itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Đồng USD trong cơn lốc mất giá

Đồng USD trong cơn lốc mất giá

Theo một số chuyên gia, đồng USD hiện vẫn đang phải đối diện với áp lực giảm giá trong trung hạn sau một đợt tăng giá khá mạnh so với một số đồng tiền chủ chốt khác như EUR, YEN tuần qua.

Đồng USD vẫn phải đối diện với áp lực giảm giá khi sức hấp dẫn của một "hầm trú ẩn" trong cơn bão khủng hoảng đang giảm đi, nhất là khi sự lạc quan ở các thị trường tài sản khác đang gia tăng và gánh nặng của các chương trình kích thích kinh tế của Chính phủ Mỹ.

Theo chỉ số Dollar Index của Bloomberg, tuần qua, USD đã lên giá mạnh sau khi những báo cáo mới nhất cho thấy mức cắt giảm lao động tháng 6 cao hơn dự kiến. Chỉ số Dollar Index cuối tuần qua đã tăng thêm 0,3%, nâng tổng mức tăng cả tuần lên 0,7%. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ ngày 2.7, giới chủ ở Mỹ đã cắt giảm 467.000 việc làm trong tháng 6.2009 khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng lên mức 9,5%, từ 9,4% trong tháng 5. Đây là mức cao nhất trong vòng 26 năm qua.

Hồi tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã kêu gọi cần có một đồng tiền mới, có thể dựa trên quyền rút vốn đặc biệt của IMF. Thế nhưng, hôm chủ nhật vừa qua, ông Hồ Cẩm Đào- người dẫn đầu đoàn Trung Quốc tham dự cuộc họp thượng đỉnh G8 tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ không đưa ra kế hoạch thành lập một đồng tiền quốc tế mới thay thế USD tại kỳ họp này.

Phát biểu trên Tạp chí The Time, Ông Simon Derrick - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tiền tệ tại NH Bank of New York Mellon tại London cho rằng USD luôn là công cụ dự trữ an toàn trong trường hợp nền kinh tế bất ổn do đây là đồng tiền thanh toán quốc tế. Từ đầu tháng 3 tới nay, tỉ giá USD đã giảm 11% so với EUR và giảm 17% so với bảng Anh do những tin tức tốt từ viễn cảnh phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, với những thông tin bất lợi ngắn hạn, đồng USD lại được nâng đỡ, nhất là khi các đồng tiền khác cũng giảm giá.

Mặc dù tăng giá trong ngắn hạn, nhưng USD vẫn được dự đoán sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực giảm giá trong dài hạn.

Theo bình luận của Simon Derrick, các NĐT trước đây vốn chạy vào trái phiếu Chính phủ Mỹ giờ đang gấp rút thoái vốn để đầu tư vào các thị trường tài sản khác có độ rủi ro cao hơn, nhưng cơ hội lợi nhuận cũng cao hơn. Giá dầu tăng rất nhanh kể từ tháng 4.2009 khiến người ta có cảm giác một cơ hội đầu cơ mới đang tái diễn như thời 2008.

Một áp lực mất giá với đồng USD là mối lo ngại sự thâm hụt ngân sách của Mỹ. Mỹ đã và đang triển khai hàng loạt các chương trình chi tiêu lớn khiến mức thâm hụt được dự kiến có thể lên tới 1,85 ngàn tỉ USD trong năm 2009, tương đương 13% GDP. Đây là mức thâm hụt cao nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Chính phủ Mỹ cũng đã rất tích cực trong việc vay nợ bằng phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, đây là mức thâm hụt rất lớn và rất có thể Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể phải in thêm tiền khiến lượng USD trên thị trường càng lớn.

Trong một báo cáo hồi tháng 5 vừa qua, HSBC cho rằng đề xuất về một đồng tiền dự trữ mới "không phải là một gợi ý hợp lý", nhưng "địa vị thống trị của đồng USD có nghĩa là đồng tiền này sẽ duy trì được giá trị của nó".

ItaExpress (tổng hợp)