itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / "Công viên ông Kiệt" trên đồng phèn tứ giác Long Xuyên

"Công viên ông Kiệt" trên đồng phèn tứ giác Long Xuyên

Đúng ngày giỗ lần thứ ba của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tại xã Lạc Quới thuộc huyện miền núi, biên giới Tri Tôn, tỉnh An Giang long trọng làm lễ khánh thành “Công viên văn hoá Võ Văn Kiệt”

Công viên toạ lạc tại đầu con kênh mà tại kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh An Giang khoá VII đã ra Nghị quyết số 24 (10.7.2009) chính thức đặt tên kênh Võ Văn Kiệt, thay cho tên cũ là kênh Tuần Thống (T5). Tuy nhỏ bé về quy mô, heo hút về địa điểm và được xây dựng bằng “cây nhà lá vườn”, nhưng “Công viên ông Kiệt” theo cách gọi của “Hai lúa” An Giang lại sừng sững tầm vóc của ánh “văn minh miệt vườn”. Bởi mỗi hạng mục công trình nơi đây đều ẩn chứa tầng nấc ý nghĩ thâm sâu từ tấm lòng tri ân...

Lấp lánh ánh “văn minh miệt vườn”

Phát biểu khai mạc, ông Huỳnh Công Mước - Giám đốc Sở VHTTDL An Giang - nhấn mạnh: “Công trình có diện tích 4.628m2, với tổng vốn đầu tư trên 4,7 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh, gồm các hạng mục: Sân lễ, vỉa hè đường đi và khu vực cây xanh... Trong đó, tâm điểm là tượng đài và bia tri ân do hoạ sĩ Dương Đình Chiến - nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn học-nghệ thuật An Giang và ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - thực hiện. Toàn bộ công trình do chính người dân An Giang thực hiện bằng chất liệu ngay trên quê hương An Giang”.

Hoà trong không khí ấm áp của buổi sáng đầy nắng, hoạ sĩ Dương Đình Chiến bộc bạch ý tưởng nghệ thuật: “Tượng đài là khối kiến trúc vững chãi phát triển theo chiều đứng và mỗi hình khối, đường nét nơi đây đều hướng tới mục tiêu tôn vinh, tri ân Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tư cách là “Tổng công trình sư khai phá tứ giác Long Xuyên (TGLX)”. Tượng đài đứng giữa 2 ngọn núi, được cách điệu bằng hình khối bởi những nhát len đào rắn rỏi của cuộc xẻ núi, đào kênh dẫn thuỷ...

Ngay dưới chân tượng đài là nền đá màu đỏ tượng trưng cho dòng nước phèn theo kênh ra biển”. Theo ông Chiến, bức phù điêu chân dung Thủ tướng nằm ở vị trí trang trọng nhất của phần đỉnh tượng đài được 3 cánh chim cách điệu bằng những bông lúa trĩu hạt hình chữ V (vừa tượng trưng cho Việt Nam, vừa tượng trưng cho sự chiến thắng: Victory) đang tung cánh nâng lên mang theo hạt nảy mầm với ngụ ý: Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mất, nhưng công trình, sự nghiệp cách mạng của ông vẫn mãi gieo mầm no ấm, sung túc cho vùng đất TGLX nói riêng, cho cuộc đời nói chung.

Nhìn tổng thể, tượng đài sự kết hợp hài hoà của ngôn ngữ hình khối và hình ảnh gần gũi trong đời sống của người dân Nam Bộ. Chạy dọc hai bên vách tượng đài là hình ảnh của cây trái miệt vườn gắn liền với quan niệm dân gian về khát vọng no ấm “cầu - vừa - đủ - xài” (mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài) như món quà mà người dân nơi đây dâng lên Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Phù điêu tựa lưng vào hình đoá hướng dương rực nở nằm mặt sau tượng đài, tượng trưng cho ánh sáng mặt trời, ánh sáng chân lý.

Bên dưới là khóm trúc sum sê cành lá, được cách điệu dưới hình thức cây đàn ghita, vừa tượng trưng cho phẩm chất “quân tử” của vị Thủ tướng dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn thách thức và dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, vừa khắc hoạ được chất tài hoa, nghệ sĩ... của con người Võ Văn Kiệt.

Văn bia nằm ngay dưới chân dung cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, do chính tay ông Bảy Nhị - người học trò, cấp dưới thân thuộc của cố Thủ tướng - chấp bút với sự “chiêm nghiệm” chân tình của nhiều nhà khoa học, chuyên gia gần gũi với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, như: TS Tô Văn Trường, GS Tương Lai, TS Nguyễn Quang A, nhà thơ Việt Phương... Chính vì thế mà ẩn sâu trong lớp văn phong mộc mạc, ngắn gọn đậm chất Nam Bộ là lấp lánh ánh sáng của ân tình, ân nghĩa: “Người nhờ đất để sống.

Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối... Ông đã ghi đậm dấu ấn trên đồng đất miền Tây Nam Bộ. Người dân gọi đó là “Dấu ấn Võ Văn Kiệt”. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên vùng đất phương Nam. Thế hệ hôm nay nương dòng chảy ấy hiên ngang ra biển lớn với tất cả đức tin, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc”.

TS Ngô Quang Láng - Phó GĐ Sở VHTTDL - cho biết, theo kế hoạch An Giang sẽ xây dựng thêm nhiều hạng mục công trình thiết thực, như: Nhà lưu niệm Thủ tướng, phòng trưng bày nông cụ thời khẩn hoang... Với mục đích biến nơi đây không chỉ là công viên giải trí thông thường, mà còn là ngôi trường ngoài trời giáo dục cho thế hệ trẻ học tập, tìm hiểu về lịch sử khai hoang vùng TGLX và điểm tham quan cho du khách trong và ngoài nước.

Tri ân “công trình khai sáng”

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Phan Văn Sáu nhấn mạnh: “Đây là công trình tri ân Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tư cách là tổng công trình sư khai thác vùng TGLX. Trong đó, kênh Võ Văn Kiệt được xem như hạng mục hoàn chỉnh cho hệ thống công trình tiêu thoát lũ, chinh phục vùng đất mà các nhà khoa học gọi là túi phèn”. Kênh Võ Văn Kiệt dài 36.700m, khởi nguồn từ đoạn cua kênh Vĩnh Tế thuộc xã Lạc Quới chạy thẳng ra biển Tây tại Lình Huỳnh của huyện Hòn Đất (Kiên Giang) có thiết kế mặt rộng: 30 - 36m; đáy rộng 20m, sâu 4 - 4,5m với tổng lượng đất đào 5.608.000m3, đất đắp 2.257.000m3.

Công trình khổng lồ này hoàn thành trong 4 tháng (khởi đào ngày 22.4 và hoàn thành ngày 30.8.1997), một tốc độ “kỷ lục” như chính khoảnh khắc mà ông ra quyết định đào kênh. Ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị) - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - nhớ lại: “Trung tuần tháng 7.1996, trong lần về An Giang khảo sát tình hình, tìm giải pháp cho phát triển sản xuất, hạn chế ngập lụt, xây dựng nông thôn mới, sau 2 ngày đi thực tế, trao đổi, lắng nghe và tổng hợp ý kiến với cán bộ, nhân dân và các nhà khoa học, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã quyết định đào con kênh này mà không phải qua các khâu trình duyệt của thủ tục hành chính như thường lệ”.

Chính quyết sách táo bạo này đã làm thay đổi cục diện khai thác đồng phèn TGLX mà nhiều thế hệ trước đó đã chào thua. “Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Công Tạn từng vào đây xây “đại bản doanh” rồi sạ giống bằng máy bay, nhưng cũng chào thua. Sau đó, tỉnh An Giang và đích thân tôi vào tổ chức gieo trồng, nhưng sau 3 mùa dầm mưa, dãi nắng dân bỏ chạy hết. Có người đi bộ ra tận nhà tôi khóc hết nước mắt vì thua lỗ, nghe xong tôi cũng không kềm được nước mắt” - ông Bảy Nhị nhớ lại những ngày tháng đau đáu chưa xa. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản là chưa làm được điều mà sau này Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã làm được: Chiến thắng “giặc phèn”.

TS Tô Văn Trường - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam, người có nhiều năm làm việc trực tiếp với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - cho biết: “Tuy ở đầu nguồn, nhưng do đặc thù địa hình nên phần lớn lũ ở TGLX do nước từ vùng trũng Campuchia tràn sang. Đây là nguồn nước hơi chua thường được gọi là “nước đen”, vừa không mang phù sa, lại vừa tạo thành sóng lũ dọc, vận động theo hướng tây bắc - đông nam vuông góc với hướng dòng chảy từ sông Hậu vào TGLX”.

Vì thế theo TS Trường, sau khi quyết định cho xây 2 đập tràn Trà Sư, Tha La chặn không cho lũ tháng 8 vào TGLX qua tuyến Bảy Cầu (nằm trên lộ Châu Đốc đi Nhà Bàng - huyện Tịnh Biên) như thường lệ, quyết định đào kênh T5 bắt nguồn tại Tuần Thống - nơi có nhiều áp lực nước trên kênh Vĩnh Tế và thẳng hướng ra biển để tăng cường công suất thoát lũ cho kênh Vĩnh Tế và kết hợp đất đào kênh đổ lên hình thành tuyến dân cư là một quyết định vô cùng thông tuệ của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Bởi mãi sau này, các nhà khoa học chuyên ngành mới “ngộ” được chân lý từ công trình của tầm nhìn đi trước thời đại này. Năm 2002, TS Bùi Đạt Trâm - GĐ Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn An Giang - trong công trình nghiên cứu “Biến đổi dòng chảy lũ vùng TGLX tới tác động của hệ thống công trình tiêu thoát lũ ra biển Tây” đã cho thấy: “Ngoài tác động làm giảm 70,8% dòng lũ đầu mùa từ Campuchia chảy qua tuyến Bảy Cầu, hệ thống này còn làm tăng 250% lượng dòng chảy từ sông Hậu vào TGLX so với thời điểm chưa có hệ thống công trình tiêu thoát lũ ra biển Tây”.

Điều này cũng đồng nghĩa: Hệ thống thuỷ lợi này đã làm giảm áp lực đe doạ việc thu hoạch lúa hè thu tại các khu vực đã phục hoá và gia tăng khả năng rửa phèn, cung cấp phù sa cho các vùng đất hoang trên vùng TGLX. Ông Bảy Nhị đúc kết: “Sau khi “kênh ông Kiệt” vận hành, lần đầu tiên vùng TGLX xuất hiện cụm từ “lũ đẹp” và cũng là lần đầu tiên người dân nơi đây tống tiễn cái nghèo, cái đói để lần lượt bước lên đài no ấm, thậm chí nhiều người trở thành tỉ phú giàu từ cây lúa..., nhưng với lực lượng cán bộ chúng tôi, đó còn là công trình khai sáng về cách nghĩ, cách làm phục vụ sự nghiệp phát triển của nhân dân”.

“Nhiều anh em, bạn bè thường khen tôi đã mạnh dạn hình thành “Đề án 31”, đầu tư vốn, kỹ thuật giúp dân nghèo ổn định đời sống từ việc khai thác lợi thế mùa nước nổi, nhưng thú thực đó là “lời giải” mà tôi đã học được từ người anh, người thầy, vị Thủ tướng đáng kính Võ Văn Kiệt” - ông Bảy Nhị tự hào.

Lục Tùng/ LĐO