itaexpress / Tin ITA / Việt Nam trong mắt tôi / Góc nhìn du khách / Ấn tượng Hà Giang

Ấn tượng Hà Giang

Hùng vĩ, mênh mang, thậm chí còn đẹp hơn nhiều so với những cảnh quay trong bộ phim “Chuyện của Pao”, Hà Giang - mảnh đất địa đầu của tổ quốc có sức hút mê hồn với những người ưa khám phá.

Ai đã từng đặt chân đến nơi này một lần, hẳn sẽ không chỉ ấn tượng mạnh với cao nguyên đá mà còn kinh ngạc bởi quyết tâm của lòng người, khiến Hà Giang đang từng ngày thay da, đổi thịt.

Xe ga lên núi

Nghe có vẻ xa xôi, nhưng thực ra đường đến với Hà Giang giờ đây rất thuận tiện. Từ Hà Nội, ôtô chạy dọc quốc lộ số 2, bám dòng Lô giang, chỉ sau 6 tiếng đã tới trung tâm tỉnh lỵ. Từ đây, đường giao thông toả đi xuống trung tâm huyện lỵ các vùng núi thấp như Vị Xuyên, Bắc Quang hay lên những vùng núi cao- cho dù có hơi lắm “cua”, nhiều dốc như Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc đều được đầu tư và gia cố ngon lành.

Cách thị xã Hà Giang hơn 20 km, con đường dẫn đến cửa khẩu Thanh Thuỷ (huyện Vị Xuyên) được trải nhựa phẳng lỳ, rộng thêng thang, khiến không có cảm giác đây là đường lên núi. Chủ tịch HĐND xã Thanh Thuỷ, ông Nguyễn Công Dựng cho hay Chính phủ đã cho phép nâng cấp và qui hoạch Thanh Thuỷ thành cửa khẩu giao thương quốc tế. Rồi đây, đường giao thông vào các thôn bản trong xã cũng sẽ được đầu tư, mở rộng để vận chuyển hàng hoá. Lên cao hơn một chút, nơi đầu vùng núi đá Quản Bạ, đường từ trung tâm huyện dẫn tới các xã cũng khá dễ dàng. Tại trường Tiểu học và THCS xã Cán Tỷ, chúng tôi gặp không ít nữ giáo viên đi xe máy tay ga, trông họ yểu điệu chả khác nào các thục nữ Hà thành - điều hiếm thấy ở vùng cao heo hút. Cô giáo Thanh Hoà, người vừa sắm được chiếc xe gas SCR mới coóng – một loại xe đang được coi là “mốt” của chị em miền xuôi, phân trần: “đường đẹp thế này mà không được đi xe đẹp thì thật uổng...”

Ông Sèn Chỉn Ly- Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết, từ bao đời nay, giao thông luôn là vấn đề nan giải đối với người vùng cao, nhưng giờ thì khác rồi, Hà Giang tự hào với mô hình huy động sức dân làm đường giao thông nông thôn loại B. Xuất phát từ quan điểm xã có công trình, nhân dân có việc làm và có thu nhập, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất chuyển hình thức giao đầu tư làm đường từ doanh nghiệp sang cho dân, với đơn giá từ hơn 300 triệu đồng xuống còn khoảng 50 triệu đồng/ km đường. Trong đó Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật và thuốc mìn ( phá núi), nhân dân bỏ ngày công lao động. Được triển khai từ năm 2002, đến nay toàn tỉnh đã có khoảng hơn 2000 km đường giao thông nông thôn theo mô hình huy động sức dân. Một số tỉnh lân cận đã khăn gói sang Hà Giang để học tập kinh nghiệm.

Cơ chế “dễ thở”

So với nhiều địa phương vùng núi khác, Hà Giang đang đựơc xem là tỉnh mạnh dạn trong việc đổi mới cơ chế. Với quan điểm coi giáo dục, y tế là quốc sách hàng đầu, nên chiến lược đầu tư cho 2 lĩnh vực này tại vùng cực Bắc của tổ quốc thực sự có những đột phá. Theo ông nguyễn Văn Phương- Chánh văn phòng Sở GD- ĐT, khái niệm trường “nội trú dân nuôi” cho đến nay chỉ có ở Hà Giang. Xuất phát từ thực tế đời sống người dân nghèo khó, việc tới trường của học sinh khó khăn cách trở,

Ngay từ năm 1985 người dân huyện Yên Minh đã sáng tạo mô hình trường học “nội trú dân nuôi”. Việc dựng trường sở, nhà nội trú, lương thực do xã và nhân dân đóng góp để nuôi con em mình đi học. Sau đó, thấy hiệu quả rõ rệt của mô hình này, từ năm 2000, lãnh đạo tỉnh đã hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng nhà lưu trú cho giáo viên và học sinh, các cơ quan trong huyện quyên góp để giúp thầy trò có tiền mua chăn màn, quần áo ấm tới trường. Năm 2005, tỉnh quyết định trích ngân sách hỗ trợ mỗi học sinh diện nội trú dân nuôi 100.000 đồng/tháng, bắt đầu từ năm học 2007- 2008, mức trợ cấp cho các em đã tăng lên 140.000đồng/tháng. Trải qua hơn 23 năm duy trì và phát triển, đến nay cả 10 huyện trong tỉnh đều có trường học nội trú dân nuôi tại các xã.

Giám đốc Sở Y tế, ông Hoàng Ngọc Quyền thừa nhận, so với một số địa phương vùng núi, cơ chế cho cán bộ y tế Hà Giang tương đối “dễ thở”. Thay vì áp dụng rập khuôn qui định của Nhà nước, phụ cấp cho cán bộ làm công tác y tế thôn bản được nâng lên mức 12.000 đồng/tháng. Ngoài ra họ còn được nhận thêm phụ cấp đi họp giao ban, tiền hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia chống lao, sốt rét…khoảng 20.000 đồng/tháng. Tính trung bình, mỗi cán bộ y tế thôn bản có thu nhập khoảng 200.000 đồng/tháng. Riêng cán bộ tại các Trạm Y tế xã mức thu nhập trung bình dao động từ 3- 6 triệu đồng/tháng. Ở vùng cao nguyên đá, tiền không hẳn là tất cả, cũng không dễ tiêu, nhưng những ưu đãi và quan tâm kịp thời đã khiến họ an tâm và hết lòng gắn bó với đồng bào, với công việc.

Dấu ấn cán bộ trẻ

Chủ tịch xã Cán Tỷ, anh Giàng Mí Lùng có dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn và tác phong rất đĩnh đạc. Không ai nghĩ anh sinh năm 1974. Đọc được sự ngạc nhiên trong ánh mắt mọi người, Giàng Mí Lùng chỉ cười: không còn trẻ đâu, như thế này là giìa rồi đấy, ở các huyện bên cạnh như Xín Mần, Đồng Văn, Yên Minh, Chủ tịch xã trẻ hơn tôi nhiều, có những người sinh năm 1980 đấy.

Quả thật, trong chuyến đi công tác này, ấn tượng đối với chúng tôi là những cán bộ trẻ ở Hà Giang đang đảm nhận những trọng trách quan trọng. Chủ tịch huyện Vị Xuyên sinh năm 1967, Chủ tịch huyện Yên Minh sinh năm 1970, Chủ tịch huyện Hoàng Su Phì sinh năm 1969, Chủ tịch huyện Đồng Văn sinh năm 1968, Giám đốc bệnh viện đa khoa Vị Xuyên sinh năm 1973, Giám đốc Trường nghề Vị Xuyên sinh năm 1972, Hiệu trưởng trường THCS Thanh Thuỷ (Vị Xuyên) sinh năm 1973, Phó Chánh văn phòng Sở LĐTBXH sinh năm 1974…tất cả họ đều rất trẻ, đang phơi phới sức xuân. Theo ông Sèn Chỉn Ly, lãnh đạo tỉnh rất tỉnh tin tưởng và chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở. Những con người đầy nhiệt huyết ấy đang làm nên diện mạo của một Hà Giang mới, chính họ đang khiến cho cả một vùng cao nguyên đá phải nở hoa, đang từng ngày giàu lên từ mảnh đất nghèo.

Hương Giang / ĐCSVN