itaexpress / Tin ITA / Đời sống / Tin tức / Miền Trung lũ chồng lên lũ

Miền Trung lũ chồng lên lũ : Ít nhất 18 người chết và mất tích

Hơn 80% nhà dân xã Quảng Thành,

Quảng Điền ngập chìm trong nước lũ

Vừa gượng dậy sau trận lũ ngày 16-17.10 với nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và của, miền Trung lại tiếp tục gánh chịu cơn lốc xoáy kèm theo lũ lụt trên diện rộng.

Quảng Nam: Miền núi vẫn bị cô lập, 9 người chết và mất tích

Hôm qua 31.10, hàng nghìn hộ dân vùng hạ lưu sông Thu Bồn, Vu Gia bị đe dọa do nước lũ lên nhanh. Chiều qua, một số trường học ở thị xã Hội An đã cho học sinh nghỉ học. Trên tuyến quốc lộ 1A, nước đã tràn qua thị trấn Vĩnh Điện (H.Điện Bàn). Quốc lộ 14B cũng bị nước lũ đã tràn qua, gây ách tắc giao thông một số nơi trên địa bàn H.Đại Lộc. Tại

H.Duy Xuyên, tuyến kè ven biển tại xã Duy Vinh bị nước lũ kết hợp triều cường khoét sâu hơn 200m, cuốn trôi hàng trăm m3 đất đá. Trong khi đó, tại xã Duy Trinh, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng xung kích 150 người sẵn sàng đề phòng nguy cơ sạt lở đập phụ Vĩnh Trinh. Đợt giông sét lớn rạng sáng 31.10, theo thống kê ban đầu, đã làm hệ thống LNB (dịch tầng thấp) và nhiều bộ khuếch đại tín hiệu RF của Trung tâm Truyền hình cáp Quảng Nam bị cháy, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Khu vực miền núi như Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Nam Giang vẫn đang bị chia cắt, cô lập do lũ. Tại Nam Trà My, Bắc Trà My, nguồn điện bị cắt từ rạng sáng 30.10 đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Tính đến cuối giờ chiều qua 31.10, tại Quảng Nam đã phát hiện 9 trường hợp chết và mất tích do mưa lũ.

Đà Nẵng: Hàng ngàn học sinh phải nghỉ học, 1 người chết

Mưa lũ dâng cao khá bất ngờ khiến hơn 4.500 hộ dân của 24 thôn thuộc 5 xã phía tây huyện Hòa Vang chìm trong nước. Nước lên khá nhanh vào đêm 29 và rạng sáng 31.10 nên nhiều hộ dân chỉ kịp "bỏ của chạy lấy người". Sáng 31.10, mưa to lũ lớn nên Ban PCBL đã cho gần 17.000 học sinh các xã của huyện Hòa Vang nghỉ học. Các tuyến QL 14B và tuyến đường ĐT604 đi Đông Giang (Quảng Nam) nhiều đoạn bị chia cắt do ngập lụt và sạt lở đất. Nước lụt đã làm ông Lâm Vĩnh (62 tuổi, thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) tử vong vào khoảng 4 giờ sáng ngày 31.10.

Thừa Thiên - Huế: 3 người chết và mất tích

Sau cơn lốc xoáy xuất hiện bất ngờ với cường độ rất mạnh quét qua địa bàn các xã Phú Thanh (H.Phú Vang), Hương Phong (H.Hương Trà), Quảng An, Quảng Thọ, Quảng Thành (H.Quảng Điền) và Phong Bình (H.Phong Điền) từ chiều 30 đến rạng sáng ngày 31.10, tại Thừa Thiên - Huế đã có mưa to và rất to trên diện rộng, kết hợp với triều cường đã làm mực nước trên các sông lên nhanh, gây lũ lớn, làm ngập hơn 70% xã, phường trong toàn tỉnh, đẩy nhiều vùng dân cư vào thế cô lập; những cuộc điện thoại cấp cứu đã liên tục gọi về Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB và TKCN) tỉnh. Tại xóm Gióng, phường An Tây, TP Huế, 30 hộ dân bị cô lập trong nước lũ không kịp tháo chạy cũng đã phát đi tín hiệu cấp cứu và được lực lượng cơ động của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh với sự chi viện của 2 trung đội dân quân tự vệ của phường Trường An đã đến cứu hộ, di chuyển đến nơi an toàn. Ngay trong đêm 30.10, các lực lượng cứu hộ gồm công an, quân đội, dân quân... đã được huy động tổng lực di dời được gần 2.000 hộ dân với hơn 7.576 người ra khỏi vùng nguy hiểm.

Thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế, đến chiều 31.10, đã có 2 người chết, 1 người mất tích và có 26 người bị thương (trong đó có 21 học sinh và 1 giáo viên của trường THCS Hương Phong, 2 học sinh của trường THCS Quảng Thọ và 2 người khác ở H.Phong Điền), 176 ngôi nhà tốc mái; đường sắt Bắc Nam bị ngập ách tắc hai đoạn (Mỹ Chánh - Phò Trạch và Văn Xá - Huế); đường quốc lộ 1A bị ngập tại nhiều điểm; đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nghiêm trọng tại Km384 + 600 và Km 402+ 350, gây ách tắc giao thông hoàn toàn.

Ngay trong ngày 31.10, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có cuộc họp khẩn và quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho mỗi người chết 2 triệu đồng, người bị thương 1 triệu đồng, đối với những hộ gia đình có nhà bị tốc mái, tùy theo mức thiệt hại hỗ trợ từ 1 đến 5 triệu đồng. UBND tỉnh cũng quyết định xuất kho dự trữ địa phương 100 tấn gạo và 26 tấn mì tôm phân bổ về cho các địa phương để cứu trợ khẩn cấp cho nhân dân.

Quảng Trị: 1 người chết, 128 nhà dân sập đổ và tốc mái

Mực nước trên các sông Ô Lâu và Thạch Hãn chảy qua địa bàn 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng dâng rất nhanh, làm ngập hàng nghìn hộ dân định cư ven sông và các vùng thấp trũng. Trong đó, các xã Triệu Thượng, Triệu Long, Triệu Giang, Triệu Thành, Triệu Thuận, Triệu Hòa... của huyện Triệu Phong đã bị lũ cô lập nặng, phần lớn các tuyến tỉnh lộ và liên xã bị sạt lở và ngập sâu từ 1 - 1,5m. Nước lũ dâng cao cũng đã làm ngập một số đường điện buộc Điện lực Quảng Trị đã phải cắt điện để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Tại các xã thấp lũ của huyện Hải Lăng, nhất là 7 làng của 5 xã nằm sát sông Ô Lâu bị ngập rất nặng, có nơi sâu hơn 2m.

Tính đến chiều 31.10, Quảng Trị đã có 1 người chết, đó là anh Trần Văn Long. Lốc xoáy tại xã Hải Hòa, Hải Thiện (Hải Lăng) và xã Triệu Long (Triệu Phong) làm tốc mái 128 ngôi nhà và sập đổ hoàn toàn 3 ngôi nhà khác. Lốc xoáy cũng đã làm 4 người bị thương.

Theo báo cáo của Trung tâm PCLB và TKCN Quảng Trị, mưa lũ, lốc xoáy và sấm sét đã làm thiệt hại 5.989 ngôi nhà; hơn 10 km đê bao Hải Lăng bị sạt lở; 5 cây cầu ở Hải Lăng bị hư hỏng nặng...

Quảng Bình: Huyện Lệ Thủy ngập sâu trong nước, 1 người chết

Trong hai ngày qua, tại huyện Lệ Thủy, Quảng Bình đã có mưa to đến rất to; trưa ngày 31.10, mực nước trên sông Kiến Giang đã vượt mức báo động III. Nước dâng nhanh làm ngập toàn bộ địa bàn các xã vùng giữa và một phần thị trấn trung tâm huyện, các khu vực dân cư sống hai bên bờ sông Kiến Giang bị ngập sâu từ 0,5-1m, nhiều tuyến đường bị chia cắt như đường dẫn lên các xã vùng cao Trường Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy. Học sinh nhiều trường phải nghỉ học. Ban PCLB và TKCN tỉnh Quảng Bình đã chuẩn bị các phương tiện tìm kiếm cứu hộ, sẵn sàng trong mọi tình huống. Trong ngày 31.10, Ban này đã tiếp nhận 2 xuồng máy, 50 nhà bạt, 500 phao các loại từ UB Quốc gia TKCN. Ban cũng đã mua 1.000 áo phao, 10 phao bè và một số máy bộ đàm liên lạc.

Ban PCLB huyện Lệ Thủy cho biết: Lốc xoáy bất ngờ đã hất tung 8 mái nhà dân ở thôn Bình Minh, xã Dương Thủy. Bé trai Nguyễn Văn Hưng (2 tuổi, ở thôn Nghinh Lộc, Hoa Thủy) bị rơi xuống nước và chết đuối.

Quảng Ngãi: 1 người chết, 2 người mất tích

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 16 giờ ngày 31.10, mưa lũ đã làm 1 người chết và 2 người mất tích; trong đó 2 người bị nước lũ cuốn trôi là anh Lê Văn Quang, 37 tuổi, cán bộ kỹ thuật của Công ty khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi và bà Đinh Thị Chiều, 55 tuổi, ở thôn Làng Trăng, xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà. Thi thể của anh Quang được người dân vùng biển xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa phát hiện vào lúc 7 giờ ngày 31.10. Mưa lũ cũng đã làm cho 41 ngôi nhà của các hộ dân ở huyện Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây... bị sập hoàn toàn, 166 ngôi nhà khác bị tốc mái, nhiều tuyến đường giao thông bị hư hại nghiêm trọng, một số xã miền núi bị cô lập hoàn toàn.

Không khí lạnh tăng cường ở miền Bắc 

Chiều qua 31.10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, trong những ngày tới không khí lạnh tăng cường sẽ làm thời tiết các tỉnh miền Bắc nước ta sẽ rét hơn. Không khí lạnh tăng cường cũng sẽ gây mưa rải rác tại Bắc Bộ; mưa vừa đến mưa to và rất to tại bắc và trung Trung Bộ; gió đông bắc ở vịnh Bắc Bộ lại mạnh lên cấp 6 - 7, giật trên cấp 7, biển động mạnh. Riêng tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi đêm 31.10 và hôm nay 1.11, có mưa vừa, mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100 - 150 mm, có nơi trên 200 mm. Vì vậy, hôm nay 1.11, lũ trên các sông từ Nghệ An đến bắc Quảng Bình tiếp tục lên và ở mức từ báo động I đến báo động II, có nơi trên báo động II; lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có khả năng lên lại và ở mức cao.

Quang Duẩn

Tổ PV miền Trung