Việt Nam cần có thêm nhà dưỡng lão tư nhân
Trước những nhu cầu và thực tế của xã hội mới, quan niệm đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là bất hiếu, là đi ngược lại với truyền thống gia đình Việt Nam… có lẽ cần phải thay đổi.
Không ít chuyên gia xã hội cho rằng việc bỏ tiền đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão để hưởng một dịch vụ tốt, có điều kiện chăm sóc sức khỏe rất khác với chối bỏ trách nhiệm và xã hội cần “nghĩ thoáng” hơn về vấn đề này.
Xu thế của xã hội
Bà Lan, một giáo viên về hưu ở quận 2, TP.HCM, đã có hơn hai năm ở trong một viện dưỡng lão tại huyện Củ Chi (TP.HCM). Bà kể thấy con cháu đi làm vất vả mà còn lo lắng cho mình nữa nên bà thấy phiền lòng quá. Nghe kể về chuyện ở viện dưỡng lão, bà quyết định vào ở thử xem sao. “Ở đây tôi thấy chất lượng phục vụ và chăm sóc sức khỏe tốt, lại có bạn già chuyện trò với nhau, tôi hài lòng lắm và ở luôn tới giờ”- bà nói.
Chị Tâm, nhà ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, cũng kể câu chuyện của mình: “Mẹ tôi mất sớm chỉ còn mình ba ở với vợ chồng tôi. Dù quan tâm đến mấy vẫn không thể dành nhiều thời gian để trò chuyện, tâm sự với ba do hai vợ chồng đều bận rộn với công việc, các cháu thì đều học bán trú. Ông ở nhà rất buồn, nghe bạn bè giới thiệu, ông nói với vợ chồng tôi là có nguyện vọng vào viện dưỡng lão. Hai vợ chồng mấy đêm không ngủ và suy nghĩ không biết đã làm gì để ba buồn".
"Mãi rồi cũng không thuyết phục được, chúng tôi đành đồng ý để ba vào một viện dưỡng lão ở quận 9, TP.HCM. Chúng tôi tới thăm ba vào mỗi cuối tuần, đón ba về dịp lễ tết. Giờ đây thấy ba ngày một khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ, tôi đã có suy nghĩ khác: viện dưỡng lão chất lượng tốt thật sự là mái nhà chung, ý nghĩa của người cao tuổi”.
Truyền thống văn hóa Á Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, người già luôn được con cháu kính trọng. Trong gia đình Việt Nam truyền thống, con cháu luôn là người chăm sóc sức khỏe, vật chất và tinh thần cho ông bà, cha mẹ.
Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa kéo theo đó là quá trình gia tăng sự chuyển đổi việc làm từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ môi trường sống nông thôn sang đô thị... đã khiến mọi người ngày càng bận rộn hơn, đặc biệt là những người đang trong độ tuổi lao động, vì vậy thời gian chăm sóc ông bà, cha mẹ sẽ bị hạn chế.
Nhiều người già đã phải chịu cảnh suốt ngày lủi thủi ở nhà một mình trong buồn chán, bệnh cũng không có người ở cạnh để chăm sóc kịp thời. Còn những người con, cháu thì bày tỏ lo lắng để cha mẹ ở nhà một mình, chẳng may xảy ra chuyện gì thì hối hận không kịp.
Vậy nên có một nơi chăm sóc tốt cho những người già là mong mỏi của nhiều người.
Cung chưa đủ đáp ứng cầu
Chúng ta đang sống trong một xã hội phát triển, các chức năng cơ bản của gia đình truyền thống như giáo dục, chăm sóc sức khỏe... ngày nay đã được xã hội đảm nhận phần lớn, hay nói cách khác được chuyên môn hóa và thực tế đã chứng minh nó đem lại hiệu quả tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.
Với người già thì ăn uống không phải là quan trọng nữa mà là sự cảm thông chia sẻ, trong khi con cái quá bận bịu lo làm ăn. Viện dưỡng lão chất lượng tốt thật sự tạo ra môi trường cho những người già sinh hoạt chung và cùng nhau chia sẻ.
Đó cũng là nơi có điều kiện chăm sóc người già tốt hơn vì được chuyên môn hóa cao trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và chữa bệnh cho người cao tuổi.
Tuy nhiên, có một thực tế là Việt Nam hiện nay chưa nhiều viện dưỡng lão có chất lượng đủ để đáp ứng yêu cầu, nhất là đối với những người thu nhập khá trở lên.
Theo thống kê của Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tỉ lệ người trên 60 tuổi ở nước ta chiếm 10% dân số, tương đương với 9 triệu người. Dự báo đến năm 2029 dân số Việt Nam sẽ già hóa với tỉ lệ 17% dân số, tương đương 16,5 triệu người cao tuổi.
Trong khi hiện tại hầu hết mô hình dưỡng lão ở Việt Nam đều được Nhà nước bảo trợ và được phân bổ theo địa giới hành chính, mỗi tỉnh từ 1 - 3 trung tâm. Ví dụ, ở TP.HCM có 2 trung tâm nuôi dưỡng người già lớn nhất cả nước là Thị Nghè (Bình Thạnh) và Thạnh Lộc (Hóc Môn), chỉ nhận nuôi người già neo đơn, bị bỏ rơi hay thuộc diện chính sách.
Vì vậy, việc khuyến khích nhân rộng mô hình nhà dưỡng lão tư nhân hoàn toàn phù hợp với bối cảnh và nhu cầu của xã hội.
Một khảo sát nhỏ về “Chất lượng cuộc sống người cao tuổi tại các viện dưỡng lão tư nhân hiện nay” được thực hiện trên địa bàn TP.HCM năm 2014 cho kết quả: 84,8% người được hỏi hiện đang sinh sống tại các viện dưỡng lão tư nhân hài lòng với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại đây. Có tới 79,5% các cụ cảm thấy hài lòng vì họ được quan tâm và chia sẻ từ các cán bộ, điều dưỡng và từ bạn già cùng sinh sống tại đây.
TRỊNH THỊ HIỀN (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM)
Tin đã đăng
- Khuyến khích công nhân đi học
- Những phận đời ở miếu Mạch Nước
- Tỷ phú gốc Việt 2,8 tỷ "đô": Thành công đất ngoại, thất bại quê nhà!
- Mang niềm vui đến công nhân
- Sân chơi cho người giúp việc
- Vé xe buýt giả do tiếp viên bán!
- Mùa cá trên hồ Trị An
- Dồn sức hỗ trợ nhà đầu tư
- ODA – 'Cú hích' hay 'Cú đấm' cho nước nghèo?
- Gà Đông Tảo, cá mú nghệ hút hàng