itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Mưu sinh từ những con trìa

Mưu sinh từ những con trìa

Đeo bên mình một cái thùng xốp, khắp người được phủ kín bởi áo mưa, khẩu trang, nón lá… nhiều người phụ nữ sống hai bên bờ phá Tam Giang mưu sinh bằng nghề bắt trìa.

Trong cái nắng chói chang của một buổi trưa hè tháng 6, chúng tôi về đến bến đò Cồn Tộc (Quảng Lợi, Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế). Nhìn ra mặt nước mênh mông, thấy có khoảng 100 chiếc nón nhấp nhô và những cái thùng phao trắng nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Hỏi ra, mới biết đó là những phụ nữ đang bắt trìa (một loại hến) trên phá Tam Giang.

Mệ Văn Thị Thắm (thôn An Gia, Quảng Phước, Quảng Điền) năm nay đã 65 tuổi cho biết: “Tui bắt trìa đã 40 năm nay. Hồi mới lấy chồng, ruộng đất ít ỏi, cuộc sống gia đình còn khó khăn, tui lại không có nghề nghiệp nên đi bắt trìa để phụ giúp kinh tế gia đình. Giờ đây tui cũng đã già, lại sống một mình nên không biết việc gì làm ngoài đi bắt trìa kiếm sống.

Bữa trước, giá trìa còn rẻ, chỉ khoảng 1-2 nghìn đồng/kg. Ba năm trở lại đây, giá trìa tăng cao, khoảng 3,5 nghìn đồng/kg nên người đi bắt trìa đông hơn. Mỗi bữa đi bắt được khoảng 20-30kg trìa, tương đương hơn 70.000 nghìn đồng. Ở tuổi tui, một ngày kiếm được chừng đó là mừng lắm rồi”.
Chị Lê Thị Thương (Quảng Lợi, Quảng Điền) chia sẻ: “Ngày trước khi còn khỏe mạnh, hai vợ chồng còn sức đi làm thuê trang trải cuộc sống gia đình. Giờ đây, khi con cái đang độ tuổi ăn tuổi học nên càng tốn kém. Thu nhập chính chỉ dựa vào chồng nên cuộc sống còn khó khăn. Tui thì yếu không biết làm việc gì cho ra tiền nên đành phải đi bắt trìa”. Ông Nguyễn Trường, Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho biết: “Nghề bắt trìa thuờng diễn ra vào mùa nắng, khoảng từ tháng 2 đến tháng 8. Nghề này đã có từ lâu. Phần lớn người bắt trìa là người không có nghề nghiệp ổn định. Hiện tại, toàn xã có hơn 100 phụ nữ sống với nghề bắt trìa” Thời gian bắt trìa thường theo con nước từ lúc 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều, vì lúc đó trời ấm, ngâm mình dưới nước thì người mới đỡ lạnh. Trìa nhiều và to thường có ở những đoạn nước sâu. Ở đó, người bắt trìa không thể dùng tay bắt mà trìa được bắt bằng chân. Chân dẫm dưới đáy nước, quơ đi quơ lại thấy khối gì cưng cứng thì dùng chân kẹp lên.
Chị Thương còn cho biết: “Bắt trìa sợ nhất là đi một mình, nếu sơ sẩy gặp phải những vùng nước sâu thì chết như chơi. Bắt trìa dùng bằng chân để “kẹp” nên chuột rút cũng hay xảy ra nhất là khi trời lạnh. Bọn tui đi bắt trìa thường đi thành nhóm, một nhóm từ 5- 6 người, để có gì còn giúp đỡ nhau được”.
Theo Đức Quang (Thừa Thiên-Huế Online)