itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Phóng sự - Ký sự / Hệ thống giáo dục mầm non tư thục: Thực trạng và nỗi lo chất lượng

Hệ thống giáo dục mầm non tư thục: Thực trạng và nỗi lo chất lượng

Một lớp mầm non tư thục ở Hà Nội

(ảnh minh hoạ).

Chưa bao giờ hệ thống các trường tư thục, dân lập, nhất là trong khối mầm non, mẫu giáo lại phát triển nhanh như hiện nay. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển rầm rộ đó là những vấn đề cần phải bàn như chất lượng, học phí, cơ sở vật chất...

Ghi nhận của Lao Động tại hai TP lớn: Hà Nội và TPHCM cho thấy toàn cảnh bức tranh về hệ thống mầm non tư thục.

Trăm hoa đua nở

Nếu như ở các trường mầm non công lập, trung bình sĩ số mỗi lớp thường khoảng 40 - 45 cháu với 2 cô phụ trách (khối mẫu giáo) hoặc 35 - 40 cháu/lớp và 3 cô phụ trách (khối nhà trẻ) thì ở các trường tư thục, dân lập, đặc biệt là những trường mầm non tư thục chất lượng cao, sĩ số này chỉ ở trong khoảng 10 - 25 cháu/lớp. Điều đó khiến phụ huynh yên tâm hơn hẳn khi gửi con tại đây.

Trong khi các trường công lập chỉ bắt đầu nhận trẻ từ 24 tháng, cá biệt một số trường nhận trẻ từ 18 tháng trở lên, thì các trường tư thục sẵn sàng nhận trẻ từ 8 tháng, thậm chí 5 tháng tuổi. Đây là những lý do chủ yếu khiến rất nhiều phụ huynh tìm đến các trường mầm non tư thục chất lượng cao.

Hầu hết các trường tư thục đã nhanh chóng nắm bắt tâm lý của các gia đình có thu nhập cao nên ngoài chương trình học theo quy định, trẻ còn có điều kiện tham gia các hoạt động ngoại khoá khá phong phú. Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu của đối tượng lao động có thu nhập thấp, các nhóm trẻ gia đình cũng "trăm hoa đua nở", chủ yếu trông các cháu nhiều hơn là dạy.

Tuy nhiên, ở các trường mầm non ngoài công lập, phụ huynh phải chấp nhận mức tiền đóng hàng tháng cao gấp nhiều lần so với các trường công lập. Nếu như ở các trường công lập, tiền học phí, tiền ăn, bán trú... của trẻ trung bình 200.000đ - 300.000đ/tháng thì ở các trường tư thục chất lượng cao, mức thu này thường ở khoảng 1 triệu - 1,2 triệu đồng trở lên.

Cá biệt, có những trường thu học phí rất cao như O'Hana: 160USD + 60USD xe đưa đón, Smart Kids: 140USD/tháng; Wonderland: 120USD/tháng (lớp trẻ 9 - 18 tháng)... hay những trường quốc tế như Morning Star, mức học phí là hơn 400USD/tháng (chưa kể tiền ăn và xe đưa đón). Tại các trường hoặc nhóm lớp mầm non tư thục bình dân, mức đóng này cũng phải từ 600.000đ trở lên.

"Nạn nhân" của sự quá tải, bất hợp lý của ngành giáo dục?

Sau vụ việc bé Bảo Trân bị bảo mẫu Lê Vy dán băng keo vào miệng cho bé nín khóc, khiến bé Trân rơi vào tình trạng hôn mê sâu, cơ quan chức năng vào cuộc, làm rõ từ đó có hướng xử lý thích đáng. Tuy nhiên, qua vụ việc này một lần nữa cảnh báo về chất lượng hoạt động trong bối cảnh "quá tải" của ngành giáo dục đào tạo TPHCM hiện nay...

Thực tế cho thấy, hướng giải quyết của ngành giáo dục một lần nữa lại rơi vào tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng"!
Cụ thể, khi xảy ra vụ việc tại Trường Mầm non Thiên Thơ thì ngành đã "nhận" trách nhiệm là của Phòng Giáo dục quận đã không làm tròn, đã không kiểm tra sát sao, vẫn để cho trường Thiên Thơ hoạt động dù giáo viên không đủ điều kiện, chưa qua các lớp đào tạo về giáo dục mầm non nhưng vẫn được đứng lớp...

Tất cả những lời nhận lỗi chỉ để nhận lỗi chứ đã có ai đứng ra chịu trách nhiệm và gánh lấy hình thức kỷ luật nào.
Giải thích với báo giới, một phó giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho rằng: Hành động của bảo mẫu Lê Vy là cá biệt. Và trường Thiên Thơ thuộc nhóm trẻ gia đình. Việc ra đời các nhóm trẻ gia đình xuất phát từ nhu cầu của người lao động.
Vị lãnh đạo này cũng đưa thêm nhận định: Xã hội hoá giáo dục là đúng, là tốt nhưng một số trường tư thục đã chú trọng đến lợi nhuận mà thuê lao động rẻ tiền, tuyển người không có chuyên môn...

Hiện TPHCM có 246 trường mầm non, mẫu giáo tư thục và 735 nhóm trẻ gia đình. Về số lượng, hiện giáo viên mầm non hầu như không thiếu như các năm trước do mới được bổ sung từ nguồn mới hơn 900 người.

Tuy nhiên, chất lượng chuyên môn của những giáo viên này đang là mối lo ngại, bởi cũng theo thông tin từ Sở GDĐT thì có khá nhiều trường tư thục (dạng trường như trường mẫu giáo Thiên Thơ) đã chấp nhận tuyển giáo viên các tỉnh, chưa có hộ khẩu TP và một số giáo viên các trường công lập đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu, một số cô ở nhóm trẻ gia đình chỉ đào tạo cấp tốc 3 - 6 tháng (!).

 

Ngày 4.12 cha của Bảo Trân đã gửi đơn kiện đến Công an Q.Phú Nhuận và Viện KSND TPHCM đề nghị truy cứu trách nhiệm của những cá nhân và tập thể liên quan, gồm: Giáo viên Nguyễn Thị Hồng Hà, bảo mẫu Lê Thị Lê Vy và Trường Mầm non Thiên Thơ là nơi đã nhận chăm sóc bé Trân.
Cơ quan CSĐT quận Phú Nhuận đã chuyển quyết định khởi tố vụ án "Vô ý gây thương tích" cháu Trân sang Viện KSND quận phê chuẩn. Phía cơ quan chức năng cho biết, tội danh của những cá nhân và tập thể liên quan đến vụ việc sẽ thay đổi nếu tình hình sức khoẻ của Bảo Trân trở nên xấu đi.

Theo Đức Hạnh - Thể Uyên (Lao Động)