itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / 2008: Giá thép sẽ tiếp tục tăng?

2008: Giá thép sẽ tiếp tục tăng?

Thị trường thép thế giới còn nhiều biến động khó lường, nguyên liệu đầu vào tiếp tục tăng, thép trong nước phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, chưa kiểm soát được giá ảo ngoài thị trường.

Đây là những vấn đề nổi bật được thảo luận tại hội nghị tổng kết năm 2007 của TCty Thép Việt Nam (VSC) ngày 14.1 tại Hà Nội.

70% lượng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc

Hiện nay, ngành thép VN mới đáp ứng được hơn 40% nhu cầu phôi thép phục vụ sản xuất trong nước. Ông Đậu Văn Hùng - TGĐ VSC - cho biết, 70% lượng phôi thép nhập khẩu đến từ TQ.

Theo đánh giá của VSC, TQ đang tập trung sản xuất theo quy mô lớn với 10 tập đoàn thép và đặt mục tiêu đến 2010 chiếm 50% thị phần thép thế giới. Chính vì vậy, các chính sách của TQ đối với mặt hàng này đều ảnh hưởng lớn đến thị trường trong nước.

Đầu năm 2007, các DN sản xuất thép của VN đã lao đao với thép cuộn giá rẻ từ TQ. Đến tháng 7.2007, chính sách hạn chế xuất khẩu phôi thép của TQ đã tác động mạnh đến thị trường thép VN.

Ông Hùng giãi bày khó khăn: "Khi nguồn cung phôi thép biến động mạnh, chúng tôi đã phải tranh mua với các nước khác có cùng nguồn nhập nguyên liệu từ TQ. Có thời điểm đã phải mua với giá 13,5 triệu đồng/tấn phôi, chưa tính phí vận chuyển".

Theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép VN - cách tốt nhất để giảm sự phụ thuộc là xúc tiến các dự án sản xuất phôi thép: "Hiện nay, giá phôi thép trong nước thấp hơn giá nhập khẩu gần 200USD. Nhưng sản xuất phôi thép trong nước đang gặp phải khó khăn, vì nhập sắt thép phế liệu làm nguyên liệu gặp ách tắc do quy định chưa thống nhất".

Hiện nay, ngành thép VN mới đáp ứng được hơn 40%
nhu cầu phôi thép phục vụ sản xuất trong nước.

Để chủ động trước những biến động do giá phôi thép, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào cho biết: "Quy hoạch phát triển ngành thép cũng tập trung vào sản xuất phôi từ quặng. Một số dự án đầu tư của nước ngoài với công suất 5 -7 triệu tấn phôi/năm sắp được triển khai". VSC cũng đang tìm kiếm các nguồn nhập khẩu phôi khác từ EU, Australia, Châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Chưa kiểm soát được giá ảo

Theo số liệu của VSC, năm 2007 tại thị trường trong nước giá thép dài xây dựng tăng 22% -24%, thép dẹt tấm tăng 44,6%, thép cán nóng tăng 21,9% so với năm trước. Điều đáng nói là giá thép bị đội lên một cách vô lý khi đến tay người mua cuối cùng.

Hiện nay, giá thép xuất xưởng đang dao động trên dưới 12,3 triệu đồng/tấn, nhưng giá bán ngoài thị trường có nơi lên đến 16 - 17 triệu đồng/tấn. Với nhiệm vụ bình ổn giá thép trên thị trường, ông Hùng cho biết, VSC luôn tăng giá sau các DN khác cùng ngành và giá bán ra cũng thấp hơn từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tấn. Nhưng thị trường vẫn có hiện tượng đầu cơ, người được lợi nhất là các đại lý phân phối chứ không phải DN sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào nhận định: "Mối liên hệ giữa TCty với các đại lý phân phối chưa tốt. Chưa có cơ chế quy định mức trần bán ra, nên các đại lý tự động nâng giá kiếm chênh lệch cao".

Theo một số chuyên gia, giá phôi thép tăng cao (hiện giá chào bán phôi từ TQ là 720USD/tấn, tăng 40-50USD so với tháng 12.2007), nhu cầu thép của thị trường trong nước năm 2008 tăng từ 12% - 20%, sẽ khiến giá thép có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Để tránh tình trạng các đại lý phân phối "té nước theo mưa", ông Cường khuyên các DN sử dụng thép: "Các công trình xây dựng lớn nên mua thép trực tiếp tại các Cty sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào trung gian để có mức giá hợp lý nhất".

Minh Yến / Laodong