itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Âm nhạc / Quay về nhạc xưa, mừng hay lo?

Quay về nhạc xưa, mừng hay lo?

Ca sĩ Tuấn Ngọc

Chẳng hẹn mà gặp, một loạt các album mới, live-show đình đám của các ca sĩ trẻ, ca sĩ trung niên và ca sĩ một thời gần đây bỗng dưng đổi màu xưa cũ. Phong trào trở về nhạc xưa đang rầm rộ trở lại. Nên mừng hay lo?

Nhạc thị trường đang dần hụt hơi do một bộ phận công chúng bắt đầu có những khúc rẽ nâng tầm cảm thụ của mình. Nhạc teen đang dần chiếm lĩnh thị hiếu giới trẻ, nhưng phân khúc thị trường cho những người trưởng thành có vẻ đang bị bỏ rơi. Vì lẽ đó, nhạc xưa đang trở lại qua những dáng vẻ mới. Là bởi không còn nhiều sáng tác mới, không có nhiều động lực và những giá trị cũ vẫn còn tiếng nói riêng của mình.

Đàm Vĩnh Hưng sau những thay đổi vài năm gần đây đã quay về với dòng nhạc xưa cũ bằng "Thương hoài ngàn năm". Quang Hà - chàng ca sĩ tắc kè hoa phát hành "Cỏ úa"; Kasim Hoàng Vũ trở về với Phú Quang, Ngô Thụy Miên; Lưu Việt Hùng sau một thời gây sốc bằng hình tượng nửa người, nửa cá, quyết định hát nhạc Trịnh Công Sơn.

Rồi Nhật Tinh Anh, Cao Thái Sơn, Khánh Ngọc, Lê Hiếu, Thanh Thuý... hay mới đây là Song Giang cũng nhộn nhịp ra mắt các album mang màu sắc cũ, báo hiệu một thị trường nhạc trẻ tràn đầy hương vị hoài niệm.

Chưa bao giờ có sự trở về quy mô nhiều như vậy. Nhạc trẻ nước nhà sau một thời gian dài thành công với những sáng tác mới, tên tuổi mới bỗng gió thổi ngược chiều, những giá trị cũ bỗng được tôn vinh trở lại. Bây giờ hát nhạc xưa trở thành một thứ đẳng cấp, ai hát được nhạc xưa, nhạc tiền chiến là cầm chắc thắng. Những phòng trà vẫn đầy ắp khách đến nghe lại những tình khúc vàng son.

Phòng trà "Tình ca" của gia đình nhạc sĩ Phạm Duy hầu như tối nào cũng không còn một ghế trống. Nhạc xưa trở về, những giá trị đích thực lại được tôn xưng, nhưng có vẻ lại báo hiệu cho một sự đi xuống của cả một nền tân nhạc.

Sự trở về của Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Lệ Thu hay Lê Uyên mới đây vẫn chứng nhận một sự thực nhạc xưa vẫn còn rất nhiều đất sống, giọng ca của họ vẫn được yêu mến như ngày đầu. Nhưng có bao nhiêu người có thể thể hiện thành công những tình khúc một thời vàng son? Và liệu sự thể hiện mạnh mẽ dòng nhạc ấy có phải mang đầy sự hoài niệm, hay là một cảnh báo cho sự thụt lùi của nhạc trẻ?

"Trở về" là một trạng thái hoài niệm, nhưng khi sự hoài niệm ấy biến thành một phong trào thì rất dễ có những khái niệm giá trị bị đánh tráo. Hát lại những bản tình xưa cũ không mang nhiều yếu tố rủi ro như trình bày nhạc phẩm vừa ra lò, nhưng nó sẽ vấp phải những tảng đá đã định hình vững chắc trên con đường âm nhạc trước đó.

Trước làn gió quay về với những giá trị cũ, sau tiếng vỗ tay tán thưởng cho những giá trị đích thực còn có chỗ đứng, cũng nên âu lo cho một nền tân nhạc Việt còn thiếu những giá trị mới.

Theo Việt Cường (Lao Động)