itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Nhân vật chính trường / Tổng thư ký LHQ kêu gọi hành động

Tổng thư ký LHQ kêu gọi hành động

Hội nghị Bali được trông đợi sẽ đạt

được thỏa thuận mục tiêu thay thế

Nghị định thư Kyoto

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi hành động khi khai mạc các cuộc thảo luận cấp cao tại hội nghị về biến đổi khí hậu ở Bali.

Ông Ban nói rằng nếu không hành động ngay, thế giới sẽ phải đối mặt với các thảm họa như hạn hán, nạn đói và mực nước biển dâng cao.

Các đại biểu tham dự hội nghị hy vọng sẽ đạt được một “lộ trình Bali” nhằm dẫn tới việc cắt giảm khí thải nhà kính khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào năm 2012.

Mỹ và Canada nằm trong số các nước phản đối những mục tiêu ràng buộc trong tương lai.

Bản thân Liên Hợp Quốc muốn các nước phát triển cam kết cắt giảm 25-40% (mức cắt giảm từ năm 1990) vào năm 2020.

'Không có kế hoạch B'

Ông Ban nói: "Chúng ta ngồi lại đây bởi lẽ vì không còn thời gian để mập mờ trong vấn đề biến đổi khí hậu nữa”.

"Biến đổi khí hậu là một thách thức rõ ràng trong thời đại chúng ta. Khoa học đã chứng minh rằng biến đổi khí hậu đang diễn ra, và ảnh hưởng của nó là có thật. Bây giờ đã đến lúc phải hành động”.

Tân thủ tướng Australia Kevin Rudd đã trao cho ông Ban tài liệu khẳng định của chính phủ Úc về việc thông qua Nghị định thư Kyoto.

Ông Rudd nói với các đại biểu: "Cộng đồng quốc tế phải đạt được một thỏa thuận”.

"Không thể có kế hoạch B. Chúng ta không còn một hành tinh nào khác để tới đó lẩn tránh”.

Quyết định của Úc đã khiến Mỹ trở thành nước công nghiệp phát triển duy nhất bên ngoài tiến trình Kyoto.

Sau vụ đánh bom vào các văn phòng Liên Hợp Quốc ở Algeria làm 26 người thiệt mạng, an ninh tại hội nghị ở Bali đã được tăng cường.

Thay thế Kyoto

Các nhà đàm phán đang tìm cách vạch ra một tiến trình kéo dài hai năm, theo đó dẫn tới một số mục tiêu cắt giảm khí thải nhằm thay thế cho các mục tiêu hiện thời của Nghị định thư Kyoto.

Một số những điểm chung đã đạt được sự đồng thuận, nhưng phần lớn chi tiết vẫn còn gây tranh cãi, đặc biệt là chuyện cắt giảm khí thải nhà kính ra sao theo đề xuất từ ban khoa học của Liên Hợp Quốc.

Đánh giá hồi đầu năm nay, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã kết luận rằng khí thải nhà kính nên lên tới đỉnh và giảm trong vòng 10 - 15 năm nhằm tránh các ảnh hưởng nguy hại.

Trong khi thừa nhận những bằng chứng khoa học, Mỹ cho rằng cần tiến tới các thỏa thuận mang tính tự nguyện chứ không nên đưa ra một hệ thống cắt giảm toàn cầu mang tính bắt buộc.

Cũng vẫn còn tranh luận về vấn đề thích nghi, tức là làm sao để giúp các nước đang phát triển bảo vệ xã hội và nền kinh tế trước những ảnh hưởng xấu từ sự biến đổi khí hậu.

Theo BBC