itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Đi & viết / Kỳ II: Khách sạn ở Tiệp

Ký sự xứ pha lê - Kỳ II: Khách sạn ở Tiệp

Khách sạn Diana nhìn từ bên hông

Nhìn bên ngoài như vậy với những bức tường thật dày nhưng bên trong lại toàn bằng gỗ. Cửa gỗ, cầu thang gỗ, mái gỗ, dầm gỗ, nội thất gỗ…

Kỳ 1: Ấn tượng Koprivince

Đây là khách sạn những ngày đóng tại Koprivince - Ostrava. Nó là một khách sạn nhỏ, về quy mô thì nó cũng như các cái khách sạn mini ở ta.

Mùa hè không ai dùng lò sưởi, mặc dù bên ngoài trời cũng lạnh nhưng bên trong nhà lại khá ấm. Với những bức tường này, người trong nhà vẫn không cảm thấy lạnh vào những mùa đông băng tuyết, thậm chí có khi nhiệt độ xuống đến -20 độ

Khách sạn nằm bên triền dốc. Bên hông có một cái nhà hàng bằng gỗ, vắng khách. Cả những cái thùng chứa bia cũng bằng gỗ như kiểu tang trống của mình. Cửa sổ đầy hoa leo nhìn xuống cái lối đi nhỏ và bậc thang đi bộ xuống đường. Đằng sau là vườn táo, mận. Trước cửa lại có rừng dương nhỏ, nhìn sang một quả đồi khác, nắng hắt chênh chếch mơ màng. Ngoài sân những cây phong còn đang xanh biếc. Thật tiếc vì không thể nhìn thấy lá phong đỏ quanh đây. Anh H. bảo, mùa thu toàn khu vực này sẽ vàng rực hết, riêng cây phong lại đỏ chói. Mùa đông thì trắng tuyết. Những con đường trước khách mùa đông sẽ có xe chuyên dụng chở muối đi rắc khắp thành phố cho tuyết tan, xe cộ có thể qua lại được.

Bên hông nhà hàng

Mỗi người một phòng, bốn phòng có một phòng chung có bộ sa lông to vật và bàn pha cà phê, máy pha cà phê. Bình nước nóng pha trà. Ai ăn mì gói thì dùng để pha mì gói. Cái ti vi to tướng. Hôm đầu mở cửa phòng này tôi suýt giật mình vì một con lợn rừng nằm lù lù dưới sàn (nhìn qua còn tưởng là con gấu). Hóa ra chỉ là bộ da lợn được thuộc và khâu lại, nhìn dữ dằn như lợn thật.

Buổi sáng có thể dậy sớm, đi bộ ra khỏi nhà, ngắm sương sớm tràn đầy dưới thung lũng, nhìn thấy bọn sóc chuyền đầy trên cây, thậm chí chạy cả xuống đường. Khu vực khách sạn thuộc ngoại vi thị trấn, đi bộ 500m – 700m là ra đến cánh đồng lúa mì, mùa này đang chuẩn bị đến mùa thu hoạch, cả một cánh đồng có màu nâu nhạt, bao la hút mắt, kéo dài đến tận chân trời.Trên đường đi qua những khu vườn táo, lê, đào, mận trĩu quả, chín rụng đỏ đầy dưới gốc. Những ruộng bí đỏ quả lăn lông lốc. Một buổi sáng tôi với một anh đồng nghiệp leo lên cây mận đỏ, hái đầy một túi chén đến no mặc dù chưa cả ăn sáng. Anh bạn kia bảo có khi trước khi về Praha phải ra hái mấy ký mang về. Mận này có vị ngọt lại the the rất lạ. Ở đây có thể ra vườn hái trái cây thoải mái, thế nhưng dân Tiệp này có vẻ lười. Họ đi mua trái cây mận lê đào táo ở siêu thị, cũng chỉ hơn 20 curon (1USD) một kg mà thôi. Hôm xuống Moravia thì được biết trái cây ở vùng này chủ yếu được dùng để chế biến rượu vang đủ các loại. Chúng tôi nếm rượu nhưng chẳng thể nào phân biệt được loại nào làm từ táo, loại nào làm từ đào hay nho…

Khách sạn ở đây có mấy chị già phục vụ cực dở, cực béo. Anh bạn bảo người Séc nó toàn đủng đỉnh kiểu thế. Phục vụ thế này mà ở Việt Nam thì khách nó phàn nàn cho cả ngày. Mấy chị béo này chỉ lõm bõm dăm câu tiếng Anh. Tiếng Nga cũng lõm bõm tí chút. Nghe tiếng Anh của người Việt thì các chị càng thấy khó nghe, khiến cho mấy bác cùng đoàn toàn lắc đầu ngán ngẩm. Xin có một cái bình nước nóng mà nói mỏi cả… tay.

Những vạt nắng sớm trong khách sạn

Thế nhưng khách sạn 4 sao ở Praha thì khác hẳn, rất lớn, phòng đẹp, phục vụ rất Tây, đàng hoàng, lịch sự, sang trọng. Góc nhìn cũng tuyệt. Đi bộ 300m là ra phố trung tâm Praha 1. Nói chung là đẹp đến nỗi có cảm giác chỉ muốn ở trong phòng chả cần đi đâu. Nó khiến cho tôi có cái cảm giác Ostrava thật đúng là “nhà quê”. Tên nó là Majestic Hotel, cái tên này rất nổi tiếng, khiến bọn tôi cứ tưởng nó nằm trong hệ thống Majestic Hotel có ở khắp thế giới (ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có hai khách sạn Majestic thuộc những khách sạn hoành tráng nhất). Thế nhưng khi tôi tò mò đọc vào tờ giới thiệu thì mới hết hồn vì ông chủ đầu tư khách sạn này là một người…Việt Nam còn khá trẻ. Mấy hôm sau tôi đi hỏi những người Việt tại đây mới biết anh này có một hệ thống KS thế này khắp nước Tiệp. Dân làm ăn Việt taị đây gọi anh là “L. đất”, một người rất nổi tiếng ở đây vì giàu lên khá nhanh. Anh này khiến cho dân bản xứ cũng phải nể phục. Thật là khủng khiếp, sao lại có người giàu đến thế chứ? Họ là người Việt Nam đấy!

(Còn nữa…)

Kỳ III. Karlovy Vary - “Thành phố điện ảnh”

Bài, ảnh: Phạm Trung Kiên