itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Thương hiệu Việt / Doanh nghiệp hùng mạnh, quốc gia sẽ tiến lên

Doanh nghiệp hùng mạnh, quốc gia sẽ tiến lên

Gặp mặt các doanh nhân

Hôm qua 13-10, Ngày doanh nhân VN, gần 600 doanh nhân (DN), đại diện giới doanh nghiệp TP.HCM đã tập trung tại hội trường Thống Nhất tham gia hội thảo "Doanh nhân VN: một đội ngũ - một tầm nhìn".

Chung sức vượt đại dương

Từ đó nhằm tìm ra những biện pháp, hướng đi cụ thể và tạo ra lợi thế cạnh tranh, sử dụng cơ hội để phát triển, tự tin hòa nhập vào cộng đồng DN thế giới.

"Nghe tiếng trống thùng thùng lòng tôi cũng nôn nao cả lên. Thuyền tuy bé nhưng cũng muốn ra khơi, ra biển lớn..." - Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Trung Tín mở đầu hội thảo bằng một tâm sự chân tình. Ông cho rằng tuy tầng lớp DN VN đã có những thành công nhất định nhưng họ vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong quá trình phát triển và hội nhập phía trước.

Suy nghĩ kiểu "mì ăn liền"

Với 13 năm sống và làm việc ở VN, tổng giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường TNS VN Ralf Matthaes cho rằng DN VN chưa có tầm nhìn dài hạn, chính vì vậy họ không xác định được trong thời gian tới họ sẽ làm gì để thành công và đầu tư ngược lại vào doanh nghiệp. Các doanh nghiệp VN thiếu thị trường, cơ hội, công nghệ, lao động có tay nghề và khả năng tiếp cận nguồn vốn.

Chủ tịch HĐQT Quĩ VinaCapital Don Lâm chia sẻ: các DN VN thường suy nghĩ ngắn hạn theo kiểu mì ăn liền và thiếu tính quyết đoán trong kinh doanh. Ông nói khi tình hình kinh doanh khó khăn là DN VN muốn thay đổi kế hoạch đã đặt ra trước đó.

Theo TS Lê Đăng Doanh, nếu DN Nhật dành 10% quĩ thời gian và năng lực để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của họ thì DN VN vừa làm vừa điều chỉnh kế hoạch, nên khi hoàn thành dự án thông thường DN VN đã sai đi 60% so với kế hoạch ban đầu. Ông Doanh cho rằng: các DN phải biết liên kết giữa các doanh nghiệp lại với nhau, giữa doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học, với công nghệ và với các trường đại học. Mở rộng liên kết có nghĩa là cơ hội để đứng trên vai người khổng lồ và cơ hội thâm nhập thị trường sẽ lớn hơn.

Hội trường "nóng" lên với ý kiến cho rằng dù mở cửa nhưng các doanh nghiệp VN vẫn có những lợi thế vượt trội như lao động rẻ, thông minh, cần cù. Tuy nhiên, phó chủ tịch HĐQT Công ty FPT Hoàng Minh Châu khẳng định đây có thể là ngộ nhận vì bản thân ông cũng có những ngộ nhận như thế nhưng khi ra thị trường nước ngoài ông đã bị "giội một gáo nước lạnh": "Nhân công VN rẻ thật nhưng năng suất lao động thấp nên khả năng cạnh tranh không cao. Chúng tôi cứ tưởng mình là người VN nên hiểu thị trường VN song cuối cùng tham khảo các tài liệu của nước ngoài mới biết họ còn hiểu hơn chúng tôi".

Giá trị của doanh nghiệp là sự đóng góp

Đa số ý kiến DN cho rằng trong thời kỳ hội nhập mở cửa muốn phát triển phải ra biển lớn, muốn có tầm nhìn thế giới và có vị thế trên bản đồ DN thế giới, các DN phải biết đoàn kết. Nhưng đoàn kết nên được hiểu như thế nào?

"Người Nhật quan niệm rằng đoàn kết có nghĩa là một người Nhật không nói xấu và làm hại một người Nhật khác chứ không nhất thiết đoàn kết cứ phải là bắt tay nhau, cười đùa, ôm hôn nhau - ông Giản Tư Trung, giám đốc Tổ hợp giáo dục PACE, chia sẻ - Giá trị của doanh nghiệp không chỉ hoàn toàn là những gì mà DN có được mà là những gì DN đóng góp được cho xã hội".

Ông Trung cho rằng có ba nhóm DN: nhóm tự ti, nhóm thỏa mãn với những gì mình đang có và một nhóm luôn muốn tham gia quá trình xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu. DN nên xác định vị trí của mình để có những kế hoạch, học tập, vươn lên, phát triển đúng tầm mức của mình. Ông Ralf Matthaes khuyên DN VN phải không ngừng đào tạo lao động có tay nghề và không ngừng học tập. Hội nhập và chấp nhận luật chơi quốc tế "thượng tôn pháp luật".

TS Lý Quý Trung, tổng giám đốc Công ty An Nam và Phở 24, tin rằng trong 5-7 năm tới VN sẽ có những thương hiệu tầm khu vực. TS Doanh thì tin tưởng đến năm 2010 VN sẽ thoát khỏi danh sách nước nghèo, GDP tính trên đầu người sẽ đạt mức 3.000 USD vào năm 2010, bằng với mức của Thái Lan hiện nay.

LÊ NAM