itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Di cảo Phùng Quán đến với bạn đọc...

Di cảo Phùng Quán đến với bạn đọc...

Hai cuốn sách "Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào" và "Phùng Quán còn đây..." (NXB Văn Nghệ, TPHCM, tháng 10.2007), giúp bạn đọc yêu văn chương hiểu hơn về con người thực của ông dù phải trải nhiều thăng trầm, song vẫn "kiên trì theo đuổi nghề văn và lòng yêu nước không hề phai nhạt" (trích lời nhà văn Vũ Tú Nam).

Tôi lại càng vui hơn vì mình được góp chút công sức vào việc biên soạn cuốn hồi ký của ông...

Qua sự giới thiệu của người thầy, tôi làm quen với cô giáo Vũ Thị Bội Trâm - người vợ mẫu mực, hiền hậu và đầy nghị lực của nhà thơ Phùng Quán. Biết bác đang "xới" kho di cảo của Phùng Quán cặm cụi có một mình, tôi đã xin đến giúp bác. Lúc đầu, tôi đến vào hai ngày nghỉ cuối tuần, về sau cả những buổi trưa và buổi tối nếu tôi không bận. Do không có máy tính nên hai bác cháu, người đọc và người chép ra giấy, rồi nhờ cô Hương Thuỷ (em họ bác Phùng Quán) đánh vi tính giúp. Những hôm tôi bận, bác Bội Trâm lại phải một mình thui thủi vừa đọc, vừa chép.

Bác Trâm thường nói vui, lúc nào cũng phải dùng đến năm mắt (hai mắt thực, đôi kính lão cộng thêm cái kính lúp) mới đọc được bản thảo viết tay của chồng mình. Thương hai bác cháu vất vả, bố mẹ tôi dù chẳng mấy dư dả, đã chắt bóp gần chục triệu đồng trong sổ tiết kiệm dưỡng già, cho tôi "tậu" cái máy tính xách tay. Từ đó, công việc của bác cháu tôi thuận lợi hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, trong quá trình biên soạn cuốn "Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào", nhiều trang bản thảo bị thời gian làm cho mờ nhoè các con chữ, phải luận mãi mới ra. Cũng may cô giáo văn Bội Trâm, với kinh nghiệm luận chữ "gà bới" của học trò bao nhiêu năm, vả lại từng nghe chính bác Phùng Quán kể sơ qua nội dung, nên cuối cùng vẫn đoán ra được. Vì thế, cuốn sách in ra hầu như giữ nguyên những gì tác giả đã viết.

Bà Vũ Thị Bội Trâm ngắm hai cuốn sách về nhà văn Phùng Quán vừa ra mắt.

Khó khăn vậy nhưng tôi không hề thấy mệt. Tôi như bị "hút hồn" bởi những câu chuyện, những tình tiết hấp dẫn trong cuốn hồi ký. Nhiều hôm trời mưa to, bác Bội Trâm gọi điện bảo tôi ở nhà, nhưng rồi tôi chẳng yên lòng, vẫn đội mưa sang. Tôi muốn biết tường tận hoàn cảnh tạo nên "bước ngoặt cuộc đời" Phùng Quán và vì sao từ một anh lính trinh sát, trình độ lớp bốn trường làng, Phùng Quán lại trở thành nhà văn - nhà thơ nổi tiếng, viết nên những tác phẩm được đông đảo bạn đọc yêu mến. Cũng vì bị những trang di cảo - hồi ký Phùng Quán "hút hồn" mà mới đây, tôi đã "thân gái dặm trường" làm chuyến đi xa lần theo dấu vết một nhân vật trong di cảo - hồi ký của ông...

Qua cuốn "Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào", tôi mới biết nhiều vần thơ được bác Phùng Quán viết ra ngay trong khi viết văn. Tác giả kể: "Đang viết, những câu thơ chợt hiện ra trong đầu. Tôi sợ quên, ghi vào bên lề trang viết (...). Nhờ có lề trang viết rộng, tôi ghi tạm mấy câu thơ chợt hiện đến trong đầu: Đi thăm tổ quốc một sớm hoà bình/ Giặc mới rút dấu giày đinh còn nóng hổi/Đôi mắt tôi lệ nhoà nhức nhối/ Đến thế này ư? Đất nước yêu ơi!/Tôi nhìn quanh chỉ thấy bầu trời/ Mây và nắng là vẫn còn nguyên vẹn!".

Cùng dịp này, NXB Văn Nghệ còn cho ra mắt bạn đọc cuốn "Phùng Quán còn đây...", do bà Bội Trâm biên soạn, sưu tầm, chỉnh lý cùng nhà thơ xứ Huế Ngô Minh. Sách dày 360 trang, một nửa là di cảo Phùng Quán và nửa còn lại là hồi ức, bài viết của nhiều tác giả về con người, tác phẩm Phùng Quán. Cuốn sách bìa cứng khổ 14,5 x 20,5 này, ngoài 24 tấm ảnh màu chụp nhiều kỷ vật quý của Phùng Quán, còn kèm theo CD Phùng Quán đọc thơ, gồm 16 bài mà chính ông đã gọi là "tự truyện bằng thơ" và "tiểu thuyết ứng tác".

Chiều 26.10, NXB Văn Nghệ sẽ tổ chức giới thiệu hai cuốn sách này tại Triển lãm - hội chợ sách quốc tế 2007 ở Trung tâm Triển lãm VHNTVN tại Hà Nội. Bà Bội Trâm sẽ có mặt trong buổi giới thiệu đó. Nhiều trang di cảo khác vẫn còn chờ bà Bội Trâm, bà giáo già đã ở tuổi gần 80 nhưng đang sống cùng những trang di cảo của chồng mình với trái tim của cô gái phố cổ Hà Nội tuổi 20...

Thu Dịu