itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Tuổi thơ lạc loài

Tuổi thơ lạc loài

Những đứa trẻ cùng họ Nhân, cùng có ngày sinh 1-6 tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau

Những đứa trẻ bất kể được nhặt ở đâu, lành lặn hay khiếm khuyết, khi vào mái ấm này đều được mang họ Nhân, cùng sinh ngày 1-6 và được đặt cho những cái tên thật đẹp, thật hiền.

Nằm cạnh Quốc lộ 1A, cách trung tâm TP Cà Mau gần 8 km, Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh Cà Mau dường như tách rời với cuộc sống hối hả bên ngoài. Thế nhưng, bên trong đó là cả một xã hội thu nhỏ với đầy đủ cảm xúc của những đứa trẻ mang nhiều nỗi bất hạnh.

Ngày sinh đặc biệt

Phía sau cánh cổng sắt khép hờ là con đường rộng thênh thang dẫn đến những dãy nhà rêu phong ẩn mình dưới hàng cây vừa nhú lộc sau những cơn mưa đầu mùa. Bà Võ Ánh Nguyệt, Phó Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh Cà Mau, giới thiệu: “Trung tâm thành lập năm 1993, hiện chúng tôi đang nuôi dưỡng hơn 70 trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, khuyết tật… Mỗi cháu có một hoàn cảnh riêng nhưng hầu hết đều chưa lần nào nhìn thấy cha mẹ ruột”.

Bà Nguyệt lần giở cho tôi xem từng danh sách một. Mỗi cái tên là một thân phận bất hạnh, hẩm hiu nhưng tất cả các cháu đều sinh nhằm vào ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6). Hơn một nửa trong số đó là được nhặt về từ ngay cổng trung tâm này hoặc nơi xó xỉnh nào đó khi còn đỏ hỏn. Hồ sơ của các cháu chỉ vỏn vẹn vài dòng về địa điểm bỏ rơi, cân nặng, tình trạng sức khỏe; còn ngày sinh thật, quê quán, cha mẹ thì mịt mờ.

Các cháu còn lại là mồ côi, cha mẹ bỏ nhau hoặc gia đình quá nghèo không nuôi nổi. “Các cháu mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hay bị bỏ rơi thì làm sao biết được ngày sinh! Vậy nên, chúng tôi chọn ngày Quốc tế Thiếu nhi là ngày sinh của các cháu và tổ chức sinh nhật tập thể đều đặn hằng năm”- bà Nguyệt cho biết.

Tiếng trẻ khóc ré lên trong căn phòng dành cho những đứa trẻ khuyết tật. Bà Nguyệt bỏ dở câu chuyện với tôi chạy vào dỗ dành một đứa trẻ đang nằm trong cũi. Thấy bà, đứa bé cố rướn người lên nhưng đôi chân thì bất động. Bà Nguyệt bảo cháu Nhân Trung Nghĩa bị bại liệt bẩm sinh, dù nghe được nhưng không nói được. Ban nãy nghe tiếng bà bên ngoài, cháu nghĩ là được phát quà bánh nên đã khóc lên để gây chú ý. Nằm cạnh đó là một bé gái bị bại não, không có cảm giác, sống đời sống thực vật...

Chị Nguyễn Thị Thu, mẹ nuôi các cháu bị bỏ rơi từ ngày trung tâm mới tiếp nhận những đứa trẻ đầu tiên, cho biết: “Chăm sóc trẻ con đã khó, trẻ khuyết tật càng khó hơn gấp bội, nhiều đứa không có tri giác, bệnh tật vô phương cứu chữa. Nhưng những tiếng khóc, cử chỉ hồn nhiên của các cháu đã níu chân chúng tôi gắn bó với nơi này. Nếu không có tình cảm với các cháu thì không thể nào chăm sóc chúng được”.

Mong các cháu nên người

Những đứa trẻ bất kể được nhặt ở đâu, lành lặn hay khiếm khuyết, khi vào mái ấm của Trung tâm BTXH tỉnh Cà Mau đều được mang họ Nhân và được đặt cho những cái tên thật đẹp, thật hiền. Bà Nguyệt thổ lộ: “Chúng tôi đặt họ Nhân cho các cháu với ý nghĩa muốn nhắc nhở rằng các cháu là con người, cần được đối xử như mọi trẻ em khác. Hy vọng các cháu lớn lên thành người tốt, sống nhân ái, không oán trách hay vương mang hận thù”.

Từ khi được thành lập cho tới nay, hằng năm, Trung tâm BTXH tỉnh Cà Mau đều tiếp nhận vài trường hợp bé sơ sinh bị bỏ rơi. Nhân Hải Thôi bị mẹ bỏ rơi trước cổng trung tâm vào một đêm lạnh giá đầu năm 2010. Cháu bị bại não, không chịu ăn mà chỉ khóc. Không chịu nổi cảnh ngày có quá nhiều đứa trẻ bị bỏ rơi, anh chị em ở đây quyết định đặt tên cho cháu là Nhân Hải Thôi, với hàm ý rằng đừng thêm trường hợp nào bị bỏ rơi nữa.

Thế nhưng, chỉ mới từ đầu năm đến nay, cứ mỗi tháng, tại trung tâm này lại tiếp nhận thêm một trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Đêm 9-5 vừa qua, các cán bộ trung tâm nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc yếu ớt bên cạnh cổng rào khuôn viên. Dưới ánh sáng của ngọn đèn đường hắt qua tán cây rậm rạp, một hình hài đỏ hỏn mới vừa cắt rốn nằm cuộn tròn trong một chiếc khăn mỏng manh thoi thóp vì lạnh và đói. Cháu cố hết sức để khóc lên nhưng không thành tiếng, rồi ngất lịm. Sau một hồi được mang vào trong hơ ấm, bé tỉnh lại và bú sữa được. “Nếu chúng tôi phát hiện chậm một chút nữa thôi thì đứa bé chắc không sống nổi”- bà Nguyệt nhớ lại.

Đó là đứa trẻ bất hạnh thứ 73 tại trung tâm này, bà Nguyệt đặt tên cho cháu là Nhân Kim Hoa. Hoa cũng sẽ được khai sinh vào ngày 1-6 tới đây như những đứa khác và mọi người chỉ hy vọng cháu sống được tới ngày đó, bởi sức khỏe của cháu rất yếu.

Bỗng dưng mồ côi

Tại Trung tâm BTXH tỉnh Cà Mau có trên 10 cháu mà cha mẹ vì hoàn cảnh nghèo hay nhiều lý do khác buộc phải rứt núm ruột của mình để lại.

Cách đây gần 10 năm, có một người cha dắt 2 đứa con trai vừa biết nói đến trước cổng Trung tâm BTXH tỉnh Cà Mau. Ông xua tay bảo chúng hãy đi vào trong với mẹ. Kể từ đó, hai đứa thành… trẻ mồ côi! Bà Nguyệt kể: “Hai đứa nhỏ nói chuyện còn chưa rành, mỗi đứa cầm trên tay một túi đựng quần áo, bên trong mỗi túi có một tờ giấy ghi tên, tuổi. Nay anh em Lưu Minh Khôi - Lưu Minh Khoa đã 12-13 tuổi”.

Nhân Minh Quân, Nhân Thanh Tâm, Nhân Trúc Thùy mồ côi cha trong bão số 5 (năm 1997). Rời quê Kiên Giang, mẹ các cháu dẫn 3 con nhỏ đi làm mướn, rồi bệnh chết tại Bệnh viện Cà Mau. Trong thời gian ở bệnh viện, anh em Quân xin cơm ăn, nuôi mẹ. Có người xin Thùy làm con nuôi nhưng mẹ, rồi Quân, Tâm không cho. Khi mẹ mất, ba anh em không còn chỗ nương tựa, được Trung tâm BTXH tỉnh Cà Mau cưu mang.

Ông Đào Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh Cà Mau, không thể nào quên được một ngày mùa đông năm 2007. Nhận được tin tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh - Cà Mau có 5 anh em mồ côi, không nơi nương tựa sống lây lất ở bìa rừng, ông cùng các nhân viên trung tâm liền đến nơi. Năm đứa trẻ nằm lăn lóc dưới nền đất trong căn chòi tồi tàn không giường chiếu như một ổ rơm. Cha của các cháu bị tù tội, sau đó mẹ bỏ đi đâu không biết…

Theo NLĐ