Luôn còn đó những tấm lòng…
ItaExpress - Mấy lần vào phòng làm việc của Ngọc xin tư liệu để viết bài, tôi đều thấy Ngọc chăm chú với từng bộ hồ sơ. Vừa tranh thủ tiếp chuyện tôi, Ngọc vẫn không bỏ dở công việc của mình…
Đó chính là Dương Thị Hồng Ngọc - một trong những người gắn bó với Quỹ ITA-s từ những ngày đầu thành lập. Cô phụ trách nhận, phân loại, xét duyệt hồ sơ rồi chuyển đến những người thực hiện. Ngồi quan sát Ngọc làm việc, tôi mới thấy công việc ngỡ như đơn giản nhưng lại không hề dễ dàng chút nào. Hồ sơ ngổn ngang, điện thoại lại reo liên tục. Ngọc vừa trả lời những câu hỏi của người đầu dây bên kia về quy chế, hoạt động… của các Quỹ ITA, vừa đánh dấu những giấy tờ còn thiếu trong bộ hồ sơ đang xét. Lại nhấc máy, nhẹ nhàng nhắc nhở bổ sung hồ sơ. Với nhiều người không có điện thoại, Ngọc lại tỉ mẩn ngồi viết những lá thư tay thật rõ ràng gởi kèm những mẫu đơn và quy chế cụ thể… “Chỉ mong sao thông tin sớm đến được với những người còn thiếu hồ sơ để họ bổ sung nhanh giấy tờ. Nếu không, họ sẽ không được xét duyệt, tội lắm…” - Ngọc giải thích.
Vâng, không như ở một vài nơi tôi đã từng thấy, những hồ sơ chưa đầy đủ nhẹ nhàng được gạt sang một bên với dòng chữ lạnh lùng “Không hợp lệ”. Ở đây, với những người thực hiện Quỹ ITA, một địa chỉ có vẻ mơ hồ, một dòng tên được viết nguệch ngoạc… sao mà cũng thân thương đến thế. Chỉ mới đi vào hoạt động được vài tháng, nhưng mà hình như từ khi nào lâu lắm, Quỹ ITA-s đã trở thành một cái tên thân thuộc được biết bao người tìm đến để san sẻ nỗi đau và gởi gắm niềm tin, hy vọng.
Số người tin tưởng ngày càng được nhân rộng, có nghĩa là Quỹ ITA-s đã và đang hoạt động hiệu quả trong công việc thiết thực và giàu ý nghĩa của mình. Nhưng, đồng thời, điều đó cũng có nghĩa là trách nhiệm của những người thực hiện Quỹ theo đó cũng nhiều hơn.
Ái ngại trước khối lượng công việc của Ngọc, tôi hỏi Ngọc có bao giờ cảm thấy quá tải? Cô cười: “Ngọc cũng như rất nhiều anh chị khác trong Quỹ ITA, rất hiểu và đồng cảm với những đối tượng xin được trợ cấp. Nhiều khi ngồi đọc hồ sơ mà rơi nước mắt, và như thấy đau cùng nỗi đau với họ, dù chưa từng quen biết. Không hiểu sao trên đời này lại có những người bất hạnh đến như vậy. Có người muốn ăn no, mặc ấm một bữa thôi cũng đã khó. Rồi có người mắc phải những căn bệnh nghiệt ngã mà trong nhà không còn một đồng để thuốc thang. Nợ nần, đói khổ chen nhau… Thế mới biết mình đã là quá hạnh phúc so với biết bao người. Vì vậy, khi làm công việc này Ngọc không cảm thấy áp lực. Chỉ biết thật cố gắng và cầu mong làm sao để mọi việc được trôi chảy, để tất cả những người không may đều sớm nhận được trợ cấp giúp cuộc sống phần nào bớt cơ cực hơn”.
Hồng Ngọc đang hướng dẫn làm hồ sơ xin Quỹ |
Tất cả khó khăn, áp lực… đều được Ngọc “giải quyết” một cách rất nhẹ nhàng. Nhưng tôi biết, nếu như với một người khác, có thể mọi chuyện cũng sẽ khác đi. Sẽ không có những ngày làm việc căng thẳng, chạy đua với thời gian. Sẽ không có những phút lặng người đi bên những cảnh đời quá thương tâm. Cũng không có sự dịu dàng, kiên nhẫn… trả lời, giải thích, liên hệ tới lui với những người mình chưa từng quen biết.
Nhưng cũng biết đâu… Chúng ta có quyền nghĩ về những điều tốt đẹp. Đã có, đang có và sẽ có những người như Ngọc, biết quan tâm, chia sẻ với những người xung quanh mình. Bởi “Lá lành đùm lá rách”, “Tương thân tương ái” cũng chính là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của cha ông ta. Dốc sức mình cho Quỹ ITA-s, Tập đoàn Tân Tạo có lẽ cũng không mong muốn gì hơn là được cùng với toàn xã hội xoa dịu đi những nỗi đau thương, bất hạnh… trong cuộc đời con người. Và Ngọc, cũng như nhiều thành viên khác của Quỹ ITA-s, ngày ngày vẫn đang âm thầm, miệt mài chung tay góp sức…
Lương Kim Tuyến