Người tình
Người tình là câu chuyện tình chân thực đến không ngờ nhưng vẫn vô cùng sâu sắc, lãng mạn và chạm đến đỉnh cao nhất của sự tinh tế đầy cảm xúc.
Cuốn sách là hồi tưởng về một cô bé mười lăm tuổi. Mặc một chiếc váy màu nâu xám cũ của người mẹ đã được sửa lại, đeo thắt lưng da của anh trai, đầu đội chiếc mũ vành phẳng màu hồng của đàn ông … đó chưa phải là những gì thực sự khiến cho chúng ta chú ý tới cô bé. Điều cuốn hút chúng ta cũng không hẳn là gương mặt cô bé, phải, “gương mặt của lạc thú mà tôi thì vẫn chưa biết mùi lạc thú”.
Vậy điều gì của Người tình thực sự lôi cuốn chúng ta? Điều gì đã khiến cho cuốn sách này trở thành kiệt tác của văn học Pháp những năm 80, đoạt giải thưởng Goncourt 1984, bán trên 2,4 triệu bản khắp thế giới và được dịch ở hơn 40 quốc gia?
Đó chính là một câu chuyện tình chân thực đến không ngờ nhưng vẫn vô cùng sâu sắc, lãng mạn và chạm đến đỉnh cao nhất của sự tinh tế đầy cảm xúc.
Câu chuyện xảy ra vào những năm 40 tại Sài Gòn, thời thuộc Pháp. Chúng ta sẽ bắt gặp những địa danh rất quen thuộc như Chợ Lớn, Vĩnh Long, Sa Đéc, Sài Gòn, Đà Lạt và ngập tràn trong không khí của một xứ sở nhiệt đới với cái nóng thiêu đốt, với ánh nắng gay gắt, với những dòng sông tràn nước mùa mưa lũ, với cả những khu nhà ổ chuột, những khu nhà liền vách của bình dân … Bối cảnh của một vùng thuộc địa xa xôi nước Pháp, một nơi u uất bởi chiến tranh, do chiến tranh. Tất cả là vô nghĩa. Cuộc sống của chính những người dân Pháp tại thuộc địa, của những tỷ phú người Hoa, của những thương nhân ngoại quốc khác đều trở nên vô nghĩa. Và bế tắc. Bản ngã của con người bị bế tắc. Tương lai bế tắc. Người ta sống và không có định hướng. Người ta không thể cho mình xô theo vòng quay của cuộc sống nhưng cũng không thể buông mình nghe theo bản năng. Đơn thuần chỉ là những con rối. Sống chết. Yêu thương. Thù ghét. Tất cả chỉ là một mớ bòng bong hỗn độn. Người mẹ “chưa từng biết thế nào là khoái lạc”. Cuộc đời của bà là niềm kiêu hãnh với những đôi tất dài bằng cotton, những bộ váy cũ kỹ được người gia nhân mạng lại. Là sự tự hào hiểu rõ và yêu thương với người con cả có bản chất ác độc, người duy nhất bà thực sự coi là con trong ba đứa con của mình. Người anh trai cả với sự tàn nhẫn và ích kỷ. Lấy cắp bất cứ thứ gì của bất cứ ai, định hãm hiếp cả người gia nhân, gọi chưởng khế đến trong khi bà mẹ hấp hối … Thậm chí anh ta còn muốn, nếu có thể, bán cả đứa em gái, cả người mẹ của mình. Người anh út, tất nhiên, lại là một nhân vật không có tên, là dấu ba chấm thê lương yếu đuối. Anh ta, đáng thương thay, là người sợ sệt và có trái tim quá mong manh. Trái tim ấy mong manh đến mức có thể vỡ tung bất cứ lúc nào nếu anh ta sợ hãi. Trái tim mong manh và nhỏ bé ấy không thể chứa đựng được cảm xúc nào khác hơn ngoài nỗi sợ hãi. Cả sự yêu thương nếu có trong anh cũng không thể lấn át được nỗi sợ hãi. Anh sinh ra cùng nỗi sợ và chết đi cùng nỗi sợ.
Chỉ còn cô bé và người tình Trung Hoa. Những sinh linh, nhưng thực thể, những tâm hồn có thể nói là sống động nhất trong câu chuyện nhợt nhạt và u ám.
Và rồi chuyện tình ấy, lại là một chuyện tình đẹp và ám ảnh hơn bất cứ câu chuyện tình nào. Chuyện tình bắt đầu ngay từ những giây phút ban đầu. “Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên cô đã biết một điều gì đó như thế”.
Cô gái – mà rất nhiều người cho rằng chính là hình ảnh của nữ văn sĩ Marguierita Duras hồi còn trẻ - đã có một tâm hồn nhạy cảm và sâu sắc rất sớm so với tuổi của cô. Cô có ý thức có thể điều khiển được bản thân mình, điều khiển được những người xung quanh mình. “Một người con gái có thể sẽ được ngắm nhìn, từ phía bên ngoài, được trưng ra cho tất cả mọi người, cho mọi ánh mắt, giữa dòng xuôi ngược của các thành phố, của các con đường, của dục vọng”. Cô gái ấy, cá tính mạnh mẽ, khát khao khám phá. Không phải là khám phá thế giới mà là khám phá bản thân. Khám phá bản thân không đơn thuần là khám phá cơ thể con người mình. Đó chính là khám phá những xúc cảm thầm kín nhất, khám phá dục vọng, khám phá ý nghĩa tồn tại của bản thể và cuộc sống.
Người đàn ông Chợ Lớn, một người Hoa Bắc đã yêu cô với cái vẻ e ngại và run rẩy ban đầu. Đó là một người tình không dễ để hiểu. Một người tình không muốn nói nhiều về bản thân. Lạnh lùng, mạnh mẽ? Yếu đuối, cam chịu? Câu hỏi đó cứ để yên lặng theo những cuồng say ngất ngây bùng nổ của một cơ thể gầy gò ốm yếu. Mối tình có lúc nhẹ như một cơn gió thu thoang thoảng, có khi mãnh liệt tựa một trận cuồng phong tình ái tơi tả. Đó chính là người tình của cô, là câu chuyện tình của cô.
Với một hơi văn liền mạch ngay từ trang đầu tiên cho tới những trang cuối cùng, độc giả sẽ bị cuốn theo một hiện thực vô cùng rõ rệt. Hiện thực là vậy, mạnh mẽ, lồ lộ và làm run rẩy những người đọc có tâm hồn bay bổng. Nhưng không vì thế Người tình mất đi nét điển hình của văn học Pháp: lãng mạn. Câu chuyện tình lãng mạn được kể dựa trên hồi ức như phết thêm một lớp sương hồng huyền ảo, xen lẫn vào đó là những dòng dự cảm, những trúc trắc về bản thể. Marguierita Duras đã đạt được đỉnh cao về sự am hiểu tinh tế cảm xúc với những dòng văn miêu tả tâm lý phức tạp, hỗn độn và thể hiện được một nhục dục sâu sắc mà chân thành. Câu chuyện tình ám ảnh và đẹp đẽ đã khơi dậy ở chúng ta những xúc cảm sâu xa nhất và cũng chân thành nhất.
Người tình đã được dựng thành phim năm 1992.
Lê Anh