itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Vệ Tuệ: Tôi là ai giữa cuộc đời này?

Vệ Tuệ: Tôi là ai giữa cuộc đời này?

Phải chăng thông qua những nhân vật nữ của mình, Vệ Tuệ muốn khẳng định vị thế của giới thứ hai, phần còn lại của thế giới? Hay đó đơn thuần chỉ là sự trải nghiệm của một cô gái trẻ sống trong xã hội Trung Quốc thời hiện đại - hào nhoáng, phù phiếm nhưng lại hết sức cám dỗ.

Tên tuổi và tác phẩm của Vệ Tuệ thường đi kèm với những từ ngữ ồn ào và gây sự chú ý như “phá cách”, “nổi loạn”, “nữ nhà văn đấu tranh cho chủ nghĩa nữ quyền”…vv…

Trong "Bảo bối Thượng Hải", cô viết: “Thành phố ngan ngát hương phù hoa phiếm lệ. Tôi hít thở những làn hương vô hình ấy như đang nhấm nháp thứ rượu được cất bằng châu ngọc. Cố quên đi cảm giác thù ghét cái xã hội kỳ thị người trẻ để đi lút vào lòng phố như con giòi xâm đục sâu tận cái lõi của một quả táo lớn...” (Mạch Nha chuyển ngữ).

Vệ Tuệ đã bày tỏ trực diện những trải nghiệm, những mong muốn, khao khát của chính thế hệ mình - một thế hệ không cũ mòn mà luôn tự ý thức về giá trị của chính mình, ghét sự chật chội của những quy tắc và khuôn phép, luôn muốn vươn ra thế giới rộng lớn. Thế hệ ấy dễ mắc sai lầm nhưng lại cũng luôn trăn trở tìm cách vượt qua.

Ở đó, Vệ Tuệ đi tìm những câu trả lời cho những câu hỏi của chính thế hệ mình. Trong đó có hai câu hỏi lớn: câu hỏi về Tình yêu và "Tôi là ai?".

Tình dục quyết định tình yêu?

Nữ nhân vật chính của cuốn sách - Coco - là một cô gái xinh đẹp và bê bối, quyến rũ và mâu thuẫn, cháy bỏng tham vọng nhưng luôn tự hoài nghi về tài năng của mình. Cô bị lôi cuốn bởi những ham muốn bản năng nhưng lại cũng luôn khao khát sự thánh thiện trong tinh thần.

Coco yêu Thiên Thiên - chàng trai “sống nội tâm, lãng mạn, coi đời như chiếc bánh ngọt tẩm độc, cắn vào có thể chết”. Cô tìm thấy ở anh một sự đồng điệu về mặt tâm hồn, đó là sự hòa quyện chặt chẽ “Nếu chân trái của em đau thì chân phải của anh cũng nhức... Nếu em bán mình cho quỉ thì anh cũng bị một lưỡi dao đâm vào ngực”.

Nhưng là một cô gái trẻ tràn trề sinh lực, từ hồi đại học đã xem “tình dục như một tất yếu cơ bản” nên Coco đã không thể từ chối Mark, một người tình Đức có thể đem lại cho cô sự thỏa mãn ham muốn xác thịt.

Trong mối quan hệ với hai người đàn ông này, cô luôn tự hoài nghi: đâu mới là tình yêu đích thực.

Rốt cuộc để tự giải thoát mình khỏi những dằn vặt, cô đã phân định một ranh giới giữa hai người đàn ông: một người là tình yêu thực sự còn người kia đơn thuần chỉ là “đối tác tình dục”.

Nguồn: devianart.com

Nhưng với thời gian qua đi, câu hỏi tình yêu càng ngày càng lớn hơn. Mối tình đơn thuần tình dục này đã kéo cô đi xa hơn cô dự định lúc ban đầu. Chính cô cũng đã tự đặt ra một câu hỏi cho mình: phải chăng tình dục rốt cuộc cũng thể đem người ta đến với tình yêu? Phải chăng tình dục không phải chỉ đơn thuần là bản năng? Vậy rốt cuộc tình yêu là gì?

Mối quan hệ tay ba ấy chấm dứt khi hai người đàn ông đều rời bỏ cô. Một người quay về Đức còn người kia vĩnh viễn ra đi về cõi vĩnh hằng. Câu hỏi vẫn còn nguyên đó, tình yêu là như thế nào? Không thể có câu trả lời ...Tình yêu thuần khiết tinh thần hay khoái lạc tình dục, cả hai rốt cuộc đều không thể đem lại hạnh phúc cho Coco.

Tôi là ai?

Đó chính là câu hỏi cuối cùng, câu hỏi lớn cuối cùng sau khi Coco không thể trả lời cho chính mình về câu hỏi tình yêu.

“Tôi là ai?”, phải chăng “tôi” là một nữ nhà văn trẻ đấu tranh cho thuyết nam nữ bình quyền? Một người mà trong những cuộc nói chuyện ở trường đại học “luôn phải trả lời những câu hỏi của bọn nam sinh đại loại như: “Cô Niki, có bao giờ, cô thoát y không?”, và với nữ sinh viên thì trao đổi: “Cuối cùng thì phụ nữ có phải là giới thứ hai không?” hay “Cuối cùng thì những người theo chủ nghĩa nam nữ bình quyền muốn gì?”

“Tôi là ai?”, phải chăng “tôi” là một cô gái trẻ nổi loạn, tràn ngập trong những cuộc vui, biết hưởng thụ vật chất và đuổi theo những cuộc tình như những con bướm đêm săn ánh đèn thành phố?

“Tôi là ai?”, phải chăng “tôi” chỉ là một con người với đầy đủ ý nghĩa của nó, một con người biết yêu thương, biết khát khao cái đẹp, khát khao tri thức, khát khao hòa mình với thế giới rộng lớn, đồng thời cũng là một cô gái với đầy đủ những ham muốn bản năng đầy mềm yếu, đầy dục vọng nhưng cũng rất nhân văn; rời bỏ gia đình vì tự do nhưng rồi cũng yếu đuối tìm về nhà mình trong một cơn mệt mỏi rã rời không lối thoát; tràn đầy niềm yêu sống, hưởng thụ phù phiếm nhưng cũng day dứt với những nỗi đau và vết thương sâu hoắm trong tâm hồn.

“Tôi là ai?”, phải chăng “tôi” là một người đàn bà với nguyên vẹn sức mạnh và cả nguyên vẹn những điểm yếu đuối rất đàn bà: “Tôi phát hiện ra một điều là thân thể người đàn bà vẫn có chỗ yếu bẩm sinh”

“Tôi là ai?” - câu hỏi ấy đâu phải dành riêng cho Coco, đâu phải là câu hỏi dành riêng cho Vệ Tuệ. Đó là câu hỏi chung của con người, nhất là những người phụ nữ.

Với “Bảo bối Thượng Hải”, tôi không cho rằng Vệ Tuệ là một người đấu tranh cho chủ nghĩa nữ quyền. Tôi nghĩ chị đơn giản là một người đàn bà viết, một người đàn bà nói tiếng nói của mình, rất xác thực và cũng đầy thách thức!

Đó là lí do vì sao, những người phụ nữ lại thấy gần gũi đến thế và cũng xa lạ đến thế với nhân vật nữ của Vệ Tuệ - những người con gái dám thừa nhận sự yếu mềm của mình, một sự yếu mềm hàm chứa rất nhiều sức mạnh.

Quách Hiền