itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Ít khả năng xẩy ra khủng hoảng tiền tệ ở châu Á

Ít khả năng xẩy ra khủng hoảng tiền tệ ở châu Á

Giá lương thực và năng lược tăng mạnh đã gây ra nhiều vấn đề ở châu Á (ảnh bbcvietnamese.com)

Người đứng đầu Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói rằng các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang đối mặt với cán cân thanh toán, nhưng các đồng tiền của họ ít có khả năng rơi vào khủng hoảng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới.

Ông Haruhiko Kuroda cho biết mối quan ngại lớn nhất của khu vực này là lạm phát và cho đến nay các ngân hàng trung ương châu Á đã siết chặt các điều kiện tiền tệ một cách thành công, mặc dù khoảng cách lãi suất giữa châu Á và Hoa Kỳ có thể làm mất ổn định các thị trường tài chính.

“Tôi tin rằng cuộc khủng hoảng tiền tệ cách đây 10 năm ở châu Á sẽ không lặp lại, đơn giản là vì nhiều nền kinh tế đang lên ở châu Á đã tích lũy được một lượng dự trữ ngoại tệ lớn.”

Nhiều nền kinh tế đang lên đã giảm bớt sự lệ thuộc vào các nguồn tài chính ngắn hạn, khiến họ gặp ít nguy hiểm đối với sự bất ổn lãi suất tiền tệ.

Tuy nhiên, ông Kuroda nói rằng sự bất ổn tài chính toàn cầu leo thang, bắt đầu bằng cuộc khủng hoảng tín chấp dưới chuẩn ở Hoa Kỳ hồi năm ngoái, là một mối nguy cho khu vực này.

Một số đồng tiền châu Á như đồng won của Nam Hàn, đồng rupee của Ấn Độ đã giảm giá mạnh trong những tuần gần đây do các nhà đầu tư lo ngại rằng ngân hàng trung ương hai nước này chưa hành động đủ mạnh để kiềm chế lạm phát.

Các ngân hàng trung ương ở Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đã tăng lãi suất năm nay, nhưng các nhà phân tích tin tưởng các nhà chức trách ở châu Á sẽ hành động tích cực nhiều hơn để kiềm chế lạm phát và phục hồi lòng tin.

Tỷ lệ lạm phát đã đạt đến mức báo động tại một số nước, ở Ấn Độ là 11,42%, Philippines là 11,4%, và ở Việt Nam hồi tháng Sáu là 26,8%.

Tiến thoái lưỡng nan

Ông Kuroda nói rằng nhiều nước châu Á đã đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan về chính sách tiền tệ khi họ nỗ lực kiểm soát lạm phát mà không muốn giảm tăng trưởng kinh tế một cách quá đáng.

“Nếu các chính phủ châu Á tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, thì sự chênh lệch lãi suất có thể làm cho đầu tư chứng khoán bay hơi và làm gia tăng lạm phát giá tài sản, dẫn đến nguy cơ thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh.”

“Nhưng nguy cơ đó sẽ lớn hơn chưa từng có nếu giá cả vượt ra ngoài vòng kiểm soát và đẩy lạm phát cao hơn mức mong đợi”, ông Kuroda nói.

Sự tăng trưởng toàn cầu sụt giảm đã giúp cho nhiều ngân hàng trung ương tại các nước công nghiệp không phải tăng lãi suất.

Thị trường lao động ở Mỹ giảm xuống đã khiến cho Cục Dự trữ Liên bang có nhiều khả năng sẽ phải giữ mức lãi suất 2.0% như hiện nay.

Trong khi đó Ngân hàng trung ương châu Âu hôm thứ Năm 3/7 đã tăng lãi suất lên 4,25%, so ra vẫn thấp hơn lãi suất ở nhiều nền kinh tế châu Á, chẳng hạn Indonesia là 8,75%.

Trước sự sụt giảm tăng trưởng toàn cầu cũng như giá thực phẩm và năng lượng leo thang, ông Kuroda nói rằng ADB dự kiến sẽ cắt giảm dự báo kinh tế 2008 của nhiều nước mới nổi ở nhiều khu vực.

“Không một nền kinh tế nào, không một khu vực nào có thể bị tách rời khỏi thế giới”, ông Kuroda nói và bình luận thêm, các nền kinh tế châu Á sẽ thoát khỏi sự ảnh hưởng từ sự sụt giảm kinh tế của Mỹ.

Châu Á thật khó có thể trải qua một đợt khủng khoảng khi sự tăng trưởng trong khu vực vẫn còn khá mạnh.

Ông Kuroda, nguyên là một nhà ngoại giao nổi tiếng người Nhật, sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Nhóm G8 được tổ chức ở Hokkaido, Nhật Bản, vào tuần tới.

Thao Nguyễn (Theo Reuters)