itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Chống lạm phát: Cần giải pháp cụ thể để an dân

Chống lạm phát: Cần giải pháp cụ thể để an dân

Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) chiều nay (3/4) ra lời kêu gọi toàn dân tham gia kiềm chế lạm phát, tại Hội nghị lần thứ 11 Đoàn chủ tịch, với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và một số thành viên Chính phủ.

Các ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ đề nghị Chính phủ có những giải pháp cụ thể đảm bảo đời sống dân sinh, để lạm phát ít ảnh hưởng nhất đến người nghèo, người làm công ăn lương.

Nhất trí cao với những giải pháp do Chính phủ đưa ra, các thành viên Đoàn chủ tịch TƯ MTTQ "hiến" cho người đứng đầu Chính phủ không ít "kế" để vượt qua những khó khăn hiện tại.

Cơ hội cải cách

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh, người từng trải qua công cuộc chống lạm phát những năm đầu thập kỷ 90, nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Đây chính là cơ hội để cải cách nền hành chính, chỉnh đốn doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao năng lực trình độ quản lý của cơ quan Nhà nước".

Ông Khánh đề nghị Chính phủ "dứt khoát không chạy theo chỉ tiêu tăng trưởng, tăng trưởng cao mà không bền vững thì để làm gì? Tăng trưởng nhưng lạm phát ảnh hưởng đến đời sống, đến lòng tin của nhân dân thì thà chỉ tăng trưởng 4 - 5% thôi".

Ủy viên Đoàn chủ tịch MTTQ, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (phải):
"Đây chính là cơ hội cải cách nền hành chính, chỉnh đốn doanh nghiệp Nhà nước". Ảnh: VA

Nguyên Phó Thủ tướng đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ cắt giảm đầu tư công, đặc biệt Nhà nước không tham gia làm những lĩnh vực mà doanh nghiệp có thể đầu tư như y tế, giáo dục, văn hóa.

"Chắc chắn Chính phủ sẽ bị phản ứng bởi các tổ chức, cá nhân đang chủ trì các công trình. Đây sẽ là một cuộc đấu tranh nội bộ gay gắt trong Chính phủ, nên cần sự lãnh đạo nhất quán của Đảng, Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng", ông Khánh nói.

Ông Nguyễn Khánh cho rằng Thủ tướng cần kiểm tra, rà soát kỹ từng cơ quan hành chính trong việc cắt giảm 10% chi tiêu cho những việc làm có tính hình thức, đồng thời Chính phủ cần "kiên quyết làm gọn nhẹ bộ máy Nhà nước, nhất quán trong chỉ đạo giữa chủ trương tình thế, trước mắt với những giải pháp cơ bản".

"MTTQ sẽ dốc hết sức mình để giám sát việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, giám sát luôn các vị trong Chính phủ chứ không chỉ cấp dưới", ông Khánh khẳng định.

Cần giải pháp cụ thể để an dân

Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của MTTQ, GS Vũ Đình Bách cho rằng trong số 8 giải pháp, Chính phủ cần tập trung vào giải pháp thứ 7: Hỗ trợ an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

"Lạm phát làm mất tín hiệu của thị trường và tác động nguy hiểm nhất là đời sống dân nghèo, cán bộ công nhân viên sống bằng đồng lương. Năm kia, đi xe ôm đến MTTQ tôi chỉ phải trả 6.000 đồng, năm ngoái lên thành 8.000, bây giờ đã là 15.000. Dân muốn biết Chính phủ có giải pháp cụ thể gì để an dân, chứ cứ nói xóa đói giảm nghèo nghe hơi xa xôi", ông Bách nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Chính phủ sẽ kiên trì, cương quyết
khắc phục yếu kém để quản lý tốt hơn nền kinh tế". Ảnh: VA

Cảnh báo về nguy cơ lạm phát đình trệ với những biểu hiện sản lượng thấp, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, GS Vũ Đình Bách phân tích: "Cần nhất là chính sách kinh tế vĩ mô đồng bộ. Không đồng bộ thì sẽ triệt tiêu lẫn nhau dẫn đến khủng hoảng. Phải bàn kỹ thắt chặt tiền tệ đến đâu, chính sách thì đúng nhưng nếu không khéo thì doanh nghiệp sẽ thiếu vốn, công nhân sẽ thất nghiệp".

GS Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ và pháp luật của MTTQ đề cao tính kỷ luật trong Nhà nước pháp quyền. Ông cảm giác có nhiều nơi không chấp hành nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và cho rằng điều này rất nguy hiểm.

"Cần quyết liệt siết chặt kỷ luật hành chính từ trên xuống dưới, ai làm không đúng chỉ đạo của Chính phủ thì phải kỷ luật nghiêm khắc, chứ "ông chẳng bà chuộc" thì dù giải pháp đúng đến đâu cũng không thể có kết quả", ông Đạt nói.

Ý kiến của ông Đạt được Chủ tịch Hội doanh nghiệp công thương Hà Nội Vũ Duy Thái đồng tình: "Chính phủ phải kỷ luật về hành chính những ai tăng giá các mặt hành thiết yếu".

Lãng phí: Một trong những thủ phạm lạm phát?

Phó Chủ tịch MTTQ Cư Hòa Vần đặt vấn đề: Có phải lãng phí tràn lan ở các địa phương chính là một trong những yếu tố gây lạm phát?

"Có những tỉnh còn nghèo, thu ngân sách chưa đến 100 tỷ đồng nhưng làm hội trường mất đến 200 tỷ. Đường vành đai chỗ nhà tôi ở làm 20 năm rồi, qua 3 nhiệm kỳ Thủ tướng rồi vẫn chưa xong, gây lãng phí vô cùng. Cách đây 3 năm đi thăm Ấn độ, chúng tôi được một Ủy viên TƯ Đảng cầm quyền tiếp nhưng tiện nghi không bằng một huyện miền núi của ta, người ta tiết kiệm như thế chứ", ông Vần nói.

Ông Cư Hòa Vần bức xúc với tệ xa hoa, lãng phí của các địa phương: "Miền núi rất nghèo nhưng nghe nói có chủ tịch, bí thư có ghế trị giá 20 triệu đồng. Một số lãnh đạo địa phương khi về hưu có "cơ sở" hết ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, mua xe riêng không kém sang trọng so với xe công thời đương chức. Có phải tất cả những điều này khiến lạm phát không?".

Phó Chủ tịch MTTQ Cư Hòa Vần (đứng): "Một số lãnh đạo địa phương
khi về hưu đều có "cơ sở" ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh". Ảnh: VA

Ông Vần cũng đề nghị các nhà lãnh đạo "phải lắng nghe ý kiến nhân dân", "tiếp xúc cử tri còn nhiều hình thức quá, nghe lãnh đạo nhiều hơn là nghe dân. Xem truyền hình phát 5 phút một cuộc tiếp xúc cử tri thì lãnh đạo nói đến 4 phút, dân chỉ nói 1 phút".

Ý kiến của các thành viên Đoàn chủ tịch UBTƯ MTTQ được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao. Ông mong muốn MTTQ giám sát việc thực hiện các giải pháp và tiếp tục góp ý cho Chính phủ.

Thủ tướng cũng khẳng định khoản tiền tiết kiệm từ việc cắt giảm 10% chi tiêu hành chính là để dành cho an sinh xã hội như y tế, giáo dục, hỗ trợ người nghèo. "Chính phủ sẽ kiên trì, cương quyết khắc phục yếu kém để quản lý tốt hơn nền kinh tế", ông Dũng cam kết.

Chủ tịch MTTQ Huỳnh Đảm 

"Các tổ chức thành viên của MTTQ, các cấp, các ngành, doanh nghiệp, đồng bào chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài hãy phát huy tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, chủ động sáng tạo, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, chăm lo cho các gia đình chính sách và các hộ nghèo đặc biệt khó khăn; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước".

Vân Anh / Vietnamnet