itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Gặp lại “bụi cỏ” Thanh Tùng

Gặp lại “bụi cỏ” Thanh Tùng

Dễ hiểu khi In the spot light khai xuân với đêm nhạc Thanh Tùng — Chuyện tình của biển (diễn ra tối 30.3 tại cung văn hoá Hữu Nghị Việt Xô, Hà Nội). Cũng bởi trời xuân, tình xuân, tiếng xuân luôn rạo rực trong những ca khúc của Thanh Tùng, người nhạc sĩ ưa ví mình như một bụi cỏ giữa vườn tình ca!

Nhạc sĩ của tình ca

Nhưng, với Thanh Tùng thì không chỉ có thế. Sống ở miền Nam, song năm nào không ra được Hà Nội đôi chuyến là nhạc sĩ bồn chồn: Mình đi vắng hơi lâu! Kiểu áy náy ấy chỉ thấy ở “người nhà” mà thôi. Cũng lạ, người Hà Nội có mấy ai xem Thanh Tùng là nhạc sĩ phương Nam. Đặc biệt, quãng những năm 1990 ở Hà Nội, trong nhà ngoài phố đâu đâu cũng nghe nhạc Thanh Tùng: Câu chuyện nhỏ của tôi, Hát với chú ve con, Lời tỏ tình của mùa Xuân, Em và tôi… Rồi cả một thế hệ ca sĩ lớn lên và thành danh cùng âm nhạc Thanh Tùng như Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung… Nhìn lại thập kỷ huy hoàng của nhạc trẻ Việt Nam vẫn còn ghi dấu ấn Thanh Tùng. Hàng loạt sáng tác của ông và các nhạc sĩ trong nhóm Những người bạn đã vực dậy nền nhạc trẻ Việt Nam mà suốt một thời gian dài bị làn sóng nhạc hải ngoại lấn áp. Đó là chưa kể rất nhiều ca khúc khác Thanh Tùng vẫn cất kỹ với lời phân bua “xấu hổ, dở hơi”. Nhưng lâu lâu, cứ mỗi lần ông hào phóng chia sẻ một vài sáng tác nằm trong diện “xấu hổ, dở hơi” ấy, như Cơn bão nghiêng đêm, Đếm lá ngoài sân… thì lại khiến khán giả một phen bất ngờ.

Không ít người gọi Thanh Tùng là nhạc sĩ của tình ca. Ông lại dí dỏm nhận mình “là một bụi cỏ trong công viên âm nhạc và tình yêu của Trịnh Công Sơn”. Có lần, nhạc sĩ cắt nghĩa về độ “phổ cập” của ca khúc Thanh Tùng thế này: Âm nhạc của tôi lãng mạn, đầy tâm trạng của một kẻ cô đơn, đúng với tâm sự của phần đông những người yêu nhạc, trong đó có ca sĩ. Chẳng sai. Mỗi sáng tác của Thanh Tùng đều là mỗi câu chuyện nhỏ, nghe như những tâm sự thì thầm, du dương và ấm áp, khiến nỗi buồn cũng thoảng trôi… Ca từ nuột nà, dễ hiểu. Cái sự trừu tượng, triết lý, nếu có thi thoảng xen vào một vài sáng tác, cũng chỉ ở mức “Cuộc đời lạ lùng, cuộc đời ước mơ những điều viển vông/ Lòng người lạ lùng, lòng hay thương nhớ những điều hư không” (Hoa tím ngoài sân) mà thôi. Những điều giản dị, chân thành thường dễ đồng điệu, sẻ chia. Khó khăn của In the spot light số tháng 3 – đêm nhạc Thanh Tùng Chuyện tình của biển cũng bắt đầu từ đấy.

“Âm nhạc của tôi không cần ngôi sao”

Đảm nhận phối khí, nhạc sĩ Hồng Kiên nhận định: Ở Thanh Tùng, sự giản dị chính là sự chuẩn mực. Và không phải ai cũng viết nhạc một cách chuẩn mực được như thế. Nên, chắc chắn không có chuyện khoác áo mới cho âm nhạc Thanh Tùng theo kiểu biến pop thành semi classi, thành jazz...Trong đêm Chuyện tình của biển, 20 ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ sẽ đến với khán giả một cách tinh tế, nhẹ nhàng và thuần khiết, đúng “chất” Thanh Tùng. Nhưng, sẽ có những bất ngờ dành cho người nghe. Chẳng hạn, chương trình không hề có những gương mặt nổi tiếng và gắn bó với âm nhạc Thanh Tùng. Thay vào đó là những cái tên rất mới, và rất trẻ, nhưng hy vọng tạo nên những màn hoán đổi thú vị. Một mình, vốn quen thuộc với giọng nữ, được gửi gắm cho nam ca sĩ Tấn Minh. Trái tim không ngủ yên, thường được thể hiện dưới dạng song ca nam - nữ, sẽ do Uyên Linh đơn ca. Ngược lại, Hoa tím ngoài sân, gắn liền với tên tuổi Thanh Lam, sẽ là thử thách mới của cặp song ca, cũng rất mới: Trần Thu Hà - Tấn Minh… Nếu hỏi ý kiến Thanh Tùng về những cuộc hoán đổi, phái nói là… khá sốc này, chắc ông gật đầu nhẹ tênh, như đã từng nói, “Âm nhạc của tôi không cần ngôi sao”.

Có lẽ, trong đêm nhạc sắp diễn ra, Thanh Tùng sẽ xuất hiện trên chiếc xe lăn, vẫn với vẻ lịch lãm quen thuộc dù ốm đau, bệnh tật. Ông sẽ lại vẫn mỉm cười và không phát biểu gì (đúng hơn là không còn có thể phát biểu nữa) như liveshow vừa diễn ra cuối năm ngoái, cũng tại Nhà hát lớn. Còn nhớ, sau đêm nhạc đó, không ít báo giật tít rằng “Thanh Tùng, im lặng, mỉm cười”, như thể giờ nhạc sĩ đã là một bụi cỏ vô ưu. Đọc cái tựa đề ấy, mà nhói lòng. Tâm hồn luôn “đòi yêu”, yêu theo nghĩa rất rộng mở trên từng nốt nhạc như Thanh Tùng, có thể nào là một bụi cỏ vô ưu!

Hương Lan