itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / “Người khách đêm giao thừa” - Phút trải lòng của Đoàn Lê

“Người khách đêm giao thừa” - Phút trải lòng của Đoàn Lê

Tập truyện ngắn “Người khách đêm giao thừa” vẻn vẹn 12 truyện ngắn - 12 lần tâm linh tác giả run lên dưới cái rét cuộc đời. Những khoảnh khắc tận cùng của một giây cuối, một lần cuối và một con người đứng bơ vơ rồi đổ bóng xuống lòng nhân thế.

Từng trang văn xuôi xông lên mùi cát bụi, mùi nước mắt, mùi mồ hôi nghe thật gần gũi thân quen. Tác giả Đoàn Lê dường như đang tập cách yêu cuộc sống, dẫu cho vẫn còn đó những con người hay tráo trở đổi thay.

"Người khách đêm giao thừa" là truyện ngắn có vị trí hết sức đặc biệt trong toàn bộ tập truyện. Chính ở đây ngòi bút của tác giả đã bộc lộ hết khả năng tưởng tượng phong phú, chất men say của những chiêm nghiệm nhân thế, những thức ngộ đầy tình người trong cơn đê mê được sống. Nhân vật tôi xuất hiện với dáng vóc của tên nô lệ, nô lệ tiền, nô lệ cho hàng nghìn những cơn đau không buồn nói.

Đoàn Lê có đầy đủ sắc bén để đưa chúng ta vào thế bất ngờ. Vị khách cuối năm thăm nhà của Tôi lại chính là ngón tay út một nhà văn tài năng đang bệnh nặng, sự sống đang chập chờn hờn dỗi với người nghệ sĩ kia. Ngón tay út muốn gặp Tôi để giãi bày tâm sự. Nhân vật Tôi lỡ gạch mất ba trang cuối trong tác phẩm cuối của nhà văn ấy - ba trang được viết bằng máu, từng con chữ là từng hơi thở níu giữ giấc mộng cao cả, giấc mộng mang văn chương xoa dịu cơn đau dài lê thê của kiếp phù sinh... Kết thúc tất cả là một chuyến trở về, ngón tay út trở về với người nghệ sĩ, người nghệ sĩ về với lòng đất mẹ, Tôi trở về với day dứt của lầm lạc và ngoài kia, một đóa mai vàng trở về gọi cơn mưa xuân dịu ngọt.

(Ảnh minh hoạ: tiasang)

Tác giả khơi dậy những góc cạnh hết sức thú vị, những ngõ tối đầy lẫn khuất mà hầu như rất ít người dám dấn thân vào. Cuộc đời bày ra trên các trang viết của tác giả không tô vẽ, mà trần trụi như nó vốn có, như cái sự thật mà nhà văn muốn thay đổi dẫu cho đôi khi nhà văn phải dằn lòng để ngòi bút đi qua từng chặng chắt chiu. Đoàn Lê không giấu mặt khóc thầm, không có nụ cười mỉa mai bất lực, bởi đơn giản là tác giả có đủ nghị lực để sống với đời. Tác giả không thích triết lí nhiều, triết lí làm gì khi mà tất cả chúng ta đều đang mò mẫm để sống, để tranh đoạt với số phận những giây phút hạnh phúc hiếm hoi. Thế giới của cây bút này là dành cho cội rễ cảm thông và thấu đáo. Đột khởi mà dịu dàng, uyển chuyển mà không có một chút ủy mị yếu đuối.

Các nhân vật trong truyện của Đoàn Lê thường có những thiệt thòi về ngoại hình. Tác giả không muốn vậy, nhưng cuộc sống hiếm khi toàn vẹn. Điều đáng để chúng ta suy nghĩ là chính từ những nhân vật kia nhà văn đã phát hiện ra vẻ đẹp bất tử của tình yêu nguyên vẹn. “Dĩ vãng thơm nồng", "Tình guột", "Dấu hỏi gửi thượng đế" vẫn là chuyện tình yêu đấy chứ, nhưng mà cứ xốn xang điều gì đó còn lớn hơn cả bi kịch của các nhân vật. Dường như tác giả cảm thấy sự bất lực của dòng văn trong việc ôm trọn cuộc đời, đành cúi đầu trước từng thời khắc kì diệu của tạo hóa, thời khắc nỗi đau vút lên tia sáng lương tri.

Đoàn Lê có thái độ điềm tĩnh trong việc xây dựng tình huống truyện, có lẽ sự trải nghiệm đã hun đúc cho ngòi bút này sự tỉnh táo cần thiết. Rõ ràng, điềm đạm, đã nói là nói đến tận căn nguyên cội rễ. "Gã cò thơ", "A Tourism Xóm Chùa, "Nhân bản" buộc người đọc phải nghiền ngẫm nhiều lần, trong cảm nhận nhiều chiều những câu chuyện kia vẫn cứ mới mẻ, vẫn đầy bí ẩn, thôi thúc chúng ta tìm đến. Tựu chung lại, ở ngòi bút này là một nghệ thuật truyện ngắn hiện đại, hiện đại theo một cách rất riêng. Tác giả mới với chính mình qua từng trang sách. Xuyên qua tất cả những điều ấy là một dáng vóc đã được định hình, sẽ không quá nếu nói rằng, với Đoàn Lê, những mùa văn dài bất tận...