itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Công nhân trong cơn bão giá

Công nhân trong cơn bão giá

Giá cả sinh hoạt tăng cao, đời sống công nhân vốn đã chật vật lại càng khó khăn hơn. Đồng lương ít ỏi khiến họ phải đánh vật với sự tằn tiện, thậm chí chạy ăn từng bữa.

Eo sèo chợ công nhân
Mỗi buổi chiều, đường 54 thuộc P.Tân Tạo, Q.Bình Tân biến thành chợ phiên của công nhân, họp chừng hai tiếng đồng hồ. Khoảng 16 giờ 30, khi cả chục ngàn công nhân của KCN Tân Tạo và Cty Pouyuen tràn ra cũng là lúc hàng trăm “tiểu thương” chở hàng hóa trên những chiếc xe hai bánh đến trải bạt đổ ào xuống đường. Đông và ồn ào như chợ nhưng hàng hóa, chao ôi nghèo nàn đến không ngờ! Chủ yếu là rau, mà toàn loại thứ phẩm, không được tươi ngon như các chợ trong thành phố. Những quả cà chua bầm dập, đống dưa leo quắt queo, những mớ rau héo úa... Cái “chợ” hoành tráng thế nhưng số người bán thịt, cá chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tan ca, công nhân ùa tới “chợ” như ong vỡ tổ, mua bán rất nhanh chứ không chậm rãi lựa chọn như các quý bà nội trợ thường thấy. Phần lớn chị em công nhân chỉ tạt vào những nơi bán rau nhặt nhạnh mau chóng rồi xách về.
Hàng hóa ở chợ trời này không hề rẻ như nhiều người tưởng. Theo chân nhóm nữ công nhân len vào hàng rau của người đàn ông đứng tuổi, giọng rao nhừa nhựa như dân lô tô: “Rau đồng giá, bó hai ngàn, hai ngàn bó...”, tôi mua bó rau cải ngọt. Với giá ấy nhưng bó rau cầm chưa đầy lọn tay, một người ăn chẳng đủ, cọng què cọng cụt giống như nhặt ở chợ đầu mối mang về bán. Sà vào nơi bán cá, một con cá lóc nhỉnh hơn chuôi dao giá 14.000 đồng, con cá diêu hồng đặt lọt trong lòng bàn tay 12.000 đồng. Sạp thịt vắng khách. Một công nhân cho biết phải mua từ 10.000 đồng trở lên họ mới bán, mà chục ngàn thì chỉ được vài miếng, kho nấu chả bõ dính nồi. Ngang qua điểm bán cá biển, vài con bé tí bày trên mẹt, ruồi bay nhặng xị bởi đã nặng mùi, có lẽ hàng ế ở đâu mang về. Ghé nơi bán trứng, những quả trứng vịt nhỏ như hàng loại ba được bà chủ hét giá 25.000 đồng/chục, đắt hơn trong siêu thị. Kế bên là rổ trứng gà của một chị phốp pháp: “Trứng gà ta đó, 32.000 đồng/chục, giá mềm nhất chợ rồi”. Nhìn lớp vỏ tôi biết trứng gà công nghiệp bị tẩy bằng hóa chất để màu giống trứng gà ta, báo chí đã cảnh báo nhiều lần, thế nhưng nhiều chị công nhân có con nhỏ vẫn “đưa cổ cho bà ta chém”. Những sạp bán quần áo, đồ gia dụng hầu như cũng toàn thứ rẻ tiền, nhưng rất vắng người. Nói như một số công nhân: “Tiền ăn còn chưa đủ, nói chi đến sắm đồ”.

Hẩm hiu bữa ăn
Giơ cao bịch đồ ăn bữa chiều cho tôi xem, chị Lệ Hằng (quê Bến Tre) cứ tặc lưỡi vì thứ gì cũng đắt. “Chút xíu này mà bốn chục ngàn lận! Con cá chim cỡ bàn tay 28.000 đồng, bốn quả cà chua 5.000 đồng, nhánh chuối 10 trái bé tẹo mà 6.000 đồng. Hôm nay chỉ dám mua thế thôi, hết tiền rồi”. Chị Hằng là công nhân Cty Pouyuen, nếu tính cả tăng ca mỗi tháng thu nhập gần ba triệu đồng. Ông xã chị làm phụ hồ, trừ ăn uống, xăng xe, đưa về cho vợ trên dưới 2 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng cùng đứa con 10 tuổi thuê phòng trọ hết 1 triệu đồng. Mỗi chiều đi làm về, chỉ tính tiền đồ ăn cho bữa tối, tằn tiện lắm cũng phải trên 50.000 đồng. Rồi tiền xà bông, dầu gội, đóng học cho con, đi đám cưới, ăn sáng, chưa kể thuốc men khi ốm đau bệnh tật..., phải xoay xở tài tình lắm mới đủ chi tiêu đến cuối tháng. “Giá cả đồ ăn thức uống từ đầu năm đến nay tăng chóng mặt, trước Tết chỉ chừng ba chục ngàn là có bữa ăn ngon lành, bây giờ dăm chục chẳng thấm vào đâu. Cuối tháng, nhắm chừng không đủ tiền là cả nhà chỉ ăn rau với mấy con khô. Bốn tháng nay không dám về quê vì chẳng dành dụm được đồng nào, người nhà gọi điện trách quá trời” - chị Hằng tâm sự.
Công nhân lâu năm như chị Hằng còn kham khổ, huống chi những người mới đi làm. Nguyễn Thị Kim Loan (quê An Giang) làm công nhân ở KCN Tân Tạo được hai tháng nay, lương khởi điểm 1,5 triệu đồng/tháng. Loan ở chung với dì ruột tên Thứ, góp tiền nhà và điện nước 500.000 đồng/tháng, số còn lại chỉ đủ để rau dưa và chi tiêu lặt vặt, chẳng bỏ heo đất được cắc nào. Trước đây chồng con chị Thứ cũng ở Sài Gòn, cuộc sống chật vật quá nên đã hồi hương. “Chắc thời gian nữa tôi cũng về quê chứ sống ở đây ngày càng khổ, về làm ruộng sướng hơn vì giá lúa đang cao” - chị Thứ giãi bày. Nữ đã vậy, nam công nhân còn héo hon hơn, bởi họ thường phải chi xài nhiều. Trần Quốc Hưng (quê Nam Định) kể: “Có những lúc đưa người yêu đi chơi ngang qua những quán cà phê lớn, muốn vào một lần cho biết, nhưng hai ly nước cũng phải năm sáu chục ngàn đồng, tiền nào chịu nổi, đành kiếm quán cóc vậy”.
Giá cả sinh hoạt tăng cao, trong đó nhóm hàng thiết yếu như rau quả, thực phẩm, thịt cá tăng nhiều nhất kèm theo là tiền nhà, điện, nước và các dịch vụ sát sườn leo thang, trong khi đó mức lương chưa được cải thiện khiến cuộc sống công nhân ngày một khó khăn hơn. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có các yêu cầu hỗ trợ và đảm bảo cuộc sống cho người nghèo. Thiết nghĩ tổ chức Công đoàn tại các công ty cần chủ động phối hợp với các ngành chức năng tìm cách nâng cao mức sống cho người lao động, tổ chức bán hàng bình ổn giá cho công nhân, vận động các chủ nhà trọ không tăng giá, công nhân được hưởng chính sách điện, nước giá rẻ... Chính phủ cũng sớm có chính sách cải thiện thu nhập, nâng mức lương tối thiểu để người công nhân lao động giảm bớt gánh nặng mưu sinh, yên tâm làm việc, góp phần xây dựng đất nước.

Theo CAO