itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Miền Trung chìm trong lũ lịch sử : Đại Lộc - Quảng Nam: Đói ăn, ngập nợ

Miền Trung chìm trong lũ lịch sử : Đại Lộc - Quảng Nam: Đói ăn, ngập nợ

Những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên đã

về đến huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam

ngày 14-11

Người dân nhiều xã ở huyện Đại Lộc chưa kịp gượng dậy sau những đợt lũ, bão trước, nay lại rêm mình bởi cơn lũ lịch sử. Hậu quả thiên tai đã vượt quá xa khả năng chịu đựng của họ

Trong ngày hôm qua (14-11), mực nước sông Vu Gia đã xuống thấp và nước không còn ngập trong nhà dân nhưng 7 xã ở huyện Đại Lộc, gồm Đại An, Đại Cường, Đại Phong, Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Chánh và Đại Thạch vẫn bị cô lập hoàn toàn do nước lũ bao vây. Những chuyến hàng cứu trợ bằng trực thăng, ca nô đã tiếp cận được với người dân vùng rốn lũ nhưng chẳng thấm vào đâu. Người dân tiếp tục sống trong cảnh khốn khó: không nước, không điện, thiếu ăn... và nhiều lo lắng cho cuộc sống ngày mai.

Màn trời, chiếu đất

Chưa bao giờ người dân huyện Đại Lộc (Quảng Nam) lại hứng chịu trận lũ kinh hoàng như những ngày qua. Trên 95% ngôi nhà toàn huyện, với 35.000 hộ dân ngập chìm trong biển nước; 6 người chết và 1 người bị nước cuốn trôi chưa tìm được xác.

Chiếc xe tải chở hàng cứu trợ mì gói, nước mắm của ông Nguyễn Duy Hải, Giám đốc Công ty Sản xuất giấy Rạng Đông (Đà Nẵng), không thể vượt qua được dòng nước chảy xiết trên cầu Quảng Huế, đành quay lại thôn Song Bình (xã Đại Quang) để chuyển hàng sang thuyền, vượt sông Vu Gia cứu trợ người dân bị lũ cô lập ở xã Đại Phong.

Cụ bà Nguyễn Thị Thọ (70 tuổi, ở Mỹ Hảo) chỉ biết ngước mặt kêu trời, bởi ngôi nhà của bà trôi theo dòng nước lũ. “Gia tài” quý nhất của bà chỉ còn lại bộ áo quần mặc trong người trong lúc chạy lũ. “Trôi hết chú ơi, chỉ còn cái nền nhà này thôi, giờ không biết ở đâu” - bà Thọ ngồi trên nền nhà nhìn dòng nước sông Vu Gia cuồn cuộn chảy và than khóc.

Không chỉ bà Thọ, nhiều ngôi nhà của người dân ở thôn Mỹ Hảo cũng bị nước xâm thực làm sạt lở đất và uy hiếp hàng trăm hộ dân nơi đây. Hiện họ phải dựng tạm túp lều trên nền nhà bị lũ cuốn trôi để che nắng, che mưa và làm nơi ngả lưng cho cả gia đình.

Nỗi đau chồng chất

Xuôi theo dòng nước trên sông Vu Gia, chúng tôi tiếp cận được với người dân ở vùng rốn lũ xã Đại Cường - nơi bị nước lũ bao vây và cô lập hoàn toàn trong những ngày qua. Hàng trăm hộ dân ở thôn 8, 9 và 10 chưa thoát khỏi những khó khăn trong 2 trận lũ liên tiếp trước đó nay lại tiếp tục gánh chịu cơn lũ lịch sử trong ngày 11-11.

Toàn bộ nhà dân ở đây ngập chìm trong nước lũ, hàng trăm con gia súc, gia cầm, lúa gạo cũng bị lũ cuốn trôi. Sợ thiếu đói là nỗi lo chung của người dân vùng rốn lũ ở Đại Lộc.

Gia đình ông Bốn Tấn (Đại An) cũng rất tội nghiệp, làm lụng cả đời mới mua được con trâu để đi cày thuê kiếm gạo qua ngày. Nào ngờ con trâu - tài sản quý giá nhất để nuôi sống gia đình ông - đã bị lũ cuốn mất.

Hàng trăm hộ dân ở thôn Dục Tịnh (Đại Hồng) cũng lâm vào cảnh khốn cùng. Bởi trước đó, trận lốc xoáy đã làm sập đổ nhà cửa và làm tan hoang ngôi làng nhỏ bé này. Người dân chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp nơi dựng lại cái nhà che nắng, che mưa. Nợ trước chưa trả hết thì cơn lũ lịch sử ập đến nhấn chìm toàn bộ nhà dân, lương thực, thực phẩm, sách, vở trong biển nước.

Thương tâm nhất là gia đình anh Phạm Ba và gia đình anh Tưởng Tới (xã Đại Thạch). Anh Ba, anh Tới là lao động chính trong gia đình, bị cơn lũ lịch sử dìm chết. Giờ đây, cả gia đình đang gánh chịu nỗi đau chưa nguôi thì tiếp tục đối diện với nỗi lo, không biết làm gì nuôi con ăn học.

Thiếu nước, tắc đường

Hiện nay toàn bộ người dân trong vùng rốn lũ ở huyện Đại Lộc đều không có nước sạch để dùng cho sinh hoạt. Nguồn nước ở đây đã bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Những con đường trong thôn, xã đã bị xói lở nghiêm trọng nên rất khó khăn cho việc đi lại. Trạm xá, y tế, trường học đã bị bùn lầy phủ kín, ách tắc giao thông.

Đặc biệt, trên 1.800 hộ dân, với trên 7.000 dân sống dưới chân đập Trà Cân (xã Đại Hiệp) đang sống trong nỗi lo thấp thỏm, bởi nguy cơ vỡ đập ở đây rất lớn.

Trao đổi với chúng tôi ngày 14-11, ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết huyện đã bố trí trên 100 cán bộ chiến sĩ thường trực liên tục tại bờ đập để sẵn sàng ứng cứu khi sự cố xảy ra.

 

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Nam biển Đông kết hợp với hoạt động mạnh đới gió Đông trên cao và không khí lạnh lục địa tăng cường, từ chiều và đêm 16-11, ở các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt mưa lớn mới kéo dài trong những ngày nghỉ cuối tuần này và đầu tuần tới. Như vậy, lũ lụt ở miền Trung chưa dứt hẳn thì đợt lũ lụt mới lại bắt đầu.

(Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương)

Hoàng Dũng (Theo NLĐ)