itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Xóm “giũ bao” sắp… giũ nghề

Xóm “giũ bao” sắp… giũ nghề

Cách đây trên 10 năm, hàng trăm hộ dân bên kênh Rạch Lào, P.15, Q.8, TP.HCM mưu sinh chủ yếu bằng nghề giũ bao, nhưng giờ đây chỉ còn vài chục hộ lay lắt bám nghề.

Bắt đầu công việc lúc 7g sáng và kết thúc vào 13g chiều, anh Nguyễn Thanh Hùng dùng cây gỗ đập mạnh, liên tục vào từng chiếc bao, lớp bụi vôi trắng bay tung. Giũ qua giũ lại vài lượt, anh phân loại và xếp lại chồng bao gọn gàng. Anh kể: “Tôi nhận bao từ các đại lý về phân phát cho bà con cùng làm. Chủ trả công giũ bao cho phụ nữ 70.000đ, nam giới 80.000đ. Còn loại bao giặt tính công theo sản phẩm là 200-300đ/bao. Sau khi làm sạch bụi bẩn và tháo chỉ, số bao lành lặn được cột riêng, những bao rách sẽ được bán cho các công ty tái chế”. Trong số bao họ nhận về giũ, giặt, có nhiều bao đựng hóa chất độc hại nhưng không một người thợ nào đeo khẩu trang.

Gương mặt sạm đen vì 10 năm giũ bao ngoài nắng, chị Nguyễn Thị Thanh (H.Bình Chánh), cho biết: “Không phải bao nào cũng giũ được, các loại bao PP thường đựng vôi, cám… phải đem xuống kênh giặt sạch, rồi đưa lên những khoảng đất trống phơi khô mới giao cho chủ. Từ ngày bờ kè kênh Lưu Hữu Phước xây xong, cả xóm không ai được ngồi trên bờ kè giặt từng cái, mà gom 200-500 cái lội xuống kênh giặt trong 2-3 tiếng khi con nước lớn”.

Nghỉ hè, nhiều trẻ ở quê lên đây phụ giúp cha mẹ. Gần nửa người ngập trong dòng nước đen ngòm, em Nguyễn Thị Kim Anh (học lớp 11 ở Đồng Tháp) nhăn mũi bởi mùi hôi thối bốc lên từ con kênh ô nhiễm. Kim Anh kể: “Em lội kênh chưa quen nên bị nước ăn chân, ngứa lắm. Ba em còn bị đạp miểng bóng đèn hoài”. Nhà ở thành phố nhưng em Nguyễn Thanh Liêm học lớp 8 cũng không nghỉ hè, theo cha mẹ đến đây giũ và xếp bao, nhận tiền công 25.000đ/ngày.

Gò Mả là “đại bản doanh” của nghề giũ trước đây, bây giờ yên ắng lạ thường. Chú Tâm kể: “Nghề giũ bao có từ 50 năm trước nhưng làm ăn dễ dàng nhất là khoảng năm 2000-2004. Lúc đó nhà nào cũng chất đầy vỏ bao, còn bây giờ thì hàng ít hơn, giá lại rẻ nên xóm bỏ nghề gần hết. Tôi chuyển qua chạy xe ôm mấy năm nay”. Hơn 20 năm giũ bao, anh Hưng bộc bạch: “Trước đây nhà nào cũng sống nhờ giũ bao xi măng, nhưng giũ bụi nhiều gây ô nhiễm. Bị khiếu nại, các hộ giũ bao buộc phải chuyển ra ngoài khoảng đất trống. Nhà tôi ở lại đây phải xây kín hết, giũ bụi trong nhà mình, không ảnh hưởng đến ai”.

Chị Nhân cho biết: “Tôi bốc vác ở chợ, nhưng khi ở đây bao về nhiều tôi đến làm thêm. Tuy phải hít bụi nhưng so với bốc vác thì khỏe hơn. Sáng làm, chiều chủ đến trả tiền công”. Trên cánh đồng hoang, những căn lều tạm bợ mọc lên che nắng, che mưa cho những người làm công việc giũ bao cực nhọc. Anh Quang Hoài, bảo vệ an ninh khu vực cho biết: “Cánh đồng này là vùng đất đã quy hoạch, nay mai sẽ xây dựng nhưng trước mắt công ty của chúng tôi (Công ty Nhà đất P.N.) vẫn cho những người thợ giũ bao tạm sử dụng kiếm sống qua ngày. Không được giũ bao trong các khu dân cư, nếu không có khoảng đất trống để làm, không sớm thì muộn thợ giũ bao cũng phải giải nghệ”.

Theo PNO