itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Ẩm thực / Gỏi lá Gia Lai

Gỏi lá Gia Lai

Món gỏi lá ở KonTum có hương vị đặc biệt bởi các loại lá đặc trưng của vùng cao nguyên. Gỏi lá ăn với thịt lợn và món ăn kèm đặc biệt nấu từ hèm rượu, tôm, thịt...

Phải có ít nhất từ bốn chục loại lá trở lên trong một bữa mới được tính là gỏi lá. Con số này không biết ai đặt ra, nhưng hiện nay những người ăn gỏi mà chủng loại lá dưới bốn chục thì họ không ăn nữa. Đấy là chuyện thôi, vì chủ quán bao giờ cũng đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các "thượng đế". Có những tiệc gỏi có đến hơn một trăm loại lá. Khách ăn thì ngon. Còn chủ quán thì... vô cùng vất vả vì phải đi tìm lá.

Anh Trịnh Văn Dũng chủ quán gỏi lá ở Kon Tum bảo rằng: Kiếm lá bây giờ khó lắm. Nội thị không có lá đã đành, vùng ven thị cũng chả còn nữa. Ngày trước, lá ở vùng ven thị không nhiều, đi kiếm thì cũng có. Tất nhiên lá ở đây chỉ là những loại thông thường như đinh lăng, ổi, xoài, mã đề, mơ. Còn nhiều loại lá khác thì phải đi rừng mới lấy được như lá vừng, bạch sung, hồng sung. Chỉ riêng ba loại lá này mà tìm được cũng rất mệt. Bởi vì nó thường mọc ở những bờ sông, vách suối, chỗ đất phải tốt thì mới mọng và ngon. Nhiều loại lá phải đi tới Sa Thầy, Kon Plông mới lấy được như ngành ngạnh, xuân thu, kim cang, hồng ngọc, lá con khỉ, é trắng, lá dấn, trường sanh... Một số loại rau cũng được xếp vào tiệc gỏi lá như bắp cải, xà lách, húng tía tô, ngò, hành, cải đắng, càng cua, rau sắng, diếp cá, mùi tàu...

Gỏi lá có một công nghệ nấu và ăn rất hay. Trên bàn bày một "rừng lá" với một tô lớn chứa "gia vị" được nấu từ hèm rượu với tôm giã, thịt heo băm, trứng mắm ruốc và mẻ. Thứ này được nấu sền sệt như cháo đặc có màu vàng nghệ. Hèm rượu chọn nấu phải là hèm rượu nếp, mới cất xong. Tôm không nhỏ quá, lớn quá, nếu không có tôm tươi thì dùng tôm khô cũng được. Thịt heo ba chỉ băm nhỏ. Người nấu phải biết dựa vào cái mùi để "bắc" nồi xuống. Khi mùi thơm biểu hiện rằng các thứ trong nồi đã chín bay lên, đầu bếp phải đậy vung kín. Mỗi lần múc ra tô, cần phải càng nhanh càng tốt rồi đậy vung ngay lại. Món "gia vị" này có mùi rất lạ. Mùi tôm như vừa kho vừa luộc. Mùi thịt heo cũng vậy. Mùi trứng như vừa được tráng, luộc. Tất cả hòa vào mùi thơm của men rượu tạo ra một thứ mùi thơm phảng phất của món ăn mà chỉ gỏi lá mới có.

Khi ăn, ta chọn một chiếc lá lớn như lá sung, hay lá mơ để gói. Chiếc lá lớn này được đặt trên bàn tay trái, nếu người ấy thuận tay phải và ngược lại. Nếu lá chưa đủ lớn thì có thể chọn thêm một chiếc lá loại khác để gói. Sau đó tìm những lá nhỏ rải một lớp trên lá lớn, gắp thịt heo nửa nạc nửa mỡ đã luộc để nguội cùng trứng rán thái chỉ rồi gói lại. Múc "gia vị" vào bát để chấm riêng, hoặc lấy muỗng xúc từng ít một cho vào đầu gói lá đã cuốn để ăn. Khi nhai được một chút thì cắn chừng một nửa quả ớt chỉ thiên còn xanh và một hạt muối trắng nhỏ để ăn lẫn với gỏi lá. Bình thường thì ớt này rất cay, nhưng ăn với gỏi lá, nó không cay mà lại tạo ra một thứ mùi rất quyến rũ làm cho cảm giác cứ muốn nuốt mãi

Theo Ẩm Thực Việt Nam