itaexpress / Tin ITA / Thể thao - Giải trí / Văn hóa đọc / Truyện tranh Việt Nam - Một thị trường bị quên lãng

Truyện tranh Việt Nam - Một thị trường bị quên lãng

Đông đảo bạn trẻ đến với Lễ hội “Fan truyện tranh 2009”

Trong một cuộc khảo sát về văn hóa đọc ở thiếu nhi, thiếu niên và sinh viên cách đây vài năm, một kết luận không bất ngờ nhưng khiến nhiều người suy nghĩ: truyện tranh là loại sách được chọn đọc nhiều nhất. Điều này càng được khẳng định qua chương trình Lễ hội "Fan truyện tranh 2009" do Công ty Vàng Anh tổ chức vừa qua tại công viên Lê Thị Riêng - TPHCM.

Ảnh hưởng của truyện tranh và giới trẻ

Vàng Anh là đơn vị nổi tiếng về làm truyện tranh hiện nay nhưng không hẳn là đơn vị có uy tín nhất. Thậm chí, trong lễ hội lần này còn vắng bóng những đơn vị chuyên làm truyện tranh lớn nhất nước như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, TVM Comic… Thế nhưng lễ hội vẫn thu hút nhiều bạn trẻ đam mê truyện tranh đến tham dự.

Diễn đàn “Tôi và truyện tranh” bỏ xa mọi diễn đàn về văn hóa đọc khác được tổ chức gần đây về số người tham dự, lên đến hàng trăm người trong đó phần lớn là giới trẻ.

Ảnh hưởng của truyện tranh cũng được minh chứng qua một loại hình văn hóa mới du nhập: trào lưu cosplay. Cosplay là thú chơi của những bạn trẻ mê truyện tranh, nhất là truyện tranh Nhật (Manga) và hoạt hình Nhật (Anime). Tham dự cosplay, các bạn trẻ sẽ hóa trang thành những nhân vật ưa thích trong truyện tranh hay hoạt hình.

So với lễ hội truyện tranh tổ chức tại NVH Thanh niên vài năm trước, cosplay tại lễ hội truyện tranh 2009 đã cho thấy sự phát triển vượt bậc cả về số lượng và mức độ chuyên nghiệp.

Lễ hội truyện tranh giống như một lễ hội hóa trang với đủ các hóa thân nhân vật truyện tranh nổi tiếng.

Lễ hội “Fan truyện tranh 2009” đã cho thấy mức độ ảnh hưởng của truyện tranh đến các bạn đọc trẻ hiện nay đang ngày càng tăng cao và sự ảnh hưởng đang biến đổi từ thưởng thức sang cả học tập theo nhân vật, nội dung trong truyện tranh.

Một thị trường bị quên lãng

“Con rất mê truyện tranh, qua truyện tranh con học được rất nhiều điều về tình bạn, về sự hy sinh, về những điều tốt đẹp trong cuộc sống nhưng bố mẹ con không hiểu cứ ngăn cấm”, bé Hoàng Thu Trang, 9 tuổi, tâm sự như vậy tại diễn đàn “Tôi và truyện tranh”, nằm trong chương trình lễ hội Fan truyện tranh 2009. Đây cũng là vấn đề mâu thuẫn nhất hiện nay của truyện tranh tại thị trường Việt Nam.

Trong khi giới trẻ đam mê thì nhiều bậc phụ huynh lại nhìn truyện tranh với ánh mắt nghi ngại, vì rất nhiều bộ truyện tranh chứa những nội dung, hình ảnh hoàn toàn không phù hợp với tuổi thanh thiếu niên.

Có hai nguyên nhân chính gây nên sự mâu thuẫn này. Đầu tiên là loại truyện tranh làm lậu không bản quyền, thường rất kém trong khâu biên tập, chỉ quan tâm sách bán được hay không mà thôi. Minh chứng là các bộ truyện tranh bị lên án vừa qua đều là sách lậu.

Thứ hai là vấn đề văn hóa, các bộ truyện tranh trong nước hiện nay chủ yếu đến từ Nhật, một đất nước có những khác biệt văn hóa với Việt Nam. Khi tiếp cận, các bạn đọc nhỏ tuổi dễ có thói quen bắt chước tạo nên những hành vi trái ngược với truyền thống văn hóa Việt Nam.

Với sách lậu, cách giải quyết tương đối dễ dàng, chỉ cần sự mạnh tay, nghiêm minh của pháp luật là có thể ngăn ngừa. Tuy nhiên, với nguyên nhân thứ hai, việc khắc phục khó hơn. Biện pháp được cho là hợp lý nhất là phát triển truyện tranh của các tác giả trong nước để hạn chế truyện tranh nước ngoài.

Thực tế, điều này đã diễn ra tại Hàn Quốc, Trung Quốc, thậm chí, nhiều truyện tranh Hàn, Trung đã quay ngược lại tranh chấp thị trường với truyện Manga ngay trên đất Nhật Bản. Ở Việt Nam, một trong những bộ truyện tranh ăn khách nhất hiện nay vẫn là Thần đồng Đất Việt, một bộ truyện tranh thuần Việt (Công ty Phan Thị sản xuất).

Thế nhưng “một con én không làm nên mùa xuân”, thị trường truyện tranh trong nước hiện nay vẫn là mảnh đất của các tác phẩm đến từ nước ngoài. Các nhà làm truyện tranh trong nước thua sút các đồng nghiệp nước ngoài, nhất là Nhật Bản, ở nhiều phương diện, đặc biệt là tính chuyên nghiệp.

Trong khi đó, cho đến nay vẫn chưa có bất cứ chính sách nào giúp đỡ các đơn vị làm truyện tranh trong nước, cũng không có giải thưởng chính thống nào dành cho truyện tranh. Truyện tranh đôi lúc còn bị coi là nằm ngoài văn hóa đọc.

Không có gì lạ là sau sự hưng phấn từ thành công của Thần đồng Đất Việt, cho đến nay, hầu như không còn nhà làm truyện tranh trong nước nào còn trụ lại. Truyện tranh, một thể loại sách ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm lý của lứa tuổi thiếu niên nhi đồng đang bị lãng quên, bỏ mặc cho các sản phẩm nước ngoài chi phối!

(Theo SGGP)