itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thế giới / Làm nông không cần đất

Làm nông không cần đất

Tập đoàn nông nghiệp lớn nhất Mỹ Latinh dựa vào công nghệ tân tiến; đi thuê máy móc và đất đai nhiều hơn là sở hữu chúng. Mảng sản xuất của Los Grobo đạt được doanh thu gần 150 triệu USD trong mùa vụ 2011 – 12. Công ty này không mua máy móc và đất đai mà đi thuê từ các công ty khác.

Nhà thơ Brian Brett gọi nghề nông là “nghề của hi vọng”. Người nông dân phải cầu nguyện để có đủ nắng mưa cũng như những điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai phì nhiêu hoặc dễ cải tạo và giá cả thị trường diễn biến tốt. Tuy nhiên, những người nông dân ở Argentina không nghĩ như vậy. Kể từ khi nước này lâm vào khủng hoảng tài chính năm 2002, chính phủ đánh thuế 20 – 35% đối với nông sản xuất khẩu, trong khi lạm phát tăng cao khiến chi phí bị đội lên 25% mỗi năm. Tồi tệ hơn, biến động của đồng peso còn bị chi phối và cao hơn đến 60% so với khi được tự do giao dịch.
Đứng trước quá nhiều bất lợi, rất nhiều tập đoàn nông nghiệp của Argentina đã phải thu hẹp hoạt động, El Tejar – vốn từng là nhóm nông nghiệp lớn nhất ở Argentina và hiện vẫn là tập đoàn lớn nhất ở châu Mỹ - chỉ canh tác trên 30.000 hecta trong mùa vụ 2012 – 13, giảm mạnh so với con số 180.000 của năm trước đó và so với mức đỉnh 300.000. Tập đoàn này đã chuyển trụ sở đến Brazil.
Thế nhưng, Los Grobo – một công ty theo kiểu gia đình và là nhà sản xuất ngũ cốc lớn thứ hai ở Mỹ Latinh - đã chọn một chiến lược khác. Thay vì chuyển trụ sở đến Brazil như El Tejar, công ty này bán toàn bộ hoạt động ở Brazil và mua Agrofina – một công ty hóa nông nghiệp của Argentina. Los Grobo bỏ vào đây 400 triệu peso (tương đương 61 triệu USD) để nâng cao năng suất và đầu tư vào các nhà máy xử lý hạt.
Gutstavo Grobocopatel – Chủ tịch của Los Grobo – cho rằng động thái này là để tận dụng cơ hội chứ không phải đi ngược với xu hướng trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi khu vực nông nghiệp của Argentina. Ông cũng tự tin cho rằng Los Grobo sẽ có được vị thế tốt khi nền kinh tế hồi phục.
Trong khi hầu hết các đối thủ cạnh tranh tập trung vào sản xuất ngũ cốc, Grobocopatel cho biết công ty của ông hoạt động theo hướng đa dạng, cung cấp cho người nông dân mọi thứ, từ nguồn cung, vốn, kênh phân phối cho đến dịch vụ vận chuyển. Do đó, một số đối thủ cạnh tranh của Los Grobo cũng là khách hàng. El Tejar đã sử dụng dịch vụ buôn bán và logistic của Los Grobo suốt 20 năm nay.
Mảng sản xuất của Los Grobo đạt được doanh thu gần 150 triệu USD trong mùa vụ 2011 – 12. Công ty này không mua máy móc và đất đai mà đi thuê từ các công ty khác.
Mô hình thuê ngoài như trên hiện đang được áp dụng tại gần 60% diện tích đất nông nghiệp ở Argentina. Luật lệ khắt khe về quyền sử dụng đất cũng như luật thừa kế chặt chẽ khiến đi thuê là sự lựa chọn hợp lý nhất. Kể từ mùa vụ 2004 – 05, Los Grobo đã thuê ít nhất 170.000 mẫu đất nông nghiệp. Thời kỳ đỉnh cao 2010 – 11, công ty này thuê 320.000 hecta ở Argentina, Brazil và Uruguay để trồng lúa mì, các cây cho hạt có dầu và đặc biệt là đậu nành.
Năm 1915, cụ của Grobocopatel được cấp 15 hecta. Qua 2 thế hệ, gia đình ông sở hữu 4.500 hecta – trước khi thế hệ hiện tại chuyển sang mô hình đi thuê đất. Thêm vào đó, Los Grobo đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển công nghệ canh tác mới. Đây là một trong những tập đoàn đầu tiên ở Argentina sử dụng công nghệ canh tác không cần cày bừa đất nhằm giảm sói mòn đất.
Ngoài lúa mì và đậu nành, nhiều cánh đồng của Los Grobo được trang bị bộ cảm biến gửi các thông tin chính xác và cập nhật mới nhất về nhiệt độ đất và độ ẩm để có thể quản lý một cách tốt nhất. “Làm nông dựa trên kiến thức thay vì đất đai sẽ sớm trở thành xu hướng thống trị ngành nông nghiệp. Đây là mô hình phù hợp nhất với những nơi có điều kiện trồng trọt khó khăn. Nếu được áp dụng trên diện rộng, gắn với phát triển bền vững và cải tiến không ngừng, đây sẽ là một cuộc cách mạng”, Grobocopatel nói.
Thu Hương

Theo Trí Thức Trẻ/Economist