) để tìm việc. Cậu được nhận vào làm tại công ty chứng khoán Payne Webber và kiếm được 6 đôla một tuần. Nhiệm vụ của Jesse Livermore lúc bấy giờ là ghi giá cổ phiếu trên bảng để thông báo cho các nhà đầu tư.

Livermore là một học sinh xuất sắc về môn toán và ông thấy rằng được làm việc trong Phố Wall là sự lựa chọn đúng đắn. Ông có khả năng nhớ giá và những ký hiệu trong máy điện báo khá tốt khi làm ở Payne Weber. Ông bắt đầu ghi những con số vào một cuốn sổ ghi chép và sớm nhận thấy những con số này tuân theo một vài mô hình nhất định.

Khi 15 tuổi, ngay tại nơi làm việc, Livermore đã nghiêm túc học mô hình cổ phiếu và sự thay đổi về giá cổ phiếu. Chính quá trình tích lũy này đã giúp ông quan sát cách mọi người tham gia thị trường chứng khoán như thế nào. Ông nhận thấy hầu hết mọi người thua lỗ ở thị trường chứng khoán vì họ đưa ra quyết định giao dịch không theo những nguyên tắc đã đề ra. Họ không nghiên cứu môn học về thị trường và những hoạt động diễn ra trong thị trường chứng khoán trong khi việc nghiên cứu này lại vô cùng cần thiết.

Ông đã tiến hành buôn bán chứng khoán lần đầu tiên trong đời cùng với một người bạn. Họ đầu tư toàn bộ số tiền 5 đôla để mua cổ phiếu của Burlington bởi vì bạn của Livermore cho rằng giá cổ phiếu này sẽ tăng. Họ tiến hành giao dịch với một trong những công ty hoạt động chui ở Boston. Đối với những nhà đầu tư có ít tiền thì giao dịch với những công ty này rất hấp dẫn, đơn giản vì họ chỉ đánh cược về xu hướng tiếp theo của cổ phiếu hoặc xu hướng của phiên giao dịch ngắn hạn. Hơn thế nữa, nhà đầu tư vẫn được phép đánh cược xu hướng tăng lên hay giảm đi của cổ phiếu mà không cần phải có giấy chứng nhận có cổ phiếu ở một công ty.

Nếu dự đoán chệch 10% so với thực tế thì giao dịch của bạn sẽ không được công nhận. Quy định chỉ cho lệch 10% so với thực tế có hiệu lực tại thời điểm đó và nhờ quy định này mà Livermore đã tự xây dựng cho mình quy tắc giảm thua lỗ triệt để mà sau này ông đã nghiêm túc thực hiện trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Trải qua thời gian và kinh nghiệm, ông đã trau dồi được kiến thức và có thể giảm thua lỗ xuống dưới 10%.

Nhắc lại vụ đầu tư mua cổ phiếu của Burlington, trước tiên Livermore kiểm tra cuốn sổ ghi chép của mình và ông càng tin tưởng rằng giá cổ phiếu tăng hay giảm dựa trên sơ đồ giao dịch cổ phiếu gần đây. Như vậy, ông đã giao dịch cổ phiếu lần đầu tiên năm 15 tuổi và kết thúc phiên giao dịch này, ông kiếm được số tiền lãi là 3,12 đôla.

Ông tiếp tục công việc làm ăn với những công ty hoạt động chui. Khi 16 tuổi, từ việc giao dịch chứng khoán, ông có thể kiếm được số tiền nhiều hơn so với số tiền lương nhận được từ Payne Webber. Khi kiếm được 1.000 đôla, ông bỏ hẳn công việc ở Payne Webber để chính thức chuyển sang giao dịch chứng khoán với những công ty hoạt động chui.

Khi 20 tuổi, Livermore kiếm được nhiều tiền đến mức ông bị cấm tham gia giao dịch cổ phiếu ở những công ty hoạt động chui ở Boston và New York, bởi ông đã khiến những công ty này mất đi khoản lợi nhuận của mình. Với thành công này, người ta đã đặt cho ông biệt danh là “Chú bé đầu cơ”. Những ông chủ trong các công ty hoạt động chui không muốn làm việc với ông vì những phiên giao dịch chứng khoán thành công của ông khiến cho họ mất đi nguồn lợi nhuận.

Cuối cùng thời điểm của ông đã đến, đây là lúc ông có thể kiểm tra năng lực của mình trong một thị trường giao dịch lớn hơn. Thông qua một công ty môi giới, ông mở một tài khoản với số tiền 2.500 đôla. Số tiền này được trích từ số tiền 10.000 đôla mà ông đã kiếm được khi còn giao dịch kinh doanh với những công ty hoạt động chui.

Do thua lỗ nhiều, Livermore đã rút ra một bài học, đó là công việc kinh doanh không phải lúc nào cũng đơn giản. Chính vì thế, ông bắt đầu nghiên cứu những sai lầm đã mắc khiến ông thua lỗ. Bản phân tích chi tiết những lỗi đã mắc đã giúp ông thành công trên con đường sự nghiệp sau này. Bản phân tích này cũng là một trong những bài học quý báu nhất mà ông đúc kết được.

Jesse Livermore. Ảnh:pam

New York không phải là nơi thành công của Livermore. Ông đã bị phá sản chỉ trong sáu tháng, phải vay 500 đôla từ công ty môi giới chứng khoán. Cầm số tiền này trong tay, ông quay trở lại giao dịch chứng khoán với những công ty hoạt động chui với hy vọng rằng mình có thể lấy lại được số tiền ban đầu. Ông nhận thấy những công ty hoạt động chui này niêm yết giá cổ phiếu ngay lập tức trong khi đó Thị trường Chứng khoán New York thường làm các công việc này rất chậm trễ. Tại thời điểm đó, ông thường quen với hệ thống niêm yết giá ngay lập tức và nhanh chóng giao dịch chứng khoán. Sau hai ngày, ông quay trở lại New York với số tiền 2.800 đôla và trả khoản tiền 500 đôla đã vay trước đó.

Nhưng khi trở lại New York, ông thấy công việc khó khăn hơn so với dự tính và nhận thấy mình cùng lắm chỉ hòa vốn trên thị trường New York, vì vậy ông quay trở lại giao dịch với những công ty hoạt động chui lần cuối cùng. Chỉ khi Livermore có tới 10.000 đôla trong tài khoản, các công ty hoạt động chui này mới phát hiện ra ông. Một lần nữa, ông bị cấm không được giao dịch chứng khoán với những công ty này.

Năm 1901, ông trở lại New York và đây cũng là thời điểm mà cổ phiếu giao dịch được niêm yết trên Thị trường Chứng khoán New York. Trong khi các hoạt động đầu cơ chờ giá lên diễn ra sôi nổi thì nhờ mua cổ phiếu của hãng Northern Pacific, Livermore đã tăng số tiền 10.000 đôla của mình lên 50.000 đôla. Ít lâu sau, ông đầu tư số tiền này với hình thức vay cổ phiếu từ người môi giới với hy vọng mua lại với giá thấp hơn và kiếm được lợi nhuận từ sự chênh lệch này, bởi ông cho rằng thị trường cổ phiếu có thể mất giá trong một thời gian ngắn. Mặc dù ông thua lỗ trong hai phiên giao dịch này nhưng những nhận định ban đầu của ông là đúng. Bởi do có quá nhiều người tham gia giao dịch cổ phiếu này nên việc ông chậm trễ khi đưa ra những quyết định giao dịch đã khiến ông thua lỗ do giá cổ phiếu diễn ra ngược so với những gì ông dự đoán.

Từ kinh nghiệm này, ông đã thấy được khó khăn khi giao dịch ngắn hạn trên thị trường chứng khoán. Ông thấy mình phải học cách thích nghi với những môi trường giao dịch khác nhau, từ những giao dịch được thực hiện ngay lập tức ở những công ty hoạt động chui tới những những phiên giao dịch có tổ chức, diễn ra phức tạp hơn nhiều. Mùa xuân năm 1901, Livermore lại bị phá sản một lần nữa. Ông phát hiện một công ty hoạt động chui vừa mới đi vào hoạt động kinh doanh. Ông cho rằng có thể lấy lại được số vốn lúc đầu nếu ông giao dịch với những công ty mới như thế này. Trong vòng gần một năm, ông đã thu hồi được số vốn của mình cho đến khi bị phát hiện và bị cấm hoạt động giao dịch chứng khoán ở đó.

Trải qua nhiều lần thua lỗ, Livermore đã đúc kết được rằng con người phải qua những lần thua lỗ thực sự thì mới có thể tìm ra con đường làm ăn kinh doanh phù hợp với mình. Ông vẫn kiên định theo đuổi sự nghiệp và tiếp tục học hỏi rút ra bài học từ và những lần thất bại.

Đây cũng là thời điểm ông khám phá ra yếu tố thời gian. Yếu tố thời gian trong giao dịch cổ phiếu nghĩa là cần phải kiên nhẫn và con đường dẫn tới thành công trong hoạt động kinh doanh cổ phiếu sẽ phải mất nhiều thời gian.

Tại phiên giao dịch cổ phiếu của những công ty hoạt động chui, do tính chất mạo hiểm, dễ gặp rủi ro ngay từ khi thành lập và đi vào hoạt động nên thời gian giao dịch thường diễn ra rất nhanh. Ở New York, yếu tố thời gian có nghĩa là việc giao dịch cổ phiếu diễn ra chậm hơn so với những giao dịch ngay tức thì. Sự khác nhau của yếu tố thời gian giữa thị trường chứng khoán chính thức và những công ty chui chính là ở chỗ với công ty chui thường phản ứng nhanh hơn với thị trường. Còn trên thị trường chứng khoán đòi hỏi tính kiên nhẫn và nhờ đức tính này, Livermore đã đạt được nhiều thành công rực rỡ. Yếu tố thời gian cũng giúp ông hiểu rằng con đường dẫn tới thành công trong lĩnh vực đầu cơ cổ phiếu sẽ đến sau một khoảng thời gian nhất định. Thành công không thể một sớm một chiều có được.

Livermore nhận thấy rằng sai lầm lớn nhất mà một người mắc phải trên thị trường chứng khoán là thiếu kiên nhẫn. Qua nhiều kinh nghiệm, ông đã học được cách tin tưởng vào khả năng phán đoán của mình. Một chiến thuật quan trọng mà ông thực hiện là mua với số lượng ngày càng nhiều hơn khi giá cổ phiếu này tăng.

Livermore chỉ mua cổ phiếu khi ông đã quan sát sự biến động của giá. Nếu giá cổ phiếu tiếp tục tăng thì việc quyết định mua cổ phiếu đó là hoàn toàn có căn cứ. Việc đưa ra những quyết định giao dịch hoàn toàn đúng này đã giúp ông vững tin vào chiến thuật mà mình đưa ra: mua cổ phiếu với số lượng nhiều hơn khi giá cổ phiếu này tiếp tục tăng. Nhờ đó lợi nhuận gia tăng đáng kể khi ông mua một số loại cổ phiếu đặc biệt.

Livermore đã sử dụng hai chiến lược trên khi giao dịch những cổ phiếu có kỳ hạn ngắn trên thị trường vào cuối năm 1906 do thị trường đã gặp khó khăn trong việc duy trì sự sôi động trong xu thế giá tăng cao. Ông tiếp tục giao dịch những cổ phiếu có kỳ hạn ngắn bởi vì giá những cổ phiếu yếu tiếp tục giảm. Ông đã giao dịch thành công với loại cổ phiếu này trong giai đoạn đầu khi thị trường có hiện tượng đầu cơ giá hạ vào năm 1907. Chính nhờ những phiên giao dịch thành công này mà năm 31 tuổi ông đã trở thành triệu phú.

Năm 1907, trong khi thị trường tài chính bị khủng hoảng, Livermore vẫn kiếm được 3 triệu đôla vì ông ngừng giao dịch những cổ phiếu có kỳ hạn ngắn của mình. Tháng 10/1907, J.P Morgan, người sau này có ảnh hưởng nhất đến tình hình tài chính, đã cứu Phố Wall ra khỏi nguy cơ sụp đổ. Ông này đã can thiệp vào thị trường chứng khoán với khả năng thanh toán bằng tiền mặt cần thiết, giúp thị trường này vẫn tiếp tục đứng vững. Morgan đã gửi một thông điệp cá nhân trực tiếp tới Livermore yêu cầu ông ngừng giao dịch cổ phiếu có kỳ hạn ngắn trên thị trường.

Việc J.P. Morgan vĩ đại biết được những hành động giao dịch cổ phiếu của Livermore là một bằng chứng rõ ràng về danh tiếng và ảnh hưởng của nhà kinh doanh tiền - Livermore đã tạo dựng được trên thị trường chứng khoán.

(Trích từ cuốn "Giàu từ chứng khoán" của Công ty Alpha Books)