itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Pháp luật / Trường Trung học Kỹ thuật nghiệp vụ Thủy sản II : Sai phạm đầy rẫy !

Trường Trung học Kỹ thuật nghiệp vụ Thủy sản II : Sai phạm đầy rẫy !

Nhà xưởng thực hành xây xong đưa vào

sử dụng được một học kỳ rồi... cho thuê

Vi phạm quy chế đào tạo, quy chế quản lý tài chính kéo dài gần 10 năm, dù có kiểm tra, kết luận nhưng không giải quyết, xử lý. Cán bộ - giáo viên trường liên tục khiếu nại, tố cáo.

Trường Trung học Kỹ thuật Nghiệp vụ Thủy sản II, số 511 An Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân (TPHCM) trước đây trực thuộc Bộ Thủy sản, nay trực thuộc Bộ NN-PTNT.

Đào tạo 3 ngày có bằng... thuyền trưởng!

Tháng 5-1998, ông Trần Đăng Khoa, lúc đó là hiệu trưởng (đã nghỉ hưu năm 2000) thành lập Ban Huấn ngư gồm 6 cán bộ-giáo viên do ông Huỳnh Hữu Lịnh làm trưởng ban. Nhiệm vụ của ban là đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ đánh bắt xa bờ cho ngư dân, mở lớp thi cấp bằng thuyền - máy trưởng cho tàu cá các hạng, thi nâng bậc... Chỉ trong thời gian từ tháng 6-1998 đến tháng 5-2000, Ban Huấn ngư đào tạo và cấp bằng thuyền - máy trưởng hạng nhỏ và hạng 5 cho 6.127 học viên. Theo quy chế, lớp học thuyền - máy trưởng hạng nhỏ: 45 tiết, hạng 5: 95 tiết và phải có bằng hạng nhỏ mới được cấp bằng hạng 5. Lợi dụng chức vụ trưởng ban, ông Lịnh đã “chế tác” ra phương pháp đào tạo “cấp tốc”: thuyền-máy trưởng hạng nhỏ học và thi lấy bằng trong 3 - 4 ngày! Thuyền-máy trưởng hạng 5, học và thi trong 10 ngày và được cấp đến... 2 bằng! Nhiều giáo viên cho rằng kiểu đào tạo của Ban Huấn ngư mà đứng đầu là ông Huỳnh Hữu Lịnh, chỉ có duy nhất tại Việt Nam. Bởi vì bắt học viên học... cả ngày lẫn đêm (15 tiết/ngày đêm)!

Bứt xúc trước kiểu đào tạo phi sư phạm và có nhiều sai phạm trong thu chi tài chính, nhiều giáo viên trong trường đã kiến nghị làm rõ hành vi tự tung tự tác của ông Lịnh.

Kỷ cương lỏng lẻo

Qua khiếu nại của nhiều giáo viên, CB-CNV, nhà trường đã lập tổ kiểm tra nội bộ. Kết quả kiểm tra đã kết luận hàng loạt sai phạm: Hồ sơ học viên từ tháng 3-1999 đến tháng 2-2000 không có người duyệt, không có quyết định mở theo từng lớp. Có trường hợp thi thực hành rớt, có lớp không thấy thủ tục thi thực hành nhưng vẫn cấp bằng tốt nghiệp. Cán bộ chấm thi chỉ có... 1 người, có trường hợp thậm chí không ký tên vào biên bản bài thi. Ủy viên thư ký cùng một lúc “bao” các việc: duyệt và nhận hồ sơ, giảng dạy, chấm thi và là ủy viên hội đồng thi! Về tài chính: Không mở các sổ thu-chi dù lượng tiền thu-chi lên tới cả tỉ đồng. Các bảng quyết toán thu-chi do Ban Huấn ngư lập không khớp với chứng từ kiểm tra. Các khoản thanh toán cho giáo viên của Ban Huấn ngư tùy tiện không theo quy định chung...

Tháng 5-2005, Bộ Thủy sản về trường lấy phiếu tín nhiệm ông Lịnh nhưng chỉ được 21/56 phiếu tín nhiệm (37,5%). Mất uy tín, nhưng không hiểu vì sao vào tháng 8-2006, ông Lịnh lại được lên chức hiệu phó. Đến ngày 30-7-2007, trước khi Bộ Thủy sản sáp nhập vào Bộ NN-PTNT, ông Huỳnh Hữu Lịnh được Bộ Thủy sản bổ nhiệm làm quyền hiệu trưởng!

Người sai phạm không bị xử lý lại được lên chức đã làm cho tình hình sai phạm của cấp dưới diễn ra khá nhiều. Trường hợp ông Lâm Phan Vĩ Cơ, trưởng môn kinh tế, vi phạm nghiêm trọng quy chế thi cử, bị kiện vì có học sinh (HS) không thi vẫn... đạt điểm cao, HS thi đạt bị đánh rớt, nhưng ông Cơ chỉ bị khiển trách! Tương tự, ông Hoàng Văn Thành, giáo viên môn kinh tế (bí thư Đoàn trường), cũng bị HS kiện vì lấy báo cáo tốt nghiệp của HS khóa trước... bán cho HS khóa sau và cũng chỉ bị khiển trách nội bộ.

“Phơi sương” hàng tỉ đồng của Nhà nước

Nhà xưởng thực hành 1.100 m2 ở đường số 1, phường An Lạc, quận Bình Tân xây xong năm 2000, đưa vào sử dụng năm 2001 với 2 lầu và 8 phòng. Kinh phí xây dựng khoảng 1,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, nhà xưởng này chỉ dùng đúng... một học kỳ, rồi cho Trường Cao đẳng GTVT III thuê với giá 12 triệu đồng/tháng! Dãy nhà B trong khuôn viên trường do không có HS học nên đã cho Trường ĐH Thủy sản Nha Trang thuê. Nhà ăn 2 tầng dành cho cán bộ - giáo viên 130 m2, hoàn thành năm 1998, cho thuê bán cây kiểng, làm quán cà phê sinh viên được một năm (từ ngày 6-2-2006 đến 6-2-2007), sau đó... bỏ hoang! Xưởng chế biến gần 1.000 m2 ngay đường số 1 cũng bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm...

Nhưng lãng phí nhất là “Chương trình mục tiêu tăng cường năng lực đào tạo”. Hằng năm, chương trình này được ngân sách cấp khoảng 1 tỉ đồng để mua trang thiết bị giảng dạy, mua xong đem về... xếp xó. Điển hình là thiết bị chẩn đoán bệnh thủy sản, đầu tư năm 2004, trị giá tương đương 1 tỉ đồng đến nay vẫn trùm mền, thiết bị phục vụ cho ngành khai thác (lưới, ngư cụ, máy tầm ngư...) gần như bỏ không vì... không có HS! Trường có 2 phòng với khoảng 60 máy vi tính rất ít HS dùng. Nhưng tháng 12-2006 vẫn mua thêm 4 laptop và 20 máy vi tính trong lúc ngành tin học không có HS.

Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, trong lần làm việc với nhà trường mới đây, đã nhận định cần có cuộc “đại phẫu” để làm trong sạch môi trường giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại trường này.

Ngôi trường nhiều “không”  

Nhiều giáo viên gọi Trường Trung học Kỹ thuật Nghiệp vụ Thủy sản II là “trường... nhiều không”: Không thực hiện quy chế trường trung học chuyên nghiệp. Không có hội đồng sư phạm cũng như phòng quản lý HS. Năm năm không thực hiện việc đánh giá cán bộ công chức theo quy định Chính phủ. Năm năm không tổ chức đại hội CB-CNV. Các lớp tin học, máy tàu, khai thác không có HS...

Tân Tiến (Theo NLĐ)