itaexpress / Tin ITA / Kinh tế / Trong nước / Kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2008

Kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2008

Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2008 đạt tốc độ tăng trưởng 6,5% so với 6 tháng đầu năm 2007, tốc độ tăng giá tiêu dùng đã bước đầu chậm lại, trong khi kinh tế thế giới suy giảm. Kết quả đó đã bước đầu khẳng định những giải pháp mà Chính phủ đề ra vừa qua là phù hợp.

Lạm phát đang giảm dần

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 6 chỉ còn khoảng 2,14%, thấp hơn nhiều so với chỉ số của tháng 5 là 3,91%. Đây là một mức giảm rất đáng kể điều này cho thấy những nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng. So với tháng 12 năm 2007, giá tiêu dùng tăng 18,44%. So với giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2007, giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 20,34% (cùng kỳ năm trước tăng 7%). So với tháng 6 năm 2007, giá tiêu dùng tăng 26,8%. Như vậy trong tháng 6 chỉ số giá tiêu dùng đã tăng chậm lại nhưng vẫn còn rất cao so với năm 2007.

Trong các nhóm hàng hoá và dịch vụ, giá lương thực tháng 6 năm 2008 vẫn là nhóm hàng hoá có mức tăng cao nhất với mức tăng 4,29% (mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức tăng 22,19% của tháng trước). Các nhóm hàng hoá, dịch vụ có giá tăng thấp hơn mức tăng của tháng trước gồm: Đồ uống và thuốc lá tăng 1,07%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,92%; văn hoá, thể thao, giải trí tăng 0,4%. Các nhóm hàng hoá, dịch vụ có giá tăng cao hơn mức tăng của tháng trước gồm: Thực phẩm tăng 3,05%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,93%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,28%; dược phẩm, y tế tăng 0,66%; giáo dục tăng 0,67%; đồ dùng và dịch vụ khác tăng 0,96%.

Một điều cũng dễ dàng nhận thấy là tốc độ tăng khối lượng tiêu dùng vẫn còn cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (tăng 8% so với tăng 7%) - có nghĩa là phần đông dân cư đã "thắt lưng buộc bụng", chung lưng đấu vật với nhà nước, với xã hội trong công cuộc kiềm chế lạm phát thì cũng còn một bộ phận dân cư vẫn có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn và tiêu dùng hàng ngoại xa xỉ, tạo ra tình trạng "chảy máu" ngoại tệ vì nhập hàng ngoại cao cấp, xa xỉ, trong đó đáng kể nhất là ô tô, thiết bị điện tử xách tay, mỹ phẩm, điện thoại di động... Mới qua 6 tháng, đã nhập khẩu tới trên 42 nghìn ô tô nguyên chiếc (gấp trên 5,1 lần cùng kỳ) với 742 triệu USD (gấp trên 4,5 lần cùng kỳ), gần 90 nghìn bộ linh kiện ô tô (gấp trên 3,2 lần cùng kỳ) với 856 triệu USD (gấp gần 2,8 lần); tính chung về ô tô đã hết 1,6 tỉ USD (gấp gần 3,6 lần). Điện thoại di động quý I nhập khẩu khoảng 273 triệu USD, ước cả năm nhập khẩu có thể lên đến 1,2- 1,3 tỉ USD. Cũng trong quý I nhập khẩu mỹ phẩm lên đến 30 triệu USD, ước cả năm có thể lên đến hàng trăm triệu USD.

Một vấn đề khác cũng cần quan tâm là vai trò của các thành phần kinh tế trong thị phần tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Tỷ trọng của kinh tế nhà nước hiện chỉ còn 11,4%, của kinh tế tập thể chỉ còn 1,1%, của kinh tế cá thể vẫn còn tới 56%, của kinh tế tư nhân dù tăng khá cũng mới chỉ có 29,1%, của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài mới có 2,4%. Với thị phần của kinh tế cá thể lớn như trên nên tình trạng "té nước theo giá", "tát nước theo lương" sẽ khó tránh khỏi.

Giá vàng và giá đô la Mỹ

Ngày 11 tháng 06, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá VND/USD liên ngân hàng tăng 2%, việc điều chỉnh này đồng nghĩa với việc giảm giá đồng Việt Nam so với đòng USD. Đây là sự điều chỉnh hợp lý và được thị trường rất kỳ vọng vì nó làm giảm áp lực của đồng Việt Nam được đánh giá cao hơn theo giá trị thực tế so với đồng do la Mỹ. Tuy nhiên dường như sự điều chỉnh này vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của thị trường, hiện tại đồng USD vẫn đang được giao dịch trên thị trường tự do với mức cao tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước công bố.Theo quan sát của chúng tôi, tỷ giá trên trị trường tự do đang ở mức 17,600VND/USD, cao hơn 7% so với tỷ giá của NHNN và 5% so với biên độ tối đa cho phép

Giá vàng và đô la Mỹ 6 tháng đầu năm nay tăng giảm không ổn định. Giá đô la Mỹ giảm trong các tháng 1, 2 và 3; tăng trên 1% trong tháng 4, 5 và tháng 6 tăng cao ở mức 4,69% so với tháng trước. Giá đô la Mỹ tháng 6 năm 2008 so với tháng 12/2007 tăng 5,02%, so với tháng 5/2008 tăng 4,96% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,89%.

Giá vàng tháng 1 và 2 tăng cao so với tháng trước, đặc biệt tăng mạnh vào tháng 3 ở mức 18,46%; tháng 4 và tháng 5 giảm nhẹ; tháng 6 tăng 4,36%; so với tháng 12/2007 tăng 16,27% và so với cùng kỳ năm trước tăng 41,01%.

Tăng lãi suất cơ bản

Ngày 11/06 Ngân hàng nhà nước đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 2% lên mức 14%, các mức lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn cũng tăng tương ứng lên thành 13% và 15%. Việc tăng lãi suất này là thực sự cần thiết trong điều kiện hiện nay và có tác dụng trợ giúp ngân hàng trong việc củng cố tính thanh khoản. Tuy nhiên dường như lại đang có một cuộc chạy đua mới khi một số ngân hàng đã tăng mức lãi suất tiền gửi lên trên 19%, một số ngân hàng khác chắc chắn cũng sẽ tăng trong thời gian tới. Với mức lãi suất này, những người gửi tiết kiệm sẽ được hưởng lợi, hoặc ít nhất họ cũng hạn chế được những ảnh hưởng tiêu cực do lạm phát cao, tuy nhiên lợi nhuận của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng rất mạnh do chi phí huy động cao trong khi lãi suất cho vay lại bị khống chế ở mức 21%, các doanh nghiệp cũng chịu rất nhiều thiệt hại khi chi phí vay vốn bị đội lên quá cao. Tuy nhiên việc tăng lãi suất nói chung đã giảm đáng kể áp lực lên các ngân hàng về vấn đề thanh khoản. Trong khi một số ngân hàng đã đạt và vượt mức tăng trưởng tín dụng 30%, áp lực thanh khoản của các ngân hàng sẽ tiếp tục được cải thiện.

Xuất nhập khẩu hàng hoá

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2008 ước tính đạt 5,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2007. Tính chung 6 tháng năm 2008, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 29,7 tỷ USD, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: khu vực kinh tế trong nước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 29,1%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 11,3 tỷ USD, tăng 27,4%; dầu thô đạt 5,6 tỷ USD, tăng 49%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 6/2008 ước tính đạt 6,8 tỷ USD, giảm 11,3% so với tháng trước và tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2008, kim ngạch nhập khẩu hàng hoá ước tính đạt 44,5 tỷ USD, tăng 60,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: khu vực kinh tế trong nước đạt 30,6 tỷ USD, tăng 69,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,9 tỷ USD, tăng 42,7%.

Kim ngạch nhập khẩu tăng cao ngoài yếu tố do tăng khối lượng nhập khẩu còn do yếu tố tăng giá. Trong 6 tháng đầu năm giá xăng dầu nhập khẩu tăng 61,8%, giá sắt thép tăng 29,8%, giá phân bón tăng 96%, giá giấy tăng 11,8%, giá chất dẻo tăng 15,4%. Sự tăng giá của 5 mặt hàng này đã làm cho kim ngạch nhập khẩu tăng thêm trên 4,1 tỷ USD (tương ứng với mức tăng 14,9% so với kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2007). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá này thì kim ngạch nhập khẩu 6 tháng tăng 45,7%.

Nhập siêu trong khi quý 1/2008 lên tới 8,3 tỷ USD thì đến quý 2 chỉ còn 6,4 tỷ USD, riêng tháng 6 nhập siêu giảm mạnh còn 1,3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 2,85 tỷ USD trong tháng 5. Như vậy nhập siêu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2008 ước tính đạt 14,7 tỷ USD, bằng 49,8% kim ngạch xuất khẩu, tăng 184,6% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 0,7 tỷ USD so với mức nhập siêu của cả năm 2007.

Đầu tư vẫn tăng mạnh

Vốn đầu tư thực hiện 6 tháng đầu năm 2008 theo giá thực tế ước tính đạt 265,4 nghìn tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 106,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 40% tổng số vốn thực hiện và tăng 15,2%; vốn khu vực ngoài Nhà nước 80 nghìn tỷ đồng, chiếm 30,1% và tăng 15,1%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 79,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,9% và tăng 37,7%.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài tiếp tục tăng cao. Trong tháng 6/2008, cả nước có 163 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 16,2 tỷ đô la Mỹ, đưa tổng dự án được cấp mới trong 6 tháng đầu năm 2008 lên 487 dự án với tổng vốn đăng ký là 30,946 tỷ USD, bằng 71,8% về số dự án và tăng gấp 4 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư Nước ngoài chủ yếu là vào lĩnh vực dịch vụ như vui chơi giải trí, công trình bất động sản. Điều này có thể khẳng định các nhà đầu tư Nước ngoài vẫn thấy được hướng đầu tư hứa hẹn khi đưa vốn đầu tư vào lĩnh vực này.

GDP tăng chậm lại

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm đạt trên 625,7 nghìn tỷ đồng, tính theo giá thực tế. Nếu tính theo giá so sánh năm 1994, con số này là 222,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà tăng trưởng như hiện nay thì mục tiêu tăng trưởng 7% năm nay là hoàn toàn có thể đạt được.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7%; khu vực dịch vụ tăng 7,6%. Tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt 60,6% dự toán năm, trong đó bao gồm thu nội địa (56,7%), thu từ dầu thô (64,3%), thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu (67,8%). Tổng chi ngân sách Nhà nước đạt 51,8% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển đạt 45,9%.

Tổng kết

Mặc dù kinh tế vĩ mô của chúng ta đang dần ổn định trở lại, nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội đã được giải quyết tích cực. Xong trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Giá cả một số mặt hàng thiết yết phục vụ sản xuất vẫn còn ở mức cao; Nhập siêu vẫn lớn. điều này gây bất lợi cho việc sản xuất ở trong nước; Nhiều dự án còn đầu tư triển khai chậm, gây lãng phí thất thoát lớn cho nhà nước và nền kinh tế, giá vàng và giá đô la Mỹ tăng giảm không ổn đinh...

Để giải quyết các vấn đề trên thì các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, kiểm soát chặt chẽ hoạt động thương mại, nâng cao việc quản lý giám sát các mặt hàng thiết yếu.

Tăng cường dự báo thị trường, hạn giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ để đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; Tiếp tục rà soát và kiểm tra chặt chẽ tình hình triển khai các dự án để nâng cao nhiệu quả đầu tư, xây dựng danh sách các dự án đầu tư công phải cắt giảm căn cứ vào suất sinh lợi kinh tế của chúng

Đảm bảo lượng thanh khoản cần thiết cho thị trường liên ngân hàng. Có phương án đối phó với khả năng chạy đua tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là giữa những ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ.

Nhóm phân tích: Nguyễn Văn Vỹ

Trương Văn Định

Nguồn: Tổng cục thống kê-Bộ kế hoạch và Đầu t ư