itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Hồ sơ / Vụ ám sát nổi tiếng thế giới

Vụ ám sát nổi tiếng thế giới

Đại tá Von Stauffenberg.

Đó là vụ ám sát Hitler do Tổng tham mưu trưởng quân dự bị Berlin tiến hành tại phòng họp dã chiến. Căn phòng khi đó có khoảng 20 sỹ quan cao cấp tham dự cuộc họp. Bom phát nổ, phá tan cả phòng họp. Bốn sỹ quan bị chết tại chỗ nhưng Hitler đã không chết. Hắn đã sống sót bởi một sự may mắn kỳ lạ, chỉ bị thủng màng nhĩ, bong gân cổ tay và rách mất bộ quân phục.

Vụ ám sát bất thành

Ngày 1 tháng Bảy năm 1944, Đại tá Von Stauffenberg được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng quân dự bị dưới quyền của Tư lệnh quân đội dự bị Đức, Tướng Fromm tại trụ sở Bendlerstrasse, trung tâm Berlin. Vị trí này giúp anh ta có thể tiếp cận được Hítler trong các cuộc hội đàm quân sự ở cả Đông Phổ lẫn Berchtesgaden, những cơ hội bằng vàng để anh ta có thể hạ sát Hitler bằng bom hoặc bằng súng.

Những người đảo chính không thể chờ đợi lâu hơn được nữa, nhất là sau tin báo về vụ thảm sát 40 vạn người Hunggari gốc Do thái ở trại tập trung Auschwitz, đỉnh điểm tội ác của chế độ bài Do thái của Đức quốc xã. Một lý do nữa, là Tư lệnh quân chiếm đóng Đức ở Pháp, tướng Carl Heinrich Von Stülpnagel, người sẽ nắm quyền chỉ huy ở Paris nếu Hitler bị giết, được hy vọng rằng sẽ tiến hành thành công cuộc đàm phán với quân đồng minh nhằm kiếm tìm một giải pháp.

Kế hoạch đã sẵn sàng. Trong thời gian đầu tháng Bảy, đã hai lần Von Stauffenberg mang cặp đựng bom đến chỗ Hitler. Vì những người đảo chính đã quyết định rằng, Henrich Himler cũng phải chết cùng quốc trưởng của hắn, nhưng cả hai lần con cáo già đều không xuất hiện, một điều rất hiếm thấy.

Ngày 15 tháng Bảy, khi Von Stauffenberg bay đến Đông Phổ, thì có vẻ như cơ hội lại đến. Kế hoạch sẽ là, anh ta đặt cái cặp trong đó chứa mìn hẹn giờ vào phòng họp của Hitler, tự cố gắng thoát khỏi cuộc họp, chờ bom nổ và bay trở lại Berlin để nhập với nhóm đảo chính ở Bendlerblock. Kế hoạch Valkyrie sẽ được khởi động, quân dự bị sẽ khống chế về quân sự, tất cả các lãnh tụ quốc xã khác sẽ bị bắt giữ.

Tướng Beck sẽ là người đứng đầu Nhà nước, Goerdeler sẽ giữ chức vụ Thủ tướng, còn Thống chế Erwin von Witzleben (người đã nghỉ ốm trước đó hai năm) sẽ là Tổng tư lệnh quân đội Đức. Một kế hoạch rất may rủi, nhưng không hoàn toàn là không tưởng.

Một lần nữa, ngày 15 tháng Bảy cố gắng ám sát Hitler lại được tiến hành nhưng lại không thành công, dù Von Stauffenberg đã cố chờ đến tận phút cuối cùng (lý do tại sao thì đến nay vẫn chưa rõ). Anh ta quay trở lại Berlin, thất vọng và bực tức. Ngày 18 tháng Bảy, có tin đồn phong thanh rằng cơ quan mật vụ Gestapo hình như đã biết gì đó về âm mưu và họ có thể bị bắt bất cứ lúc nào - tất nhiên là điều này không đúng sự thật, nhưng nó đã thúc đẩy những người đảo chính tiến hành âm mưu ngay lập tức.

Và thế là, 10 giờ ngày 20 tháng Bảy, đại tá Von Stauffenberg lại bay trở lại Rastenburg để “tham dự” một buổi họp quân sự khác của Hitler cùng với một cái cặp đựng bom. Mặc dù bệnh hoang tưởng bị ám sát của Hitler, nhưng không hiểu tại sao mà các sỹ quan đến họp với hắn ta không hề bị lục soát.

Von Stauffenberg vào một phòng nhỏ bên cạnh phòng họp, cùng với sỹ quan tuỳ tùng là trung uý Werner Von Haeften chuẩn bị bom: họ đặt ngòi nổ vào trong một gói thuốc nổ và đặt nó vào cặp. Còn một gói nữa (chứa 975 gram thuốc nổ dẻo cùng loại ở gói kia), họ cũng định đặt vào trong cặp thì ngay lúc đó có một sỹ quan tới gõ cửa - hắn ta gọi Von Stauffenberg vào phòng họp. Họ chỉ còn kịp thời gian để kích hoạt bộ hẹn giờ và không đủ thời gian đặt gói thuốc nổ thứ hai vào cặp nữa.

Khoảng 12 giờ 10 phút cuộc họp bắt đầu. Von Stauffenberg đặt chiếc cặp cạnh chân của chiếc bàn họp dài bằng gỗ sồi. Hôm đó cuộc họp được tiến hành trong phòng họp dã chiến được dựng bằng gỗ bên ngoài boongke bê tông. Các cửa sổ mở rộng, đó là một ngày rất nóng nực, ruồi muỗi bay đầy cánh rừng. Có khoảng 20 sỹ quan cao cấp tham dự cuộc họp. Sau khoảng 10 phút, Von Stauffenberg kiếm cớ đi ra ngoài và đến 12 giờ 42 phút thì quả bom phát nổ, phá tan cả phòng họp.

Bốn sỹ quan bị chết tại chỗ, nhưng trong số chết đó không có Hitler. Một sỹ quan khi đá chân phải chiếc cặp, thấy vướng đã di chuyển nó ra đằng sau chân chiếc bàn họp. Chính cái chân bàn bằng gỗ sồi nặng trình trịch này đã cứu Hitler. Nhưng Von Stauffenberg khi ngồi trong xe cách phòng họp 200 mét, nhìn thấy bom nổ, lửa cháy ở phòng họp, đoán rằng Hitler đã chết nhanh chóng vứt gói thuốc nổ còn lại ra khỏi xe ở bìa rừng, nhanh chóng ra sân bay. Vào lúc 13 giờ máy bay của họ đã cất cánh về Berlin.

Nhưng Hitler đã không chết. Hắn đã sống sót bởi một sự may mắn kỳ lạ, chỉ bị thủng màng nhĩ, bong gân cổ tay và rách mất bộ quân phục.

Chúng ta hãy quay lại với những người đảo chính. Vào thời điểm máy bay của Von Stauffenberg hạ cánh ở Berlin, khoảng 15 giờ chiều, tướng Erich Fellgiebel, một người trong nhóm đã thông báo rằng, Hitler vẫn còn sống sau vụ nổ. Đây là một tin rất xấu, cho cả người nghe tin lẫn người thông báo bởi vì sau khi nghe tin đó, những người đảo chính nhanh chóng bị mất tinh thần. Kế hoạch Valkyrie vì thế khó có thể tiến hành được vì các sỹ quan của quân dự bị quân đội Đức không thể nghe theo họ một khi Hitler còn sống.

Một sự hỗn loạn trong Bộ chỉ huy những người đảo chính khi Von Stauffenberg gọi điện từ sân bay về đó, báo tin rằng Hitler thực sự đã chết. Những người đảo chính ở Bendlerblock đã không còn biết tin vào ai nữa. Cuối cùng thì vào lúc 16 giờ tướng Olbricht đã ra một bản mệnh lệnh cho Kế hoạch Valkyrie được khởi động. Còn người hay dao động- tướng Fromm đã gọi cho thống chế Keitel để chắc chắn rằng, Hiler còn sống. Keitel yêu cầu hắn cho biết hiện nay Von Stauffenberg đang ở đâu.

Vào lúc 16 giờ 40 phút, Von Stauffenberg và Haeften về đến Bendlerblock. Tướng Fromm trở mặt tuyên bố phải bắt giữ Von Stauffenberg, nhưng tướng Olbricht và Von Stauffenberg lại quay súng vào chính hắn ta. Lúc này mới chính là thời điểm Himler vào cuộc, khởi động bộ máy của hắn để thi hành phận sự, ra lệnh bắt Olbricht. Ở nhiều nơi, kế hoạch vẫn được tiến hành do các sỹ quan không biết về việc Hitler còn sống. Bộ Tuyên truyền ở Wilhelmstrasse với Bộ trưởng Joseph Goebbels bên trong bị quân đội vây chặt. Ở Paris, tướng Stülpnagel ra lệnh bắt các chỉ huy của các lực lượng SS và SD ở Pháp. Tại Viên, Praha, những người đảo chính chiếm các trụ sở của Đảng Quốc xã và bắt các chỉ huy SS, các thủ lĩnh Quốc xã.

Bốn giờ sau khi nhận được tin Hitler còn sống, những người đảo chính mới soạn thảo được thông báo gửi các nơi rằng họ đã giành chính quyền. Tuy nhiên, mệnh lệnh này là không có giá trị vì người ký là Thống chế Erwin von Witzleben – người đã nghỉ ốm trước đó hai năm.

Sau đó họ phải thảo một bức điện khác với người ký là trung tướng Erich Hoepner, một người khá nổi tiếng trên chiến trường nhưng lại ít có ảnh hưởng trong quân đội – ký. Các tư lệnh trên các chiến trường thấy nghi hoặc nên đã gọi điện thoại về Berlin kiểm tra và thế là nhóm đảo chính hoàn toàn thất bại.

Thời điểm quyết định đến vào lúc 19 giờ, khi mà Hitler phục hồi và có thể gọi được điện thoại. Qua điện thoại, hắn ra lệnh cá nhân cho một đàn em trung thành, thiếu tá Otto Remer giao nhiệm vụ phục hồi tình hình ở Berlin. 20 giờ, Thống chế Witzleben trong trạng thái tức giận đã đến Bendlerblock và tranh cãi quyết liệt với Von Stauffenberg, người vẫn đang khăng khăng rằng kế hoạch vẫn phải được tiếp tục. Witzleben nhanh chóng rời khỏi. Cùng khoảng thời gian đó, kế hoạch đang được tiến hành ở Paris bị bỏ dở khi Kluge, người vừa được bổ nhiệm Tư lệnh quân đội Đức ở mặt trận phía Tây, hiểu rằng Hítler quả thực còn sống, cũng trở mặt và nhanh nhẩu bắt giữ tướng Stülpnagel.

Hiện trường vụ nổ.

Thậm chí đến lúc ấy một số người được coi là trung kiên nhất của nhóm đảo chính Berlin cũng đổi phe. Cuộc chiến đấu diễn ra ở Bendlerblock giữa những người đảo chính và phe ủng hộ Hitler trong cuộc giao tranh này Von Stauffenberg bị thương. Đến 23 giờ thì tướng Fromm đã làm chủ tình thế, với mong muốn những hành động đó sẽ giúp hắn giữ được không bị mất đầu. Tướng Beck, hiểu rằng trò chơi đã kết thúc, tự bắn vào đầu mở màn cho hàng loạt vụ tự sát trong vài ngày sau đó.

Fromm nhanh chóng tụ tập được một số người cuả hắn, tuyên bố thành lập Toà án Quân sự lâm thời và tuyên án tử hình đối với Olbricht, Stauffenberg, Haeften và một sỹ quan khác là Albrecht Mertz Von Quirnheim. Họ bị bắn ở sân của toà nhà.

Gestapo vào cuộc

Cuộc điều tra của Gestapo được tiến hành nhanh chóng và hết sức chuyên nghiệp. Sau đây là báo cáo về hiện trường vụ nổ của cơ quan mật vụ Đức ngày 26 tháng Bảy: "...Hiện trường của vụ án là phòng họp của Quốc trưởng, nơi diễn ra các cuộc họp hàng ngày. Căn phòng và toàn bộ đồ đạc bị phá huỷ nặng nề. Những mảnh gỗ và da bị dính đầy lên tường. Hố do quả bom để lại cho thấy, vụ nổ xảy ra ở phía trên sàn nhà. Những phần tái hiện ở phía bên phải chiếc bàn, cũng cho thấy hướng nổ này của quả bom. Chấn động bên trên cũng đã phá huỷ căn phòng, phá vỡ cửa sổ, cửa chính và vách tường ngăn…”.

Họ tìm thấy cả gói thuốc nổ bị vứt ở bìa rừng và nhanh chóng tìm được ai là người vứt nó lại… Những bức thư và nhật ký của những người liên quan bị thu giữ đã giúp cơ quan mật vụ Đức xâu chuỗi họ và các sự kiện với nhau.

Đáng chú ý là các âm mưu từ các năm 1938, 1939 và 1943 đều bị phát giác.

Dưới Luật tử hình mới của Himler (Sippenhaft), những người tham gia đảo chính bị bắt hết, trong đó có tướng Halder,(người đã kết thúc chiến tranh trong một trại tập trung của quân Đồng Minh). Nhiều người trong số họ tự sát như Tresckow, Stülpnagel và Kluge.

iSân sau của toà nhà Bendlerblock, nơi Đại tá Von Stauffenberg, Olbricht và những người khác bị hành quyết.

Nhiều người trong số họ cố gắng trốn thoát, hoặc nếu bị bắt thì chối tội.

Khoảng 5000 người bị bắt và khoảng 200 người đã bị tử hình, phần lớn trong số họ chẳng liên quan gì đến vụ ám sát. Đó chỉ là do cơ quan mật vụ Gestapo và cá nhân Himler muốn ghi điểm với quốc trưởng của hắn mà thôi. Chỉ đến tháng Tư năm 1945, khi mà cuốn nhật ký của Đô đốc Canaris bị Gestapo tìm thấy thì những người liên quan đến nó mới bị bắt. Những cuộc xử tử tiếp tục được tiến hành cho đến tận ngày chiến tranh kết thúc.

Dựng lại hiện trường sau gần 60 năm

Gần sáu mươi năm sau ngày diễn ra vụ ám sát, các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu và thử nghiệm năng lượng học vật liệu (the Energetic Materials Research and Testing Center – EMRTC), đơn vị thành viên của Viện Công nghệ Mỏ New Mexico (the New Mexico Institute of Mining and Technology) ở Socorro, New Mexico gồm có: các nhà sử học Michael Foedrowitz và Daniel Martinez, kiến trúc sư Dietmar Arnold, chuyên gia về tái hiện hình ảnh 3D Nicolai Lucknow, cựu trung sỹ SS Rochus Misch (nhân chứng cuối cùng còn sống của vụ ám sát), chuyên gia máy tính Robert Abernathy thuộc trung tâm EMRTC đã tiến hành phục dựng lại vụ đánh bom trên thực tế, để tìm hiểu tại sao vụ ám sát được chuẩn bị kỹ lưỡng như thế mà Hitler lại không chết.

Kết quả thí nghiệm được dựng thành phim tài liệu. Có thể nói đây là một thí nghiệm thành công và nghiêm túc.

Nhóm nghiên cứu đã phục dựng một phòng họp bằng gỗ đúng như phòng họp dã chiến của Hitler thời bấy giờ. Họ cũng đặt đóng những chiếc bàn bằng gỗ sồi giống hệt như thế.

Về thuốc nổ, ngày nay không thể kiếm được loại thuốc nổ giống hệt nên các nhà nghiên cứu phải dùng thuốc nổ C4 là loại tương đương về sức công phá. Dựa vào các tài liệu, nhất là kết quả điều tra của Gestapo mà người ta đã hình dung được khung cảnh trước lúc xảy ra vụ nổ như sau: phòng họp bằng gỗ, các cửa sổ để mở, chỉ còn các tấm lưới thép bảo vệ (lưới thép có thể cản được đạn và quan trọng là để chống côn trùng).

Cái cặp của đại tá Von Stauffenberg được đặt ở chân bàn, phía gần Hitler, cách khoảng 2 đến 3 mét. Có khoảng 3 sỹ quan đứng giữa Hitler và chiếc cặp. Sau khi tiến hành cho nổ nhiều lần với nhiều bộ dụng cụ thí nghiệm khác nhau, họ rút ra kết luận, rằng Hitler sống sót sau vụ nổ do mấy yếu tố:

- Thứ nhất: căn phòng bằng gỗ và để mở cửa sổ, làm giảm đáng kể sức ép và sóng xung kích.

- Thứ hai: chiếc cặp được đặt ra phía sau chân bàn, mà cái chân bàn này thì dầy, gỗ rất chắc. Chính nó đã che chắn cho Hiler.

- Thứ ba: chỉ có một gói thuốc nổ trong cặp.

Nhóm nghiên cứu đã thử thay đổi một trong số các điều kiện trên, như đặt cặp sang bên này chân bàn hoặc thêm một miếng thuốc nổ… mọi thay đổi đều dẫn đến cái chết của Hiler. Nếu như chuyển phòng họp vào boong-ke bê-tông hoặc đóng cửa sổ, thì hình nộm Hitler bị rách nát hết quân phục, điều đó chứng tỏ hắn ta trong trường hợp này sẽ chết bằng sức ép.

Nhiều nhà bình luận cho rằng, bản thân việc ám sát Hiler, đảo chính thì dù có thành công cũng không thể chấm dứt được chiến tranh. Việc chấm dứt chiến tranh, chỉ đồng nghĩa với việc tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa phát-xít mà chúng ta đều biết, công lao chính trong chiến thắng cuối cùng đó thuộc về nhân dân các dân tộc Xô-viết…

Theo báo Nga