itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Kiểm toán Đề án 112 không chịu áp lực nào

Kiểm toán Đề án 112 không chịu áp lực nào

Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Vương Đình Huệ đã khẳng định như vậy tại cuộc họp báo công bố kết quả kiểm toán Đề án 112 ngày 30/10. Ông chủ động vào cuộc trước những câu hỏi dồn dập của phóng viên...

Sai phạm từ khâu thành lập Đề án đến tổ chức thực hiện

* Thưa ông, kết quả kiểm toán của KTNN chỉ dựa trên 23/116 đơn vị được tiến hành kiểm toán liên quan đến Đề án 112. Vậy có khách quan không, trường hợp các đơn vị còn lại có thể hiểu là thoát trách nhiệm không, thưa ông?

- Do thời gian kiểm toán ngắn nên không thể làm hết ở hơn 100 đơn vị. Tuy nhiên chúng tôi khẳng định 23 đơn vị được kiểm toán mang tính điển hình cho các bộ ngành, vùng miền và địa phương của các đơn vị thực hiện Đề án 112.

Cụ thể, 4 cơ quan tổng hợp đều đã được kiểm toán chính, kiểm toán chi tiết: Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Ban điều hành Đề án 112 của Chính phủ. Tất cả nguồn vốn triển khai Đề án là “chảy” ra từ đây. Còn về mặt chi tiết để đánh giá thì 8 bộ, ngành, địa phương được lựa chọn là những đơn vị được hưởng cơ chế lớn từ đề án. Việc áp dụng quy mô mẫu này cũng là nguyên tắc được áp dụng trong quá trình thanh tra.

Từ kết quả này, chúng tôi cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục thanh kiểm tra các đơn vị còn lại. Kết quả kiểm toán này đã được báo cáo Chính phủ, làm cơ sở để xem xét, kiểm tra tất cả các chương trình, đề án tầm quốc gia khác để triển khai cho có hiệu quả.

* Kết luận của KTNN chỉ đề cập chung chung kiểu có dấu hiệu thất thoát, thiệt hại… trong khi CQĐT đã khởi tố vụ án tham ô và bắt nhiều đối tượng liên quan trong việc triển khai thực hiện Đề án này. Có thể hiểu, KTNN không đồng tình với quan điểm của CQĐT hay ngại đụng chạm đến nhiều bộ lớn trong vụ án này?

- Tiến hành kiểm toán, chúng tôi luôn nhắc anh em làm việc tinh thần độc lập, khách quan, không phụ thuộc, không chịu áp lực và không né tránh vấn đề gì. Thực tế quá trình và kết quả kiểm toán đã chứng tỏ chúng tôi làm việc độc lập với cơ quan điều tra. Ngay việc bắt tạm giam ông Vũ Đình Thuần để điều tra cũng phải hiểu không phải do ông ấy là Trưởng ban Đề án 112 mà do những hành vi vụ lợi của cá nhân.

* Theo đánh giá của KTNN trong lĩnh vực tài chính, sai phạm của đề án này có nghiêm trọng không? Kết quả kiểm toán có được chuyển đến cơ quan điều tra không, thưa ông?

- Không có quy chuẩn để so sánh thế nào là thất thoát lớn, sai phạm trầm trọng. Mặt khác, KTNN chỉ có chức năng kiến nghị xử lý, còn lại chúng tôi chỉ biết thể hiện rất đầy đủ, cụ thể những nội dung kiểm toán. Có thể thấy, sai phạm từ khâu thành lập Đề án đến tổ chức thực hiện...

Kết luận sai phạm đến đâu thì còn phải chờ những khâu khác, như quyết toán theo thủ tục của dự án nhóm A và kết luận của cơ quan công an. Sau này, khi có đơn giá được duyệt rồi, căn cứ vào đó tính phần chênh lệch so với số ngân sách đã được rót thì mới gọi là phần thất thoát.

Khi hoàn thành xong báo cáo này chúng tôi cũng đã gửi cho Tổng cục Cảnh sát - Bộ CA, Cục Phòng chống tham nhũng, UBTV Quốc hội, Văn phòng QH, Văn phòng Chính phủ. Theo tôi, việc gắn kết giữa các cơ quan là cần thiết.

Đề nghị các bộ Tài chính, KH&ĐT kiểm điểm trách nhiệm

* Trách nhiệm của các bộ đến đâu khi tham gia vào Đề án này?

Đồng Nai - tỉnh đầu tiên xin nộp lại 2 tỷ đồng 

* Được biết Đồng Nai là tỉnh đầu tiên xin nộp lại 2 tỷ đồng chi sai nguyên tắc liên quan đến Đề án 112? Theo ông số tiền này liệu có lấy từ ngân sách và đem nộp bù lại?

- Số tiền 2 tỷ do UBND Đồng Nai nộp lại là số tiền chưa sử dụng, người ta hoàn trả ngân sách trung ương và mấy trăm triệu khác là số tiền chi sai đối tượng.

- KTNN đã báo cáo chi tiết ở kết quả kiểm toán rồi. Như Bộ KH&ĐT, trách nhiệm là phân bổ vốn đầu tư, nhiều đơn vị không đủ điều kiện vẫn xét thầu, có đơn vị nộp hồ sơ xét thầu chậm, muộn nhưng vẫn được giao thầu.

Về cơ chế điều hành, trách nhiệm từ đơn vị trực tiếp triển khai đến chủ đầu tư là Ban điều hành Đề án, tới Văn phòng Chính phủ là đơn vị kiểm toán cấp 1 để kiểm soát vốn đầu tư từ ngân sách trung ương.

Trách nhiệm của Bộ Tài chính là trong việc phân bổ định mức…

Bộ KH&ĐT, với tư cách là Ban điều hành của bộ, có trách nhiệm với việc triển khai Đề án 112 tại đơn vị mình. Thứ hai là với trách nhiệm của một đơn vị quản lý nhà nước.

Chúng tôi đã đề nghị 2 bộ này kiểm điểm trách nhiệm của mình đến từng cá nhân.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ chủ động vào cuộc trước những câu hỏi
dồn dập của phóng viên. Ảnh: Lê Anh Dũng - VietNamNet

* Hai nội dung quản lý sử dụng và chất lượng thiết bị mua sắm được xác định có khả năng phát hiện dấu hiệu tham ô, tại sao KTNN không hề đề cập?

- Việc đánh giá này không phải đơn giản, có nhiều khó khăn trong việc kiểm toán, ví dụ xác định giá cả thế nào rất khó khăn. Trong khả năng và thời gian cho phép, chúng tôi đã kiểm tra, đánh giá ở những mặt, ví dụ nhãn mác hàng hóa không đúng như kê khai, nghiệm thu thiếu… Và đặc biệt, chúng tôi đánh giá về hiệu quả sử dụng, bao nhiêu thiết bị còn đắp chiếu nằm chờ, bao nhiêu phần mềm mua rồi không dùng…

* Báo cáo của KTNN không cho thấy cụ thể số tiền thất thoát khi thực hiện Đề án 112, tuy nhiên báo chí ước tính số tiền thiệt hại hơn 200 tỷ đồng (chiếm 20%). Ông bình luận thế nào về con số này?

- Làm sao tính cụ thể sai phạm, thiệt hại khi chưa có định mức quyết toán. Như số tiền 55 tỷ sai phạm khi triển khai xây dựng mạng LAN không phải là thất thoát mà là sai phân cấp vì theo quy định, việc xây dựng mạng LAN là do ngân sách địa phương các tỉnh phải bỏ ra nhưng thực tế các tỉnh lại sử dụng ngân sách trung ương rót về. Sai ở đây là nguồn chi, không phải thất thoát.

Muốn biết thất thoát bao nhiêu thì cần một thời gian nữa để các cơ quan nhà nước, đặc biệt Bộ Tài chính, Bộ KH & ĐT xây dựng xong định mức trong việc phân bổ ngân sách, quyết toán thì mới xác định được tổng số. Việc của chúng tôi làm là theo đúng quy định pháp lý bởi chức năng của kiểm toán nhà nước là xác định tính đúng đắn và chân thực chứ không phải chức năng điều tra. Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm của mình.

* Trước đây đã có thông tin về một báo cáo kiểm toán cũng về Đề án 112, vậy bản kiểm toán này có gì khác so với trước đó?

- Dự thảo báo cáo đó là để tham khảo và lấy ý kiến của các cơ quan liên quan nằm trong quy trình kiểm toán chung. Về nguyên tắc, KTNN chưa ký thì chưa thể gọi là kết luận, Nói chung, toàn bộ nội dung, phát hiện, kiến nghị trong kết luận kiểm toán này cũng không có gì khác so với nhận định ban đầu.

* Xin cảm ơn ông !

Duy Tuấn (ghi)