itaexpress / Tin ITA / Việc làm ITA / Nhu cầu việc làm / Nguy cơ mất việc làm ngay trên “sân nhà”

Nguy cơ mất việc làm ngay trên “sân nhà”

Gia nhập WTO, chúng ta đã "chuẩn bị" một đội ngũ lao động với 54% xuất thân từ nông thôn. Sự thật này đã khiến Việt Nam ngày càng phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trình độ cao.

Ông Nguyễn Đại Đồng, Vụ trưởng Vụ Lao động việc làm, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, với chất lượng lao động như hiện nay, chúng ta đang có nguy cơ mất việc làm ngay trên "sân nhà".

Thiếu, yếu và không phù hợp

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong 9 tháng đầu năm 2007, đã có gần 1,2 triệu lao động có việc làm. Tuy nhiên, số lao động này chủ yếu ở trình độ thấp. Ngay cả các sàn giao dịch việc làm đã tổ chức tại các địa phương trong thời gian vừa qua cũng chỉ tuyển được rất ít những người có trình độ cao.

Đối với những người đã và đang làm việc tại các doanh nghiệp, do tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng gay gắt, một bộ phận doanh nghiệp bị phá sản, khiến người lao động có nguy cơ bị mất việc làm.

Bên cạnh đó là xu hướng sử dụng nhiều máy móc trong sản xuất, trình độ tự động hoá cao hơn, vốn lớn hơn nhưng lại ít sử dụng lao động. Rồi việc xuất hiện một số lượng không nhỏ các chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, đã khiến người lao động có thể bị mất việc làm ngay trên "sân nhà".

Bản chất của việc người lao động bị mất việc làm chính là chất lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu. Cụ thể là có tới 70% lao động Việt Nam chưa qua đào tạo, thậm chí 80% thanh niên trong độ tuổi 20-24 khi tham gia thị trường lao động chưa được đào tạo nghề.

Tại cuộc hội thảo "Nhân lực: Những thách thức trong thời đại kinh tế mới" do Doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu tổ chức ngày 30/11, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hoà phải thừa nhận rằng: "Việt Nam còn mang thói quen, tập quán sản xuất nhỏ, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp kém... chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội".

Phải chuyển dịch sản xuất sang những ngành tinh xảo hơn

Câu chuyện về thiếu nguồn nhân lực đã khiến cho nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khóc dở mếu dở vì không biết tìm đâu ra lao động phù hợp với yêu cầu.

Theo kinh nghiệm của của nước ngoài, một trong những lý do thiếu hụt nhân lực chính là sự phát triển của Việt Nam vẫn chủ yếu là dựa vào các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da và nội thất, chiếm 28,5% tổng doanh thu xuất khẩu.

Bởi vậy, cũng trong cuộc hội thảo về nhân lực, ông Antonio Berenguer, tham tán thương mại của Phái đoàn Uỷ ban Châu Âu tại Việt Nam cho rằng: Về lâu dài thì mô hình sẽ không còn phù hợp.

Đối với những ngành có sử dụng nhiều lao động như dệt may, nội thất thì lại phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập thô từ những đối thủ cạnh tranh chính. Vì vậy, Việt Nam cần phải chuyển sang những ngành tinh xảo hơn. Điều này cũng có nghĩa là nhu cầu lao động có tay nghề sẽ rất lớn.

Nhưng đây là giải pháp mang tính vĩ mô và không thể ngày một ngày hai giải quyết được. Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã cảnh báo, tình trạng đình công của công nhân nói chung và công nhân trong ngành dệt may nói riêng sẽ tiếp tục diễn ra khá căng thẳng trong thời gian tới mà nguyên nhân chính là đòi tăng tiền lương.

Trước tình hình gay go trên, ông Đồng cho biết, Bộ đang gấp rút việc tiến hành thanh tra trên toàn quốc về nhu cầu lao động để sớm đưa ra những khuyến cáo và điều chỉnh chính sách về đào tạo, dạy nghề.

Hiện nay, có tới 54% trong đó là lao động nông thôn chưa qua đào tạo, trong khi lực lượng lao động có trình độ cao rất ít. Vì thế, ông Đồng lưu ý các doanh nghiệp trong nước nên chuyển hướng tuyển nhân công chưa qua đào tạo để giảm áp lực.

Chẳng hạn như tập đoàn Hồng Hải của Đài Loan đang tiến hành đầu tư vào Việt Nam khoảng 5 tỉ USD và sẽ tuyển tới 30 vạn lao động. Tập đoàn này chủ động tuyển nhân công chưa qua đào tạo rất sẵn có của Việt Nam. Hiện nay, họ đã tuyển trước một loạt lao động của ta đưa sang đào tạo tại Đài Loan sau đó sẽ dùng chính lực lượng này đưa về nước đào tạo cho hàng vạn lao động còn lại.

Tuy nhiên, với hành lang pháp lý như hiện nay, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo ngại cho việc tuyển dụng nguồn nhân lực chưa qua đào tạo. Vì rất có thể, họ sẽ bị “hớt tay trên” sau khi đã bỏ công sức đầu tư con người cho doanh nghiệp của mình. Xem ra bài toán nhân lực thời hậu WTO vẫn chưa có lời giải thuyết phục.

Lan Hương (Dantri)