itaexpress / Tin ITA / Thế giới / Tin tức / Phản đối cướp đất ở Campuchia

Phản đối cướp đất ở Campuchia

Cuộc biểu tình được tổ chức nhằm

kỷ niệm Ngày nhân quyền quốc tế

Nhiều gia đình ở thủ đô Phnom Penh đánh dấu ngày Nhân quyền quốc tế bằng cuộc biểu tình phản đối việc bị ép phải rời bỏ nhà cửa.

Hàng nghìn gia đình đã bị di chuyển từ các khu nhà ổ chuột ở Phnom Penh ra các khu vực bên ngoài thủ đô. Các cộng đồng khác cũng sẽ phải đối mặt với tình hình tương tự như vậy.

Đặc phái viên nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Campuchia, Yash Ghai, đã lên án mạnh mẽ các vụ lấy đất như vậy.

Ông Yash tin rằng tình hình nhân quyền tại đất nước Chùa tháp đang xấu đi.

Bên bờ sông Bassac, thành viên của hàng chục hộ gia đình bị đe dọa phải bỏ nhà bỏ cửa đã thể hiện sự phản kháng.

Họ mặc áo phông màu trắng với khẩu hiệu “chấm dứt lấy đất” viết bằng tiếng Khmer và tiếng Anh.

Một thiếu nữ đọc cái mà họ gọi là tuyên bố Tonle Bassac – một lời kêu gọi tôn trọng quyền của người dân.

'Tham nhũng nghiêm trọng'

Những cuộc biểu tình trùng với ngày cuối cùng trong chuyến thăm Campuchia của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về nhân quyền, Yash Ghai.

Đặc phái viên Yash Ghai (phải) bày tỏ
quan ngại về vấn đề vi phạm đất đai ở Campuchia.

Đây là chuyến đi thứ tư của ông Ghai tới Campuchia, và lần này ông dành sự quan tâm đặc biệt tới vấn đề lấy đất và cưỡng chế rời nhà cửa.

Ông Ghai nói rằng người nghèo khắp Campuchia đang mất đất vào tay tầng lớp giàu có và những người có quyền chức. Ngoài ra, những người cướp đất có các mối liên hệ với quan chức nên họ có thể hành động mà không hề hấn gì do biết lợi dụng điểm yếu trong hệ thống tư pháp.

Đặc phái viên cũng chỉ trích các nhà tài trợ quốc tế đã không sử dụng ảnh hưởng của mình. Ông Ghai cũng nói ông quan ngại rằng tình hình sẽ trở nên xấu hơn nữa.

Ông nói: "Người dân đã khổ sở nhiều. Họ kinh hãi tòa án và cảnh sát, những thành phần thuộc hệ thống luật pháp có liên quan tới việc chiếm đoạt đất đai. Cho nên toàn bộ hệ thống tư pháp tham nhũng nghiêm trọng”.

Chính phủ Campuchia cũng thừa nhận rằng có tình trạng chiếm đoạt đất đai.

Thủ tướng Hun Sen đã đôi lần can thiệp, yêu cầu một số người có quan hệ thân hữu với quan chức trả lại đất. Ông cũng cam kết sẽ sa thải bất cứ quan chức nào có dính dáng tới các vụ chiếm đất.

Theo BBC