itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Bình luận / Quan hệ Trung Nhật: Phá tảng băng chìm

Quan hệ Trung Nhật: Phá tảng băng chìm

Nguồn: Baidu (TQ)

Liệu “tảng băng” của khu vực Đông Bắc Á có “đánh chìm” sự bình yên vốn đã rất mong manh của khu vực này hay không?

Tất cả những điều đó là tuỳ thuộc vào quyết định chính trị trong tương lai giữa hai quốc gia.

Mối quan hệ đóng băng

Tháng 4 năm 2004, khu vực Đông Bắc Á đã chứng kiến giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử quan hệ quốc tế giữa hai quốc gia Trung Quỗc và Nhật Bản kể từ sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ ngoại giao năm 1972 đến nay. Trong vòng ba tuần, những cuộc biểu tình rầm rộ đã xảy ra tại Trung Quốc và một vài thành phố ở Hàn Quốc. Hàng nghìn người Trung Quốc đã biểu tình trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh, họ ném gạch đá phá hoại các cơ sở kinh doanh của người Nhật.

Phản ứng dữ dội này của người dân Trung Quốc là để phản đối việc Bộ Giáo Dục Nhật Bản chính thức chấp thuận cho in 8 cuốn sách giáo khoa lịch sử bỏ qua những tội ác chiến tranh mà quân đội Phát xít Nhật đã gây ra thời Chiến tranh thế giới thứ 2. Ngoài ra việc Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi tiếp tục viếng thăm đền Yasukuni nơi thờ phụng các binh sĩ Nhật bao gồm hơn 1000 tội phạm chiến tranh từ thời Thế chiến 2 cũng khiến cho một số nhà lãnh đạo các quốc gia như: Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc _ những nước đã phải chịu rất nhiều sự giày xéo của quân đội Phát xít Nhật cũng lên tiếng phản đối. Những làn sóng chống Nhật đã tạo nên tình hình quan hệ căng thẳng giữa hai nước và đe doạ nghiêm trọng tới thương mại song phương.

Đền Yashukuni. Nguồn: Baidu (TQ)

Điểm qua vài nét về tình hình thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản: Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản hiện nay, chiếm 20.1% tổng thương mại của Nhật năm 2004 đạt 206.56 tỷ USD và là nước xuất khẩu lớn nhất vào thị trường Nhật Bản. Những đại công ty của Nhật Bản cũng bành trướng rất nhanh vào thị trường Trung Quốc. Năm 2004, Nhật Bản đã đầu tư 66,6 tỷ USD vào Trung Quốc; 50% tổng xuất khẩu của Nhật Bản là cho thị trường Trung Quốc. Sự phát triển của kinh tế Trung Quốc cũng chính là động lực cho sự hồi phục sau mười mấy năm tuột dốc của nền kinh tế Nhật Bản.

Từ mức độ đầu tư tăng trưởng rất nhanh giữa hai nước cho thấy Nhật Bản và Trung Quốc có mối liên hệ kinh tế hết sức quan trọng. Bất cứ một xung đột nào ảnh hưởng đến hai dòng đầu tư này đều sẽ chỉ gây thiệt hại cho thương mại song phương. Vậy thì liệu có phải vì 8 quyển sách và một vài chuyến thăm đền mà phía Trung Quốc lại phản ứng dữ dội như vậy không? Và phía Nhật Bản tại sao lại cung hành động như đang khiêu khích Trung Quốc như thế?

Quan hệ giữa các quốc gia không chỉ được định hình bởi quan hệ thương mại mà chủ yếu vẫn là quan hệ chính trị. Với địa vị cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới cộng với ảnh hưởng chính trị ngày càng gia tăng, Nhật Bản đòi phải có một ghế thường trực trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Nói như vậy không phải mọi lỗi đều thuộc về phía Nhật Bản, phía Trung Quốc cũng có những động thái không mấy thiện chí. Để tranh giành địa vị đệ nhất siêu cường trong tương lai với Hoa Kỳ thì Trung Quốc phải theo đuổi chiến lược “đánh gần hoà xa”, nhằm loại bỏ ảnh hưởng trong khu vực có khả năng gây nguy hại đến vị trí đệ nhât cường quốc trong khu vực. Do đó, Trung Quốc đương nhiên không thể chấp nhậnh việc Nhật Bản trở thành một trong số năm thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, nắm quyền phủ quyết tại Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc đã từng nhiều lần cho tàu ngầm xâm phạm lãnh hải của Nhật Bản, khai thác dầu khí trong vùng biển đang tranh chấp giữa hai bên. Có thể nói chính tham vọng bành trướng của Trung Quốc đã khiến cho tình hình càng thêm phần căng thẳng. Bởi vậy cho nên, mặc dù thương mại song phương hết sức thịnh vượng nhưng sự cạnh tranh về chính trị và quân sự giữa hai quốc gia này cũng ngày càng rõ nét hơn.

Quan hệ Trung – Nhật đang ấm dần. Nguồn: Baidu (TQ)

Cả Nhật Bản và Trung Quốc đều là những quốc gia nhập khẩu dầu hoả chủ yếu, cho nên cả hai đều tranh thủ Nga để có được đường ống cung cấp dầu hoả riêng cho nước mình. Điều đó khiến cho xung đột biên giới trên vùng biển Đông Trung Hoa hiện nay cũng hết sức kịch liệt. Cả hai đều tuyên bố đây là vùng đặc quyền kinh tế biển của mình gồm hải đảo Điếu Ngư, Senkaku và túi khí đốt Chunxiao phía đông bắc Đài Loan chứa tới gần 200 tỷ mét khối khí đốt.

Năm 2003, Trung Quốc bắt đầu khoan dầu trong khu vực tranh chấp, bất chấp sự phản đối của chính quyền Nhật Bản. Đối đầu quân sự bắt đầu hình thành sau sự kiện năm 2004 có tới 34 lần tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản khu vực gần quần đảo Okinawa và đảo Okinôtri. 21 vụ xâm nhập đã không được chính quyền Trung Quốc thông báo trước cho phía chính phủ Nhật Bản. Do những hành động xâm nhập mang tính đe doạ an ninh quốc gia đó của phía Trung Quốc, Nhật Bản đã chuyển hướng sang hoạt động tái vũ trang: gửi quân phòng vệ tới Iraq, xác định Trung Quốc là mối đe doạ an ninh trong Chương trình phòng vệ quốc gia đại cương hồi tháng 12 năm 2004, lực lượng phòng vệ Nhật Bản cùng với Hoa Kỳ, Thái Lan và Singapore thực hiện cuộc tập trân chung mang tên Hổ mang Vàng 2005. Cuộc tập trận chung của Nhật Bản vơi các nước có lực lượng quân sự rất mạnh này rõ ràng là đã khiến cho Trung Quốc vô cùng lo sợ. Vì thế đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho những cuộc biểu tình chống Nhật mới diễn ra rầm rộ như vậy.

Mong muốn từ hai phía

Đầu tháng 4/2007 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có chuyến thăm và hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về các biện pháp xây dựng quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia. Đây là chuyến thăm đáp lễ của Thủ Tướng Ôn Gia Bảo đối với chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái của người đồng nhiệm Nhật Bản và cũng là chuyến thăm Nhật đầu tiên của một Thủ tướng Trung Quốc kể từ khi môi quan hệ giữa hai nước bắt đầu rạn nứt căng thẳng và dần đóng băng từ 7 năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên trong suốt 22 năm, một nhà lãnh đạo Trung Quốc có bài phát biểu trước Quốc hộ Nhật Bản.

Những lời lẽ lạc quan nhất đã được cả hai bên nhắc tới để nói về triển vọng quan hệ song phương. Trong bản tuyên bố chung được ký kết sau cuộc hội đàm vào tối hôm 11/4/2007 giữa hai nhà lãnh đạo Trung – Nhật, hai bên đã nhất trí với nhận định nhìn thẳng vào lịch sử và hướng về phía trước để mở ra con đường cho một tương lai tốt đẹp hơn trong quan hệ song phương và cùng nhau xây dựng một mối quan hệ chiến lược 2 bên cùng có lợi.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo và Thủ tướng s. Abe duyệt đội danh dự. Nguồn: Baidu (TQ)

Mối quan hệ này thực tế đã có sự cải thiện đáng kể từ khi ông Abe lên nắm quyền hồi tháng 9 năm ngoái thay ông Koizumi – người mà Trung Quốc vẫn thường lên án và từ chối tiếp xúc vì những chuyến thăm của ông tới đền Yashukuni, nơi thờ phụng những binh sĩ chết trận trong đó có cả các tội phạm chiến tranh. Ngay sau khi lên nắm quyền, tháng 10/2006 ông Abe đã tới thăm Trung Quốc để tiến hành các cuộc hội đàm song phương. Nếu như gọi chuyến thăm Nhật của Thủ tướng Trung Quốc là chuyến đi làm tan băng thì chuyến thăm của Thủ tướng Nhật chính là nhát búa đầu tiên bổ vào tảng băng trong quan hệ hai nước.

Phá băng

Chuyến đi Bắc Kinh của ông Abe cũng là chuyến công du đầu tiên của ông trên cương vị người đứng đầu nhà nước Nhật và cũng là chuyến thăm phá vỡi thông lệ từ trước tới nay của các Thủ tướng Nhật Bản là tới Washington đầu tiên. Tại Bắc Kinh, ông Abe đã làm hài lòng các nhà lãnh đạo Trung Quốc khi bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với những đau khổ và thiệt hại nặng nề mà quân đội Phát xít Nhật đã gây ra cho người dân Châu á trong những năm Chiến tranh Thế giới thứ II. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ca ngợi chuyến đi của ông Abe như là một bước ngoặt có tính lịch sử, nhằm thúc đẩy mối quan hệ song phương. Trong dịp này, hai bên đã ra một bản Tuyên bố chung nhất trí cùng nhau xây dựng mối quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản ngày càng bền chặt. Tuyên bố cũng kêu gọi chấm dứt sự tranh cãi giữa hai nước về các vấn đề đường biên giới trên biển và các mỏ khí đốt ở biển Hoa Đông (biển Nhật Bản), biến nơi đây thành một “vùng biển hoà bình, hợp tác và hữu nghị”.

Nửa năm sau chuyên công du “phá băng” của Thủ tướng Nhật Bản, quá trình làm tan tảng băng trong quan hệ hai nước lại được hâm nóng bởi sự kéo dài thêm của bản tuyên bố chung với nhiều điểm đồng thuận như: Hai bên đồng ý tìm kiếm phương thức cùng phát triển nguồn tài nguyên hiện đang tranh chấp ở biển Hoa Đông; hợp tác phát triển nguồn năng lượng và công nghệ tiết kiệm năng lượng; cùng xây dựng một biện pháp thay thế cho nghị định thư Kyoto về sự thay đổi khí hậu toàn cầu; tăng cường hợp tác trong các chính sách quốc phòng; hợp tác vì một bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân; sắp xếp thêm nhiều chuyến thăm cấp chính phủ, hợp tác thúc đẩy quyền sở hữu trí tuệ; tổ chức các cuộc họp thường kỳ cấp chính phủ về các vấn đề kinh tế, thương mại và tài chính; đẩy mạnh việc loại bỏ vũ khí hoá học của Nhật còn sót lại Trung Quốc sau chiến tranh.

“Kinh tế nóng – chính trị lạnh” là mâu thuẫn lớn nhất trong quan hệ Trung – Nhật mấy năm qua. Vì những quyền lợi của cả hai phía thì việc phá băng môi quan hệ này là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, quan hệ Trung Quốc – Nhật Bản vẫn còn chưa dễ dàng để đi đến những thoả thuận khác. Nhưng một số chuyên gia thì cho rằng, việc Thủ tướng hai nước họp trực tiếp cũng đã cho thấy một sự tiến bộ đáng kể trong bước tiến của “con tàu phá băng”.

Mặc dù cả hai bên đều đang muốn “làm hoà” với nhau và sự thực là họ đang hoà với nhau thật. Tuy nhiên có một vấn đề mà cả hai phía Trung Quốc và Nhật Bản chắc chắn sẽ không thể dễ dàng giảng hoà được với nhau, đó là cuộc cạnh tranh vị trí đệ nhất cường quốc tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Cuộc cạnh tranh này sẽ ngày càng diễn ra gay gắt. Dưới áp lực đe doạ ngày càng tăng về quân sự của Trung Quốc, trong khi Đồng minh thân thiết của Nhật Bản là Hoa Kỳ đang vướng chân trên chiến trường Trung Đông thì một đất nước mong muốn được tồn tại như một quốc gia bình thường theo đúng nghĩa của nó, tức là có đủ cả chính trị, kinh tế và quốc phòng như Nhật Bản chắc chắn sẽ càng muốn tái vũ trang nhanh chóng để cân bằng thế lực quân sự tại Châu Á - Thái Bình Dương.

Hơn thế nữa, trong quan hệ quốc tế, quan hệ đồng minh không phải là vĩnh cửu, kẻ thủ cũng chẳng phải là vĩnh viễn; ai mà biết được rằng một ngày nào đó, vị Đồng minh thân thiết Hoa Kỳ kia sẽ không vì một lợi ích không thể chia sẻ nào đó mà quay thẳng họng súng của mình lại mà chĩa vào Nhật Bản? Ai mà biết được. Bởi vậy cho nên, trước sự lớn mạnh ngày một gia tăng của những lực lượng quân sự tại khu vực Châu á - Thái Bình Dương hiện nay, Nhật Bản cũng cần phải có một lực lượng quân sự của riêng mình để bảo vệ an ninh quốc gia khi bị uy hiếp. Từ đó cho thấy, thế đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản mang lại bất ổn hay ổn định lâu dài cho khu vực? Và liệu “tảng băng” của khu vực Đông Bắc Á có “đánh chìm” sự bình yên vốn đã rất mong manh của khu vực này hay không? Tất cả những điều đó là tuỳ thuộc vào quyết định chính trị trong tương lai giữa hai quốc gia.

Đổng Chu