Nhớ mùa hoa bưởi
Cầm trên tay nhành hoa bưởi, tôi bâng khuâng khi nghĩ rằng đây có thể là những bông hoa cuối cùng của mùa hoa bưởi tháng ba Hà Nội…
Đi từ chợ Bưởi, qua Giảng Võ đến chợ Đông Tác, Kim Liên, tôi mới tìm thấy một mẹt hoa bưởi. Vẩy ít nước cho những cành hoa đã hơi héo dưới nắng mới, chị Nguyễn Thị Thực, người bán hoa, bảo: “Trước quanh chợ Đông Tác có 4, 5 người bán hoa bưởi, nhưng năm nay ít người bán lắm. Hoa này chị bán cũng chỉ vài ngày nữa là hết”.
Chị Thực nói mình đến từ thôn Cao Bộ, nay là thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai. Những bông bưởi trắng muốt hái từ 5 giờ sáng, theo xe đạp hơn hai chục cây số để vào Hà Nội. Năm nào hoa rộ, có khi chị hái được gần 50 kg, nhưng bây giờ chỉ được 4 - 5 kg. Hoa đầu mùa bán khá đắt: 40.000 - 50.000 đồng/kg, cuối mùa khoảng 30.000 - 35.000/kg. Hoa giữa mùa trắng và thơm nhất lại bán khá rẻ, chỉ bằng 1/3 giá đầu mùa.
Chị Thực kể, xóm chị nhà nào cũng có khoảng 50 gốc bưởi, hầu hết là để lấy quả. Nhưng riêng nhà chị trồng bưởi lấy hoa. Ngoài những cành hoa hái xuống trên cây, chị bán cả những bông hoa bưởi rụng đã được nhặt sạch sẽ. Hoa rụng úa vàng và kém thơm hơn, giá cũng rẻ hơn.
Khách mua hoa đủ lứa tuổi, từ học sinh đến người già, nhưng chủ yếu vẫn là người trung niên. Họ mua về để ướp bột sắn dây, ướp mía, nấu chè, hoặc bày trong nhà để tưởng nhớ một mùa hương.
Ông Thanh, chủ quán chè 16, đường Ngô Thì Nhậm, cạnh chợ Hôm, quán chè lâu năm bậc nhất ở Hà Nội cho biết, trước đây cửa hàng vẫn dùng nước hoa bưởi để làm hương cho các món chè, bánh, nhưng giờ hoa bưởi hiếm và đắt, nên mỗi mùa chỉ dám mua vài chùm để trong tủ kính cho thơm.
Lưu luyến mùi hoa bưởi, tôi xuôi sông Đáy về Cao Viên. Dọc thôn Đống ven đê, có hơn 50 hộ, nhà nào cũng trồng vài chục gốc bưởi Diễn lấy quả. Trong vườn bưởi hơn 200 gốc và rộng nhất làng với gần một mẫu đất, chị Nguyễn Thị Thuật, chủ vườn, cho biết cả thôn này hầu như không ai bán hoa bưởi vì sẽ hại đến quả. Nếu có thì chỉ bán hoa bưởi rụng hoặc hoa đực không đậu quả. Nhưng vào mùa này, người trồng bưởi cũng tất bật phun thuốc, tưới cây, tỉa cành… chẳng còn đâu thời gian để nhặt, tỉa hoa.
Theo chị Thuật, hoa bưởi bán trên phố hầu hết là hoa bưởi chua, bưởi dại mang về từ Xuân Mai, Chương Mỹ và có cánh to hơn trong khi hoa bưởi Diễn bông nhỏ và mỏng. Người trồng bưởi Diễn ở chính xã Phú Diễn, H.Từ Liêm cũng chẳng ai hái hoa để bán bởi người mua hoa không nhiều bằng người mua quả. Chỉ cây bưởi bên cạnh, chị bảo: “Cây này nhiều lắm chỉ được vài cân hoa, bán được đôi trăm, còn nếu để quả thì có thể được tiền triệu”.
Khi tôi vẫn nhất định cho rằng mình đã mua được hoa bưởi từ một người Cao Viên, chị Thuật giải thích bưởi mới trồng chưa cho quả ngon mà phải có khoảng 10 năm tuổi. Trong trường hợp ấy, có thể người ta đã hái hoa những cây bưởi mới trồng đem bán. Những bông bưởi tôi đã mua buổi sáng có lẽ nằm trong số ấy.
Hoa bưởi ngày đang ít dần trên đường phố Hà Nội bởi đất đai của các vùng ven đô ngày càng thu hẹp. Hương bưởi cũng nhạt dần đi trong đời sống người Hà Nội bởi bài toán kinh tế của người trồng bưởi… Rời thôn Đống khi trời gần tối mà vẫn chưa tìm được những cây bưởi mà tôi mua hoa lúc sáng, tôi thầm hẹn sẽ trở lại nơi này trong mùa hoa bưởi năm sau…
Tịnh Tâm/ Thanh Niên